Âm thanh lữ khách

Tôi chẳng biết mình có phải lữ khách hay không nhưng công việc trong ngành du lịch cứ buộc tôi nay đây mai đó. Với một người lãng du, ký ức về một vùng miền nào đó không phải chỉ vì ở đó có phong cảnh hùng vĩ, nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú… Có nhiều khi chính những âm thanh kỳ diệu của vùng miền đó mới làm họ nhớ mãi. Âm thanh lữ khách, với tôi, khởi nguồn từ câu chuyện về nghề thợ chẻ tôi nghe được lúc còn trẻ thơ.

Thợ chẻ đá xứ Quảng từng chiếm số lượng đông nhất và được dân trong nghề đánh giá có tay nghề cao. Nhiều người đàn ông trong gia đình nội tôi có thâm niên nghề chẻ đá. Vùng đồi núi khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cho đến các vùng phía nam đều đã in dấu chân cũng như thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của những người thợ chẻ trong dòng họ tôi.

Trong câu chuyện làm quà của những người đàn ông thợ chẻ, có vài câu chuyện tình không đầu không cuối. Những phụ nữ đầy ắp kỷ niệm xen lẫn tiếc nuối đi ngang qua đời họ. Và phụ nữ, chứ cũng không phải tiền bạc, là vấn đề họ nhớ nhất trong bước đường mưu sinh nhọc nhằn. Cứ thế, những câu chuyện lang bạt kiếm sống trải nghiệm nơi xa lạ, hòa vào dòng đời phức tạp đầy sinh động, nhiều màu sắc, cung bậc của những người đàn ông thợ chẻ đã kích thích trong tôi sự tò mò. Qua những câu chuyện đó, tôi như thấy được bản lĩnh phóng khoáng vùng vẫy, mạnh mẽ của người đàn ông phải tự làm chủ, tự đạo diễn cuộc đời mình. Với tôi, thợ chẻ là những lữ khách bất đắc dĩ của phận người.

Ða phần những người thợ chẻ trong dòng họ nội tôi hiện đã bỏ nghề vì lý do sức khỏe và cũng vì kinh tế gia đình không còn quá khó khăn. Nhưng trong câu chuyện mỗi lần gặp mặt, họ vẫn nhớ về khoảng thời gian bôn ba, lưu luyến những vùng đất – nơi gắn âm thanh tiếng nổ mìn tự tạo phá tảng đá to, tiếng rèn búa, khè lửa tạo dụng cụ, tiếng búa đục vào vách núi, tiếng gọi nhau í ới trong các bữa cơm và có cả tiếng gọi thất thanh khi bạn chẻ gặp tai nạn…

“Những âm thanh có phần hỗn độn đó lại làm mình nhớ và yêu một thời lăn lộn trên khắp ngả đường đất nước” - chú tôi, một người thợ chẻ bộc bạch.

* * *

Trong những địa danh tôi có cơ may đi qua, thật khó để nhận định nơi nào có sức quyến rũ nhất đối với du khách/lữ khách. Không hẳn chỉ các địa danh du lịch nổi tiếng mới lưu lại ấn tượng đẹp và sâu lắng nhất cho mọi người. Nét đẹp của từng vùng đất trong nỗi nhớ của người lữ khách nhiều khi phụ thuộc vào cái duyên của họ với vùng đất ấy.

Tạm tổng kết hành trình 15 năm rong ruổi trên khắp đất nước hình chữ S và nhiều quốc gia, tôi phát hiện địa đầu tổ quốc và hải đảo hoang sơ đất Việt là nơi mang lại những thanh âm khó quên cho người lữ khách. Hè 2012, trong dịp trở lại vòng cung Tây và Ðông Bắc, tôi đã nghỉ đêm cạnh thác Bản Giốc, thuộc huyện biên giới Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cảm giác đêm vùng biên yên tĩnh và thanh bình “sướng” đến mê người, thật xứng đáng với công sức và tấm lòng của những đứa con phương nam lặn lội ra tận nơi này.

Ðêm ấy tôi không tài nào chợp mắt được, cũng vì quanh quẩn đâu đó cứ vang lên âm thanh réo rắt, lay động từ một loại nhạc cụ của người Tày: đàn tính. Giữa đêm hôm khuya khoắt, tiếng đàn tính giàu chất trữ tình của người nghệ sĩ đang gửi gắm khúc tâm tình quê hương đất nước hay chỉ là lời tỏ tình trai gái, tôi chẳng biết tường tận. Tôi cũng mù mờ về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Chỉ biết rằng âm điệu vùng biên ấy đã khiến tôi yêu và nhớ thác Bản Giốc hơn.

Dịp lễ 30-4-2013, tôi lại có dịp ra huyện hải đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ hội này được người dân Lý Sơn tổ chức vào tháng 2, 3 âm lịch để tri ân hàng vạn lính Hoàng Sa, Trường Sa từng ra đi mà ít người trở về. Ðây là ngày lễ và hội thực sự của người dân. Người dân là hạt nhân, là linh hồn làm nên sự thiêng liêng, thành công của lễ hội chứ không phải bị ban tổ chức cho đứng ngoài rìa như nhiều lễ hội khác.

Trong lễ có một loại hình nghệ thuật dân gian tạo âm thanh khó quên: hát bả trạo của dân biển miền Trung. “Bả” có nghĩa nắm chắc, “trạo” hàm nghĩa tay chèo. Các diễn viên gồm những người đàn ông trong làng, mặc trang phục truyền thống, tạo hình chiếc thuyền chuẩn bị ra khơi; tay vừa chèo như múa, miệng diễn xướng ca từ ca ngợi biển cả, sự đoàn kết, yêu thương, thể hiện lạc quan yêu đời, vừa như lời khấn cầu tâm linh nhằm mang lại sự bình yên cho dân làng, ngư dân suốt đời bám biển cả mênh mông, bất trắc…

Phải đứng giữa mênh mông vùng huyện hải đảo Lý Sơn, tận mắt chứng kiến cách diễn xướng đầy màu sắc của ngư dân làng chài, tôi mới cảm hết được sự quyến rũ của bước chân lãng du. Sức hút âm thanh nơi hải đảo, cũng như âm thanh đàn tính vùng biên ải, với tôi, ở khía cạnh nào đó không khác mấy thanh âm trên bước đường mưu sinh được lưu mãi trong tâm trí của những người thợ chẻ. Và tôi gọi đó là âm thanh lữ khách.

TIẾN ĐẠT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm