Xử người bẫy thú rừng quý hiếm: Không còn vướng!

Cơ quan CSĐT Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với Vi Văn Sơn và Vi Văn Hoàng để điều tra làm rõ hành vi tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Khó xử hình sự vì vướng định giá

Đây là vụ án giết voọc chà vá chân nâu (nhóm IIB, thuộc loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới) gây xôn xao dư luận, kéo dài suốt hơn một năm qua.

Theo hồ sơ, cuối tháng 3-2015, Sơn, Hoàng cùng ba người nữa đã bắt xe đò từ Nghệ An vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để dựng lán trại, đặt bẫy thú. Trong thời gian đi săn bẫy tại đây, nhóm của Sơn đã sát hại nhiều cá thể voọc chà vá chân nâu, sấy khô thịt, còn xương thì bó thành từng bó phơi trên giàn bếp.

Khi phát hiện vụ việc, lực lượng chức năng đã thu giữ tại hiện trường nhiều bẫy dây thép, dao phát, một túi đựng thịt và xương động vật. Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã gửi mẫu vật thu giữ để trưng cầu giám định tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam). Kết quả xác định đây là loài voọc chà vá chân nâu (hai cá thể). Từ đó, Chi cục Kiểm lâm TP đã khởi tố vụ án và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật sang Cơ quan CSĐT Công an quận Sơn Trà điều tra làm rõ.

Sau đó CQĐT đã ra quyết định khởi tố Sơn về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo khoản 2 Điều 190 BLHS. Tuy nhiên, VKS quận đã không phê chuẩn với lý do theo Điều 21 Nghị định 157/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) thì giá trị của tang vật thu giữ thuộc nhóm IB phải trên 100 triệu đồng mới xử lý hình sự. Do đó, cơ quan chức năng bắt buộc phải định giá xem số thịt, xương voọc chà vá chân nâu thu giữ được trong vụ này trị giá bao nhiêu mới có phương án xử lý.

Một cán bộ điều tra cho hay ba cấp định giá tài sản trong tố tụng hình sự của quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng và Bộ Tài chính đều trả lời chung một kết quả: “Voọc chà vá chân nâu không lưu hành trên thị trường nên không có cơ sở để định giá”.

Vi Văn Sơn (áo thun trắng) khi bị bắt cùng các dụng cụ “xẻ” thịt voọc chà vá chân nâu. Ảnh: TT

Số thịt voọc chà vá chân nâu thu giữ tại hiện trường. Ảnh: TT

Từ tháng 6-2015, không cần định giá tang vật

Vụ án rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, từ ngày 20-6-2015, Nghị định 40/2015 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013) đã có hiệu lực. Đáng chú ý, Nghị định 40/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Nghị định 157/2013 như sau: “Nghị định này không điều chỉnh đối với động vật rừng, thực vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, việc xử lý hành vi săn, bẫy, giết, vận chuyển, buôn bán… trái phép động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ không còn áp dụng theo Nghị định 157/2013, tức không còn bị phụ thuộc vào giá trị của tang vật thu được. Việc xử lý hình sự người vi phạm lúc này sẽ căn cứ vào Điều 190 BLHS và Thông tư liên tịch số 19/2007 của liên bộ trung ương (hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản). Theo Thông tư 19/2007 và bảng phụ lục kèm theo thì chỉ cần đặt bẫy, săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán… trái phép từ một cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trở lên là phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 BLHS (khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù).

Từ đó, CQĐT Công an quận Sơn Trà đã xác định không cần định giá và ra quyết định khởi tố bị can đối với Sơn và Hoàng theo khoản 2 Điều 190 BLHS (mức hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù) vì họ đã sát hại hai cá thể voọc chà vá chân nâu. Quyết định này đã được VKSND quận Sơn Trà phê chuẩn.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, việc xử lý hình sự đối với những người đặt bẫy, giết hại voọc chà vá chân nâu trong khu bảo tồn như trên là rất cần thiết để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Một vụ chỉ có thể phạt hành chính

Trong hai tháng 12-2013 và 1-2014, Y Lúy Kđoh, Y Men Kđoh, Y O Kđoh (cùng ngụ huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã vào Vườn quốc gia Yok Don bẫy được hai con thú lớn giống loài bò. Họ cắt đầu, xẻ thịt mang về phơi khô, các bộ phận khác thì chất củi đốt phi tang. Ngày 14-1-2014, hành vi của họ bị phát hiện. Công an huyện Buôn Đôn đã thu giữ hai đầu động vật có sừng và 12 kg thịt sấy khô. Theo kết quả giám định, hai động vật bị bẫy, giết là hai con bò rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB. Giá trị tính bằng tiền của hai đầu bò rừng và 12 kg thịt bò rừng thu được là 45 triệu đồng.

Theo Điều 190 BLHS, hành vi của ba người vi phạm nói trên đủ dấu hiệu về mặt khách quan để cấu thành tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo điểm 4 phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007 và Mục 42 bảng phụ lục kèm theo thì đặt bẫy, săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán… trái phép từ một con bò rừng trở lên là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 190 BLHS (khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù).

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các cơ quan tố tụng huyện Buôn Đôn đã không thể khởi tố ba người vi phạm mà chỉ phạt hành chính vì vướng quy định tang vật vi phạm phải có giá trị trên 100 triệu đồng mới xử lý hình sự của Nghị định 157/2013.

Cần xử lý nghiêm khắc

Loài voọc chà vá chân nâu là nguồn gen quý chỉ có ở vùng rừng núi Việt Nam và Lào, đã được ưu tiên bảo vệ. Việc loài động vật hoang dã quý hiếm này bị giết hại không chỉ gây ra thiệt hại về vật chất mà còn là tài sản phi vật chất rất lớn. Do đó, hành vi giết hại loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới này cần được xử lý nghiêm khắc, thích đáng để phòng ngừa.

GS-TS ĐẶNG HUY HUỲNH, Chủ tịch Hội Động vật học
Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm