Mùa này mưa có ngập ruộng

Ngày ấy, tuổi thơ tôi gắn liền với những cánh đồng xanh, những vạt lúa vàng mút tầm mắt trải dài theo con rạch vắt ngang qua xóm.

Không biết từ bao giờ hình thành những cái tên như ụ Bà Bóng, cầu Gió Bay, rạch Nước Trong, đồng Chó Ngáp..., mỗi lần gọi lên quá đỗi thân thương.

Ngày ấy, tôi nhớ như in những buổi chiều với những cơn mưa tầm tã có khi kéo dài đến chạng vạng, đến tối,
đến khuya...

Giữa cơn mưa trắng trời, sấm chớp đì đùng, gió tung gió giật, má đội cái nón lá cũ tả tơi, quấn tạm tấm nilon lấy từ bao urê quanh người, xắn quần quá đầu gối kéo rơm kéo cỏ, móc sình đắp lại cái bờ ngăn nước từ rạch đang chảy tuôn vào ruộng. Có lúc cái nón bị gió lật, tấm nilon bung trong gió, nước chảy vuốt mặt, người má ướt mem,
lập cập...

Không lo sao được. Nếu mà để nước tràn bờ chừng một hai bữa thì đám lúa đang oằn mình ngậm sữa sẽ ngã rạp hết. Thất bát nhãn tiền. Vốn liếng, công sức đổ vô đó kể như mất hết. Rồi phải kiếm khoai mì, khoai lang ăn độn, kiếm rau dịu, rau bợ, rau mát..., nói nôm na là đủ thứ rau ngoài đồng nấu canh tập tàng ăn cầm hơi.

Cái thời ấy sao mà khốn khó đến vậy!

Tụi nhỏ như mình, muốn có cái ăn, suốt ngày cứ phơi đầu trần ngoài ruộng, dưới rạch mò cua bắt cá. Bữa nào xách về được đầy một vịt (giỏ bằng tre có dáng như con vịt đựng cua cá bắt được) cua đồng nấu riêu hay có được vài con cá tràu, cá trê kho tiêu, kho gừng thì quả là hết ý. Những lúc nước những (nước đứng, không lớn không ròng) thì tha hồ giựt cá lòng tong, cá rô, cá sặc; nước ròng thì quậy sình lên bắt tôm sông, tôm càng...

Trong mấy đứa chơi chung, sát cá (dân gian gọi những ai có khiếu ra ruộng, đi câu, tát mương bắt được nhiều cá tôm) nhứt phải công nhận là thằng Cu điếc. Nhà nó, ba với anh nó làm lò rèn, nghe tiếng búa tiếng đe riết nên nó hơi bị nặng tai. Nhưng bù lại, hai tay nó trở nên hết sức thính nhạy trong chuyện mò cá, canh cần câu..., biết giờ nào, chỗ nào cá tôm tụ lại, biết phao bị kéo đến cỡ nào thì giựt cần câu cá không bị sổng...

Đi chung với nó, tới cuối buổi, tụi tui ai cũng phải ganh tị bởi lượng cá tôm nó bắt được bao giờ cũng vượt trội, có khi gấp rưỡi, gấp đôi.

Nếu như thằng Cu điếc giỏi về cái khoản cá tôm thì thằng Dũng cao vô địch trong chuyện đào chuột, bắt chuột đồng.

Với hai cẳng tay mảnh khảnh, dài ngoằng của một thằng cao kều, có thể nói nó là chuyên gia đào hang chuột. Mùa nắng đã siêu. Coi dấu chân là nó biết hang cũ hang mới, biết hang nào còn, hang nào chuột đã dời đi, mấy chú tí luồn lách, ngõ ngách kiểu gì nó cũng lần ra. Còn đến mùa mưa, mùa nước thì khỏi nói. Chuột không chịu được nước lóp ngóp chui lên. Có mấy chú còn leo cả lên ngọn dừa trú ẩn... Chẳng chú nào thoát khỏi tay nó. Thằng Dũng cứ thế túm các chú đem về cho má nó đem ra tiệm tạp hóa của chú Tư mập ở đầu đường đổi gạo. Gặp mùa rộ, có mấy con lớn, mập, ba nó tranh thủ khìa nước dừa làm đồ nhắm lai rai vài xị với mấy chú, mấy anh trong xóm.

Cái ăn thời thiếu đói trông chờ vô mấy thứ tạm gọi là sản vật thiên nhiên do trời đất mang lại. Tất nhiên cũng từ công sức khó nhọc, từ bàn tay con người...

Mùa mưa, mùa nước ngập đồng ngập ruộng đối với người làm nông có nghĩa là cộng thêm nhiều khó nhọc nhưng cũng mang đến những niềm vui dân dã.

Ngoài chuột đồng, cá tôm, mùa mưa, mùa nước lên còn cung ứng cho đám trẻ tụi tui những chú dế lửa, dế than mạnh trùi trụi. Mưa, ngập nước làm các chú ấy tự động ngoi lên. Để rồi vang khắp xóm những tiếng gáy re re, re ré vui tai đến lạ. Những chiến binh do tụi tui tuyển lựa kỹ lưỡng được nhốt kỹ trong mấy cái lon sữa bò. Trước khi đi chiến đấu, mấy chú thường được bồi dưỡng một mớ cỏ xanh tốt nhờ tưới tắm bằng những cơn mưa. Tụi tui cũng không rõ tên chính xác của thứ cỏ ấy là gì mà cứ hay gọi là cỏ dế.

Còn đối với mấy chú dế cơm béo ụ thì không cần phải kiếm cỏ nuôi chúng mà ngược lại chúng bổ sung đạm nuôi tụi tui. Chỉ cần lấy đậu phộng nhét đít xong nướng lên thơm lừng...

* * *

Cuối cùng tất cả đều đã trở thành những mẩu hồi ức, những hoài niệm.

Tôi đi học rồi lập gia đình, lập nghiệp, sinh sống ở xa. Ít khi về lại quê. Nghe đâu thằng Cu điếc cũng lên Đồng Nai làm công nhân, gặp một cô Thái Bình cặp lại sống chung, hai ba đứa con lớn bộn rồi. Còn thằng Dũng cao số vất vả, rời quê tìm kế mưu sinh mười mấy hai mươi năm rồi, không ai rõ giờ hiện ở đâu, sướng khổ ra sao. Ruộng đồng giờ đa phần bỏ hoang, bỏ phế, chờ quy hoạch biến thành đất dự án.

Gần đây có lúc nghe đồng ruộng quê mình gần như lần đầu tiên bị nắng hạn, thiếu nước, khô nứt nẻ. Rồi có năm không hiểu mắc giống gì trời cứ mưa giằng dai, dai dẳng, mưa hoài không hết nước.

Có lúc bất giác tôi thầm hỏi: Quê mình, mùa này mưa có còn ngập ruộng không hả má?

Tháng 12-2016

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm