90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam

Thành tựu lớn lao, trách nhiệm nặng nề

Xuân 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 tuổi (3.2.1930 – 3.2.2020). 90 năm ra đời và gắn bó cùng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc đi lên trong hòa bình.

90 năm qua, những thành quả vĩ đại mà nhân dân ta đạt được luôn gắn chặt với sự lãnh đạo của Đảng. Trong chặng đường gian lao, thử thách nhưng đầy vinh quang ấy, đặc biệt là trước những thời khắc cam go của lịch sử dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết nhận ra sai lầm và có những quyết định đúng đắn biến thách thức cam go thành thời cơ thuận lợi để dân tộc ta tiến về phía trước.

90 năm qua, đất nước và dân tộc dù đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại nhưng cũng đang đứng trước những thách thức khó lường, thử thách bản lĩnh và trách nhiệm của Đảng.

Vượt qua thách thức, vươn lên vị thế mới

Còn nhớ vào những năm giữa thập niên tám mươi của thế kỷ XX, Đảng ta đã nhận ra những bất cập, hạn chế của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nên đã khởi xướng và lãnh đạo kiên trì công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Chính từ sự quyết liệt đổi mới ấy, đất nước đã vượt qua những thử thách gay gắt nhất và thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đi lên. Với tầm nhìn và tư duy chiến lược, Đảng đã xác định con đường đi phù hợp với cách mạng Việt Nam, đó là đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế và từng bước đổi mới về chính trị.

Từ một nền kinh tế bên bờ vực thẳm với lạm phát trên 700%; nông nghiệp, công nghiệp kiệt quệ, sau hơn 33 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế Việt đã tăng trưởng cao nhiều năm liền. Năm 2019 dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn giữ ở mức 7,02%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 6,6%-6,8%) và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Đây là thành quả rất lớn!

Từ một đất nước thiếu lương thực triền miên trước đổi mới thì suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì toàn cầu; có những giống gạo Việt Nam được đánh giá là ngon số một thế giới. Từ đất nước với gần 60% dân số đói nghèo trước đổi mới thì nay con số này đã giảm xuống còn dưới 5%.

Từ một nước bị bao vây, cấm vận tứ bề, Việt Nam hiện nay đã đặt quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và đã hai lần được bầu là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó số phiếu bầu cho nhiệm kỳ 2020-2021 gần như tuyệt đối. Quy mô kinh tế của đất nước không ngừng được tăng lên đến nay lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới, năm 2019 đạt hơn 262 tỉ USD.

Quyết làm trong sạch đội ngũ

Năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra. Đại hội chắc chắn sẽ đề ra những quyết sách phát triển để đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đặc biệt là đến năm 2045 khi nước Việt Nam mới tròn 100 tuổi, đất nước sẽ phát triển lên tầm cao mới.

Để đạt được mục tiêu lớn lao đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; quyết liệt chấn chỉnh, xây dựng đội ngũ để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò là đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội như Hiến pháp đã quy định.

Trước tình hình một bộ phận cán bộ, đảng viên nắm quyền lực có xu hướng tha hóa, suy thoái, biến chất; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham ô, tham nhũng, bòn rút của công gây ra những hậu quả khôn lường cho sự phát triển của đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, Đảng ta đã hành động! Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong suốt những năm qua luôn đặt lên hàng đầu và được xem là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay.

Nhân dân nức lòng và ngày càng tin tưởng hơn vào Đảng ta khi người đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát lệnh “đốt lò” để làm trong sạch đội ngũ. Bởi thà đau một lần để rồi khỏi bệnh mãi mãi còn hơn để ung nhọt ngày càng đục khoét đất nước, đục khoét niềm tin của nhân dân.

Nói về công tác phòng chống tham nhũng tới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhấn mạnh:

“Tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. Toàn Đảng, toàn dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của nhân dân, mong muốn của Đảng ta” -

(Trích Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 26-7-2019) 

Có thể thấy kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã có hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý ở nhiều mức độ khác nhau. Đáng chú ý, có 70 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nhận những hình phạt thích đáng.

Đó là nỗi đau chung của Đảng và là nỗi đau riêng của những đảng viên chân chính luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Nhưng không còn cách nào khác, Đảng phải nghiêm trị thành phần hư hỏng để bảo vệ lấy uy tín của mình và tạo ra môi trường lành mạnh để những đảng viên chân chính phát triển và cống hiến. Nói như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của ngành nội vụ, rằng: “Còn để những mảnh đất cho cán bộ tiêu cực phát triển thì cán bộ tốt cũng thành xấu, hoặc cán bộ tốt sẽ bị thui chột ngọn lửa cống hiến của mình”.

Công cuộc xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng chắc chắn không dừng lại, “không hề ngơi nghỉ, mà làm ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao hơn”, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.

Người dân hy vọng rằng tới đây, Đảng sẽ xây dựng cho mình một lực lượng thực sự trong sáng về đạo đức, có tâm, đủ tầm để hết sức, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đưa nước Việt Nam ngày càng phát triển!

Vị trí càng cao phải càng gương mẫu

Cùng với xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, tham nhũng, Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của mình phải gương mẫu, nhất là người đứng đầu. Bởi đã đi đầu thì việc đầu tiên phải dẫn mọi người đi đúng đường, nếu dẫn sai đường sẽ là điều vô cùng nguy hiểm. Muốn dẫn người khác đi đúng đường, bản thân anh phải trong sáng, gương mẫu và người càng ở vị trí càng cao thì yêu cầu đó lại càng phải cao hơn. Đó chính là tinh thần chính của Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã đề ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm