Bước thăng trầm của Hùng kê quyền

Dá gà và luyện võ là hai thú vui khá phổ biến ở nhiều làng quê Việt Nam, đặc biệt là tại xứ võ Bình Định. Tại nơi đây, hơn 300 năm trước có một bậc tiền nhân đã quan sát đòn thế của gà chọi để sáng tạo ra võ gà - Hùng kê quyền nổi tiếng.

Nhìn gà đá, sáng tạo ra bài võ

Ba thế kỷ trước, giai thoại kể rằng một sứ giả Trung Hoa đem đến nước Nam hai con gà đá rất quý. Một con được vị này tặng Chúa Nguyễn. Con còn lại ông ta đem biếu giáo Hiến, thầy dạy học của anh em nhà Tây Sơn. Tặng gà, sứ giả nhà Thanh muốn trấn an triều đình ta về mối bang giao giữa hai nước, đồng thời thám thính tình hình rối ren nước Nam bấy giờ.

Giáo Hiến biết Nguyễn Lữ ngoài mê hát bội còn thích gà đá nên đã tặng con gà cho học trò nuôi. Ngày xuân, khề khà chén rượu, vị danh tướng Tây Sơn này cho bầy gà cưng thi thố tài năng để tiêu khiển. Thế rồi càng xem nước đá, đòn thế linh hoạt, uyển chuyển của con gà thầy cho, ông càng ngạc nhiên với lối đánh thông minh của con gà quý.

Thời gian sau, biết nhà Thanh sắp kéo đại quân sang xâm lược, anh em Tây Sơn hừng hực khí thế chuẩn bị nghênh chiến. Riêng Nguyễn Lữ âu lo, bởi võ thuật của nghĩa quân Tây Sơn đang tập thực chất có nguồn gốc từ phương Bắc. Đem võ của người Trung Hoa ra chống họ rất khó thắng. Sau nhiều lần quan sát con gà quý lâm trận, Nguyễn Lữ hình thành những động tác đầu tiên của bài võ gà rồi đặt tên là Hùng kê quyền.

Cố võ sư Ngô Bông đang thị phạm một động tác của Hùng kê quyền.

Sức mạnh hùng kê quyền

Hùng kê quyền có tám câu thiệu được viết thành thể thơ thất ngôn bát cú chuyển tải lý thuyết nhu nhuyễn (Công nhẹ như lá/thủ vững như đá) của võ cổ truyền Việt Nam.

Bài quyền này miêu tả lối đánh dũng mãnh, uyển chuyển của con gà đá quý, nhưng qua đó người tập luyện sẽ nhận ra sức mạnh tiềm tàng như rồng, như hổ trong mỗi cú ra đòn. Chân gà được mô phỏng từ các ngón tay trong tư thế ngũ trảo. Còn cựa gà là ngón trỏ, thực chất chính là tuyệt chiêu nhất dương chỉ. Người sử dụng thành thạo chiêu thức Hùng kê quyền có khả năng ngụp lặn né đòn và tấn công vào những điểm quan trọng trên cơ thể đối phương như đầu, nách, chấn thủy, hạ bộ…

Nếu như võ thuật Trung Hoa thiên về sức mạnh, lối đánh dài đòn thì võ ta chuộng đánh áp sát, đòn ngắn nhưng bền bỉ, gọn gàng. Phong cách thực chiến này phù hợp với tầm vóc nhỏ con, nhanh nhẹn của người Việt. Nói khác đi, như cách đánh của con gà nòi bách chiến, Hùng kê quyền khai thác tối đa sơ hở của đối thủ và chỉ cần có khoảng hở là tận dụng ngay để triệt gọn.

Tương truyền Nguyễn Lữ không mê chinh chiến. Ông thích giao thiệp với giới tu hành và các nghệ nhân hát bội, nhưng vì thời cuộc nên phải gắn đời mình vào ngọn thương, mũi kiếm. Chất nghệ sĩ đó của ông đã tác tạo nên Hùng kê quyền linh hoạt như một tác phẩm nghệ thuật, lúc dẫn nhập, khi cao trào rồi dứt điểm. “Chính những đòn thế từ Hùng kê quyền đã góp phần làm nên chiến thắng hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn trong trận Đống Đa, bảo vệ bờ cõi” - võ sư Lê Thanh Vũ, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quy Nhơn, nói.

Huyền thoại một võ sư

Sau chiến thắng trước nhà Tây Sơn, vua Gia Long bắt đầu các chính sách cai trị hà khắc với võ thuật Bình Định. Việc học võ bị cấm đoán, nhiều nghĩa quân Tây Sơn bị truy lùng, sát hại. Tuy nhiên, bất chấp việc cấm đoán, nhiều gia đình vẫn lén lút dạy võ cho con cái. Dù vậy, có không ít bài quyền bị thất lạc trong dân gian, hoặc theo chân người Bình Định tha phương cầu thực khắp nơi. Hùng kê quyền cũng chịu chung số phận.

Điều đặc biệt là bài võ gà đặc sắc này không phải được phát dương quang đại bởi một võ sư Bình Định mà do một cao thủ đất Quảng Ngãi. Người đó chính là cố võ sư Ngô Bông, một người con đất Nghĩa Hành.

Không dừng lại ở việc truyền dạy bài võ của tiền nhân, cố võ sư Ngô Bông còn làm cả thế giới kinh ngạc khi đem Hùng kê quyền biểu diễn trước hơn 70 môn phái của thế giới tại Hàn Quốc năm 2004.

Cả một đời theo nghiệp võ, cố võ sư Ngô Bông có niềm đam mê đặc biệt với võ thuật cổ truyền Việt Nam. Thuở nhỏ, ông tìm đến nhiều thầy võ để học rồi có cơ duyên được truyền thụ Hùng kê quyền. Ông giữ chiêu thức của Hùng kê quyền làm bí kíp riêng để giành chiến thắng tại rất nhiều trận thượng đài trong và ngoài nước. Đặc biệt, sau bốn trận thượng đài tại Thái Lan, ông thắng hai, hòa một với các võ sĩ Muay chỉ bằng các ngón võ gà.

Năm 1993, khi tuổi đã già, ông quyết định đem bài quyền huyền thoại này ra trình diễn trước công chúng mê võ. Lần đầu tiên thị phạm Hùng kê quyền, Ngô Bông làm giới võ học Việt Nam ngỡ ngàng khi chứng kiến một báu vật của võ cổ truyền Việt Nam tưởng như đã mất bất ngờ hiện diện ngay trên đất quê hương. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam quyết định đưa bài quyền quý này vào danh sách 10 bài danh võ bắt buộc trong hệ thống thi đấu quốc gia. Đến nay, Hùng kê quyền được đông đảo người học võ tại Việt Nam tập luyện. Tuy nhiên, vì đòn thế khá hiểm hóc nên võ sinh phải đạt trình độ và đạo đức nhất định mới được truyền dạy.

Năm 2011, lão võ sư Ngô Bông qua đời. Với công lao giữ gìn và lưu truyền Hùng kê quyền, cố võ sư Ngô Bông đã được lưu danh trong lịch sử võ học nước nhà.

Lời thiệu bài Hùng kê quyền:

Lưỡng kê giao nạp

thủy tranh hùng

Song túc tề phi
trảo thượng xung

Trấn ải kim thương
như bạch hổ

Thủ quan ngân kiếm
tựa thanh long

Xuyên cung độc triểu
tăng ư trác

Hồi thủ đơn câu
thọ tứ hung

Thiểu, tẩu, vượt, trầm
thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược
tận kỳ trung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm