Xử phạt hơn 14.000 trường hợp vi phạm qua hình ảnh

Sáng 11-12, trường Đại học GTVT TP.HCM đã phối hợp với Sở KHCN TP, Sở GTVT, Đại học Fengchia – Đài Loan và Viện nghiên cứu công nghệ châu Á tại Việt Nam tổ chức hội thảo Khoa học quốc tế “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải – AITC 2020”.

Dân số và hạ tầng ở TP.HCM đều ở mức độ quá tải

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT, cho biết nhà trường mong muốn cùng thúc đẩy năng lực nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giải quyết các bài toán trong lĩnh vực GTVT tại TP.HCM nói riêng và ngành GTVT nói chung. Theo ông Long, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện đã được Việt Nam quan tâm và áp dụng. TP.HCM và Hà Nội cần có chính sách áp dụng và triển khai sớm để giải quyết vấn đề về ách tắc về giao thông.

“Bài toán khó là chúng ta phải đồng bộ từ công nghệ, trang thiết bị, cải tạo nút giao thông phù hợp… để hướng dẫn người dân đi lại. Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn Sở GTVT và nhà trường sẽ đồng hành với nhau để cùng nhau nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo”- ông Long nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, với ngành giao thông nếu không áp dụng trí tuệ nhân tạo thì rất khó để quản lý giao thông. Hiện quy mô dân số và hạ tầng ở TP.HCM đều ở mức độ quá tải. Làm sao để giải quyết việc đi lại thuận lợi, đó là câu chuyện rất khó. TP cũng đã có nhiều đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính…do vậy TP.HCM rất cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong quản lý.

“Tôi rất mong muốn các nhà nghiên cứu đưa ra những bài toán để giải quyết các vấn đề giao thông hiện nay, đặc biệt là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Sở GTVT rất mong có sự hợp tác giữa các đơn vị, nhà khoa học để mang lại kết quả cho giao thông ở Việt Nam”- ông Lâm nhấn mạnh.

HAM-SONG-SAI-GON

Nhân viên Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đang theo sát hệ thống camera trên 14 tuyến đường. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Ứng dụng AI giải bài toán giao thông

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT TP), cho biết qua mô phỏng dự báo giao thông tại Trung tâm, trung bình mỗi người dân TP sẽ di chuyển 3,16 chuyến đi/người/ngày. Hành trình đi lại này cao hơn so với số hành trình đi lại của các đô thị trong khu vực.

Theo ông Tấn, với quy mô dân số TP như hiện nay thì nhu cầu đi lại là rất lớn và sẽ tăng mạnh trong tương lai, dự báo giao thông đến năm 2025 nhu cầu giao thông tại TP sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông thông đô thị, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trong việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại TP.

Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện các chức năng chính của hệ thống giao thông thông minh bao gồm: Điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; Giám sát, theo dõi tình hình giao thông; Cung cấp thông tin giao thông trực tuyến; Phối hợp xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; Mô phỏng dự báo giao thông.

Trong đó, hệ thống đèn tín hiệu giao thông được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông theo kịch bản tương ứng với từng thời điểm và tình hình giao thông trong ngày.

Trung tâm cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân với định hướng xây dựng một trung tâm ITS hiện đại. Bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu về kết nối, lưu trữ và chia sẻ thông tin cho người tham gia giao thông và các cơ quan đơn vị phối hợp. Bao gồm phối hợp với PC08 thuộc triển khai ghi hình, thu thập dữ liệu phục vụ xử phạt qua hình ảnh.

Ông Tấn nhấn mạnh, Sở GTVT xác định xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành giao thông đô thị trong thời gian tới cần tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, xem AI là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị.

Sở GTVT sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai AI trên một số lĩnh vực cụ thể bao gồm: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, điều hành giao thông trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông thông qua việc thu thập đầy đủ các dữ kiện giao thông; phân tích các hành vi giao thông, dự báo các sự kiện giao thông xảy ra trên đường…

Sở cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nghiên cứu phát triển phương tiện không người lái, bước đầu xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa phương tiện và phương tiện ….

Sở GTVT đã phối hợp với CSGT trong ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm an toàn giao thông. Cụ thể là thu thập dữ liệu phục vụ xử phạt qua hình ảnh về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Theo thống kê, từ tháng 6 đến nay, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã ghi hình và gửi biên bản xử phạt hơn 14.000 trường hợp vi phạm qua hình ảnh.

Trong số này đã có hơn 1.492 trường hợp đến thực hiện quyết định xử phạt (chiếm tỉ lệ 10,3%), với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng đã được nộp vào Kho bạc nhà nước 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm