Cà phê mấy nhịp đòng đưa

Từ lúc nào chẳng biết, tiếng Việt có thêm cụm động từ “ngồi cà phê”. Không ai nói ngồi chè đậu, ngồi sinh tố, ngồi trà sữa. Chứng tỏ là hễ ai vào quán cà phê đương nhiên có quyền… ngồi đồng. Có người ngồi quán cà phê tối ngày nhưng chả bao giờ uống cà phê. Nghĩa là có nhiều điều để bàn hơn về quán cà phê chứ không chỉ đơn thuần thức uống.

Cà phê nhiều mình

Cô có một ngôi biệt thự giữa lòng quận Ba. Từ sân, phòng khách, bếp cho đến ban công, sân thượng, chỗ nào cũng có thể biến thành góc uống cà phê. Tủ bếp nhà cô có vô số loại cà phê và đồ uống hảo hạng được sưu tầm từ các nước. Ấy vậy mà cô vẫn thích ghé quán cà phê, gần như mỗi ngày. “Ở quán khác ở nhà chứ. Thấy người qua kẻ lại là vui. Ngồi ở đây mới cảm nhận được hơi người”.

Em ở trong một phòng trọ chín mét vuông. Ngoài giờ lên giảng đường và làm thêm, em ghé quán cà phê để học bài, đọc sách; để trốn nóng, trốn chật, trốn cả sự ồn ào xô bồ của khu nhà trọ.

Anh hay hẹn đối tác, khách hàng ở quán cà phê. Những cuộc thương thảo bên bàn cà phê của anh thường cho kết quả tốt đẹp. Anh bảo rằng không gian quán cà phê vừa chung lại vừa riêng, có thể nói chuyện thoải mái mà không bị ai dòm ngó. À, đôi khi cũng bị một “ẩm khách” tò mò nào đó nghe ngóng nhưng không đáng kể. Sự thoáng rộng, tươi tắn của quán tác động ít nhiều đến tâm lý con người. Cảm giác thư thái, dễ chịu của khách hàng và cả anh đã tạo nên thành công cho cuộc tiếp xúc.

Tôi có một bàn làm việc rộng rãi ở nhà. Nhưng không hiểu sao sự yên tĩnh dịu dàng khiến tôi luôn muốn… lăn ra ngủ. Vậy nên quán cà phê trở thành chốn dung thân của tôi khi công việc quá bận rộn.

Cộng đồng cà phê hôm nay được hình thành bởi những lý do khá thực tế như vậy. Người ta tìm đến quán cà phê không chỉ vì chất lượng của nước uống mà chủ yếu mưu cầu một không gian học tập, làm việc, gặp gỡ hoặc đơn giản là để đỡ tù túng, buồn tẻ, để có những phút thư giãn riêng tư thật sự.

Bài Cà phê một mình của Ngọc Lễ - Phương Thảo vẫn hợp lý vì tình trạng “mình ên” trong quán không hề thuyên giảm, nhưng sự sướt mướt ủ ê trong bài xem ra không mấy hợp thời. Một mình nhưng chỉ cần bước vào cửa quán là lập tức hòa vào không khí nhiều mình. Người đi cà phê bây giờ cũng chẳng hề vô công rỗi nghề, trái lại cực kì bận rộn. Bên cạnh các sĩ tử, người vác laptop ra cà phê thường làm những công việc đòi hỏi sự tập trung hoặc khả năng sáng tạo cao. Họ có được sự tự do nhất định trong nghề nghiệp nên mới chọn quán cà phê làm điểm lui tới thân quen bất kể thời điểm nào trong ngày.

Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Cà phê “bán sân vườn” lên ngôi

Cách đây 20 năm, tôi thích sưu tầm những quán cà phê sân vườn đẹp. Quán có nhiều cây cối, hồ nước, đài phun, giàn leo, thảm hoa… sạch đẹp luôn là lựa chọn số một. Trong những quán cà phê xanh đó, thức ăn hay nước uống chỉ ở mức tàm tạm hoặc chỉn chu, chẳng mấy khi ngon lành thật sự. Nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Giữa thành phố bê tông mà được ngồi ở khu vườn như vậy, còn gì để phàn nàn? Những người bạn nước ngoài thường ngạc nhiên và trầm trồ mỗi khi được tôi dắt đến Sỏi Đá, Bản Sonate, Đà Lạt Phố, Sài Gòn Phố, Du Miên, Miền Đồng Thảo, Khúc Ban Chiều, Cõi Riêng, Trầm, Pergola, Country House, Oasis, Family Garden… Cũng phải thôi, vì ở nước họ, những hàng quán như thế rất khó tìm thấy nơi đô thị.

Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tôi tâm đắc và gắn bó với những quán cà phê mà tôi tạm gọi là mô hình “bán sân vườn” như The Coffee House, ID, L’amant, Fly Cupcake Garden, Cô Ba, Cậu Hai, Brodard, Oromia, Chanchamayo, Casanova, Monologues, Gemini... Tôi vốn không chịu được “cà phê hộp” chính cống (coffee shop), tức những quán ở trong nhà ống hay nhà bê tông lớn, thiết kế khô như ngói, nhìn vào chỉ thấy kính, sắt, gỗ, nhôm. Còn quán cà phê sân vườn thì cho cảm giác loãng, vui chơi tán dóc, chụp ảnh thì tuyệt nhưng tập trung làm việc hơi khó.

Cà phê “bán sân vườn” khắc phục được những nhược điểm trên. Không gian quán chủ yếu sử dụng kính, vật liệu nhẹ, vách ngăn CNC, sắt mỹ thuật, thạch cao; trang trí đơn giản, trẻ trung, tươi mới. Máy lạnh mở suốt ngày nhưng vẫn tạo cảm giác gần gũi với khí trời nhờ các góc xanh được thiết kế hợp lý, trang nhã kết hợp với mái che lấy sáng. Tôi quan sát khá cẩn thận và nhận ra hầu hết cây lá ở các quán này đều… thật. Điều đó có nghĩa là chủ quán đã am hiểu và chú trọng nhu cầu gần gũi thiên nhiên của khách hàng. Nếu không muốn ngồi máy lạnh, khách có thể ra ban công, sân trước cũng được chăm chút hoa kiểng xanh tươi.

Với những quán F&B (Food & Beverage), chất lượng đồ ăn, thức uống là yếu tố sống còn. Ý thức rõ điều đó, các quán “bán sân vườn” rất chịu chi cho bếp. Dàn máy móc, dụng cụ pha chế, tủ chứa… vô cùng hiện đại, tạo cảm giác vệ sinh, đáng tin cậy. Kết hợp các tiêu chí của làn sóng cà phê thứ hai và thứ ba, nguyên liệu cà phê ở đa số các quán “bán sân vườn” do của nhà trồng được. Các sản phẩm thủ công (handcrafted product) này đặc biệt coi trọng chất lượng hạt cà phê, đề cao cà phê bản địa. Cà phê thành phẩm được rang xay, pha máy nhằm cho hương vị chuẩn hoặc ngâm lạnh qua đêm (cold brew); được trang trí nghệ thuật (artisanal) đến mức khách hàng cứ phải ngắm nghía hay chụp ảnh xong mới dám uống.

Không chỉ có cà phê, menu của các quán luôn có nhiều món nữ tính và trẻ trung như trà trái cây, sinh tố. Các loại thức ăn kèm cũng xinh xắn, bắt mắt; mùi vị dễ chịu, giảm ngọt, giảm dầu. Có thể nói menu Âu, Á giao hòa, phong phú và không ngừng cập nhật các khuynh hướng mới chính là thế mạnh của các quán “bán sân vườn” này.

Như vậy là ý thức chọn lựa quán cà phê ở Sài Gòn của tôi trong hai thập niên, từ thiếu nữ đến trung niên, đã có sự thay đổi. Tự nhiên và đáng kể. Không biết trong tương lai gần có mô hình cà phê mới nào xuất hiện nữa không. Chắc là có. Đương nhiên tôi cam kết sẽ khám phá tiếp.

Và tôi viết những dòng này cũng trong một quán cà phê “bán sân vườn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm