Xử nghiêm các vụ án tham nhũng và không để oan, sai

TAND Tối cao vừa ban hành Chỉ thị số 01/2020/CT-CA về việc triển khai tổ chức nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các tòa án.

Các chỉ tiêu năm 2020

Theo đó, năm 2020 là năm cuối các cấp, các ngành thực hiện kế hoạch năm năm 2016-2020. Theo dự báo, số lượng các loại vụ việc mà tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, các tòa án tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương về tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Trụ sở TAND Tối cao. Ảnh: KSO

Năm 2020, tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của TAND, đảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định.

Trong đó, tòa án giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự, 85% trở lên đối với các vụ việc dân sự, 65% trở lên đối với các vụ án hành chính, 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án, 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Cạnh đó, tòa án bảo đảm 100% các bản án, quyết định của tòa án được ban hành trong thời hạn luật định (kể cả quyết định thi hành án hình sự đối với 100% người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án).

Tòa án bảo đảm 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm, tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án.

Án hình sự không để oan sai

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, tòa án phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật.

Tòa án chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm.

Tòa án áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước. Tòa án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, nhằm khắc phục hậu quả mà tội phạm tham nhũng gây ra, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.

Qua công tác xét xử, tòa án làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý, những kẻ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Chủ động đề xuất để hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Cạnh đó, tòa án cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án, tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật.

Tòa án khắc phục triệt để các vi phạm trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; xác định thiếu hoặc sai người tham gia tố tụng; việc thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ; đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện; không xem xét đầy đủ yêu cầu dẫn đến giải quyết không đủ hoặc vượt quá yêu cầu của đương sự; áp dụng pháp luật không đúng.

Tòa án khắc phục việc hủy án nhiều lần không có căn cứ pháp luật dẫn tới kéo dài việc giải quyết và làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự để nâng tỉ lệ hòa giải thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới