Lập nghiệp ở Sài Gòn

“Vào Nam lập nghiệp” là cụm từ mà người miền Trung, miền Bắc thường dùng khi rời khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình để tìm đường mưu sinh. Và ở phía Nam, mảnh đất để lập nghiệp lớn nhất, nhiều cơ hội chia đều cho mọi người nhất vẫn là Sài Gòn – TP.HCM.

Nhiều người ở quê hay hỏi, Sài Gòn có gì thú vị mà ai cũng muốn đến? Ðó là bởi Sài Gòn từ lâu đã là thành phố đa sắc nhất về văn hóa, kinh tế của Việt Nam; Sài Gòn cũng luôn sôi động, luôn rộng mở cho bất cứ ai. Vì thế, không khó hiểu khi nhiều người từ các miền Nam – Bắc – Trung không hẹn mà tìm đến nơi đây để gây dựng cơ nghiệp.

Lịch sử Sài Gòn - TP.HCM chứng kiến nhiều cuộc di cư lớn và đến nay, những người nhập cư theo làn sóng đó đã góp phần làm nên diện mạo tươi trẻ, nhiều màu sắc văn hóa cho thành phố này.

Người Hoa đến Sài Gòn buôn bán

Từ những năm 1600-1700, sau phong trào “phản Thanh phục Minh” mảnh đất Gia Ðịnh xưa đón nhận một làn sóng người Hoa di cư đến sinh sống. Ðến hiện tại, có khoảng 10% dân số của TP.HCM là người Hoa và khoảng 30% chủ doanh nghiệp là người gốc Hoa. Người Hoa đến Sài Gòn mang theo văn hóa, lối sống của họ và những nét văn hóa đó phần nào được “Sài Gòn hóa” thành đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được.

Ở bất cứ quốc gia nào, cộng đồng người Hoa cũng hình thành nên những khu Chinatown. Nhưng ở Sài Gòn không có một Chinatown rõ rệt mà chỉ có những khu vực tập trung dân cư người Việt gốc Hoa đông đúc. Và những món ăn của người Hoa ở Sài Gòn cũng không ngồn ngộn dầu mỡ như những quán hàng ở Chinatown các quốc gia khác. Phải chăng Sài Gòn nhẹ nhàng, quyến rũ đã làm những người chủ hàng, chủ quán phần nào điều chỉnh hương vị món ăn và cả lối sống của mình?

Theo lời kể của anh Huỳnh Hoa Lượng thì từ những năm 1880-1890, ông nội của anh là người Hẹ (hay còn gọi là người Khách Gia, một tộc của người Hoa) đã đến Sài Gòn buôn bán gạo. Từ tiệm gạo ven đường, dần dần cộng đồng người Hẹ ở Sài Gòn thời đó đã giúp đỡ ông nội anh mở tiệm cơm tại gia trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11. “Cơm ngày đó ông nội nấu chủ yếu vài ba món chính: Gà hấp muối, đậu hủ Ðông Giang, thú linh chiên giòn chấm mật ong, cá chưng nước tương… Và đến giờ tôi là đời thứ ba của quán vẫn giữ những món đó như là đặc sản của quán”, anh Lượng nói.

Không lâu đời bằng Truyền Ký nhưng “Tiệm đồ ngọt Tường Phong” (đường An Ðiềm, quận 5) cũng đã ngót nghét hơn 60 năm. Gọi là tiệm đồ ngọt bởi ngoài hơn 40 món chè: Hạt sen, thập cẩm, sâm bổ lượng, mè đen…, quán còn có các loại đồ ngọt đặc trưng như trà hột gà, trứng gà chưng sữa tươi, đậu hủ hạnh nhân, đu đủ tiềm…

Tiệm đồ ngọt Tường Phong vốn do ba anh Lý Tuấn Minh, một người Hoa Quảng Ðông mở từ những năm 1950 và đến giờ là anh Minh cùng anh chị em trong gia đình kế nghiệp. Sau hơn sáu mươi năm bán, giờ quán có những thay đổi để phù hợp với khẩu vị thời nay, “chè giảm bớt ngọt, nhưng có điều không thể đổi là món làm ngày nào phải bán hết ngày đó, tuyệt đối không bán đồ cũ”, anh Minh nói.

Người Bắc vào Nam làm ăn

Sau làn sóng di cư của người Hoa là làn sóng di cư của người Bắc đến Sài Gòn và các tỉnh lân cận sau năm 1954. “Người Bắc 54” là cụm từ mà mọi người thường dùng khi nhắc tới họ. Người Bắc 54 đến Sài Gòn mang theo cả một lối sống, khẩu vị của mình. Với họ, món ăn không chỉ để ăn mà còn là cách để họ giữ gìn nét văn hóa của vùng đất tổ.

Bà Trần Nghệ và món bánh đặc trưng của quán Hiển Khánh.

Những người Sài Gòn hảo ngọt ắt hẳn không ai không biết tiệm chè Hiển Khánh (đường Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3) của gia đình ông bà Nguyễn Quý Quyền và Trần Nghệ, mở từ năm 1959. Hiển Khánh là tên một ngôi làng ở Hải Dương quê bà Trần Nghệ. Khách đến quán này không chỉ vì những món thạch chè đặc trưng: thạch trắng, thạch đậu xanh… mà còn vì hương hoa nhài phảng phất trong món thạch chè bởi phần nước đường cát nấu với hoa nhài. Quán còn bán các loại bánh ngọt đặc trưng của miền quê Hải Dương: Bánh đậu xanh, bánh lá gai, bánh phu thê… Mỗi món bánh lại có một câu thơ của những thực khách vốn là học sinh trường Gia Long, Petrus Ký ứng tác tặng quán.

Tiệm bánh mì Nguyên Sinh (Trần Ðình Xu, quận 1) lại là một nơi để người Bắc xưa sinh sống ở Sài Gòn đến chọn những món ăn kiểu Tây cho mình. Nguyên Sinh vốn là thương hiệu của nhà hàng chuyên bán đồ ăn Pháp từ năm 1938 tại 38 phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Từ năm 1980, một anh cả trong gia đình vẫn giữ Nguyên Sinh ở Hà Nội, còn lại cả gia đình chuyển vào Nam và tiếp tục mở tiệm Nguyên Sinh trên đất Sài Gòn.

Anh Nguyễn Mạnh Tùng, người tiếp quản Nguyên Sinh hiện nay, kể: “Những năm 1982-1987 khi mới mở quán ở Sài Gòn, dù thương hiệu đã có sẵn ở Hà Nội nhưng dường như món Pháp vẫn chưa quen thuộc với người Sài Gòn thời đó. Vì thế bố tôi đã chuyển sang kinh doanh pate và hơn 10 loại thịt nguội. Quan niệm gia đình lúc đó là bán thịt nguội nhàn hơn món Tây, khách chủ yếu đến mua đem về nhà ăn chứ không phục vụ tại quán. Và ba tôi đã đúng. Với thị trường Sài Gòn ngày đó, thịt nguội bán tốt hơn món Pháp vì người Sài Gòn vốn thích ăn bánh mì”.

Tơ vàng Duy Xuyên trên đất Sài Gòn

Muộn hơn làn sóng di cư 1954 của người Bắc, những năm 1960, khi chiến tranh xảy ra khốc liệt tại Quảng Nam, đặc biệt là sau trận lụt được ví như “trời sa xuống đất” vào năm Giáp Thìn 1964, nhiều gia tộc ở Duy Xuyên, Ðiện Bàn (Quảng Nam) tìm kế mưu sinh.

Những người con Duy Xuyên, Ðiện Bàn rời quê vào Sài Gòn với nghề dệt nổi tiếng từng đi vào thơ văn “Sáng Duy Xuyên, tơ vàng giăng nghẽn lối – Chiều Ðiện Bàn, xe đạp nước thay mưa” (thơ Tường Linh) hay “Tháng Giêng mưa bụi. Phấn mưa cài óng ả lụa Duy Xuyên” (thơ Anh Việt Thu).

Phần đông người Quảng tập trung ở Ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình để hình thành nên một làng dệt hay một xứ Quảng thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn với diện tích hơn 3 km2. Những người thợ dệt ngày đó tự chế máy dệt bằng gỗ mà sản phẩm dệt ra không thua gì các loại lụa dệt từ máy hiện đại. Rất nhiều thương hiệu dệt Bảy Hiền nức tiếng những năm 1970-1980 như Xuân Hương, Toàn Thịnh, Lộc Tấn…

Từ năm 1993, trong làn sóng vải giá rẻ được nhập ồ ạt từ Trung Quốc, nhiều hộ gia đình dệt dần bỏ nghề. Những thương hiệu còn trụ lại phải tìm cho mình hướng đi mới: không ngừng sáng tạo để tìm ra chất liệu riêng cho lụa Việt Nam. Nổi bật là chủ thương hiệu lụa tơ tằm Toàn Thịnh, ông Hồ Viết Lý (người Ðiện Bàn, Quảng Nam).

Ðến thời điểm hiện tại, thương hiệu lụa Toàn Thịnh đã thành công không ít ở trong và ngoài nước khi nghiên cứu ra được các loại vải Taffeta, satin, jacquard… Màu các loại vải này được nhuộm từ những nguyên liệu thiên nhiên rất Việt Nam: lá tre, lá cẩm, trà xanh, nghệ, gấc, hạt điều. Chất liệu lụa cũng phù hợp với người Sài Gòn, mặc vào vừa mát trong mùa nóng, vừa mỏng đủ cho sự gợi cảm.

Người nước ngoài tìm đến gầy cơ nghiệp

Ngoài những làn sóng di cư lớn kể trên, Sài Gòn còn thu hút không ít người từ nhiều vùng đất khác, thậm chí quốc gia khác đến sinh sống. Từ năm 2000 đến nay, người nước ngoài chọn Sài Gòn lập nghiệp ngày càng đông. Dần dà, nhiều người trở nên quen thuộc với món Ấn Ðộ từ nhà hàng Mumtaz (Bùi Viện, quận 1), món ăn Hàn Quốc với nhà hàng Seoul House (Mạc Thị Bưởi, quận 1), món ăn Thái Lan với nhà hàng Thai House (Hậu Giang, quận Tân Bình), hay rất nhiều chi nhánh xúc xích Ðức Eric… Tất cả quán ăn này đều có chủ, đầu bếp hoặc quản lý là người nước ngoài.

Hầu hết những người nước ngoài đến Sài Gòn lập nghiệp đều vì thấy đây là mảnh đất dễ sinh sống và kinh doanh. Cô Sarman, đầu bếp chính của nhà hàng Thai House nói bằng tiếng Việt khá rõ “tôi rất muốn gắn bó lâu dài ở Sài Gòn vì nơi đây giống như nhà của tôi vậy”. Tất cả nhân viên trong quán lẫn khách quen của quán đều gọi Sarman bằng cái tên ngắn gọn, thân quen là Mản.

Sarman đã sống ở  Sài Gòn hơn 16 năm nay. Cô học nấu bếp ở Thái Lan và bắt đầu nấu tại các nhà hàng tại Thái Lan từ năm 22 tuổi. Sau đó, một người bạn Thái Lan mời Sarman qua Sài Gòn để mở quán Thái. Làm ở đây được khoảng hai năm, cô được ông Cheep, chủ quán Thai House, mời về cộng tác. Hơn 14 năm qua, Sarman gắn bó với Thai House như linh hồn của quán.

“Tôi thích ở Việt Nam phần vì ông chủ tốt, phần vì người Việt rất thân thiện. Cả gia đình tôi vẫn sống ở Thái, cứ mỗi năm tôi lại về thăm, mà mỗi lần về lại muốn trở lại Việt Nam ngay vì… thèm ăn ốc, bún riêu, bánh xèo của Việt Nam”, Sarman hào hứng nói.

Sài Gòn của hôm qua với “Ðèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ” và TP.HCM của ngày nay với rực rỡ sắc màu vẫn luôn là sự hấp dẫn với người dân nhiều vùng đất khác đến lập nghiệp. Dù thành hay bại thì với mọi người, quãng thời gian được sống, làm việc ở thành phố nhộn nhịp này luôn là một phần đặc biệt, đáng quý trong cuộc đời.

QUỲNH TRANG

 

Những thực khách trăm năm

Từ bé, sau mỗi chuyến công tác của ba tôi từ Sài Gòn là mấy chị em tôi có vô vàn quà, bánh. Trong đó tôi nhớ nhất là những chùm chôm chôm từ Sài Gòn ba tôi đem ra. Thuở nhỏ, con nít ít được đồ ăn vặt, thế nên những trái chôm chôm quả là quý lắm! Từ ký ức đó mà với tôi, Sài Gòn luôn là mảnh đất dễ sống, dễ làm...

Sau 18 tuổi, tôi rời quê để vào Sài Gòn học đại học. Ý định ở lại Sài Gòn sống khi đó vẫn còn mờ nhạt lắm, thế nhưng, dường như Sài Gòn không bao giờ có ý định buông bỏ một ai đã đến với nó. Tôi đã ở lại Sài Gòn sau ngày đại học để tiếp tục khám phá thành phố này. Tôi la cà quán cà phê, quán ăn, những góc phố Sài Gòn vì cứ sợ một ngày nào đó, thành phố đổi thay và những góc quen thuộc của tôi sẽ mất đi.

Lập nghiệp ở Sài Gòn ảnh 5
 

Những quán ăn tôi viết trong bài viết đều là những nơi tôi thường tới lui. Tôi đến quán không chỉ vì món ăn ngon mà còn vì đôi khi ở đó tôi được gặp những người Sài Gòn bình thường, không kênh kiệu và tìm thấy ở đó sự trân quý với những góc nhỏ kỷ niệm.

Trong những lần ghé Truyền Ký, tôi từng gặp nhiều vị khách hàng lâu năm của quán. Nhờ họ mà tôi biết với nhiều người, cái tên Truyền Ký không nhiều ý nghĩa bằng cái tên Lầu Cây. Vị khách tôi được duyên trò chuyện vốn là một người gốc Hoa, sống ở quận 8. Theo ông thì “cái tên Lầu Cây do hồi đó quán không có biển hiệu, mỗi lần ba tôi chở đến khu này ăn thì nguyên khu hẻm 63 của Lý Thường Kiệt duy nhất có quán Truyền Ký xây nhà bằng cây và khách ngồi trên lầu bằng cây”.

Lầu Cây của ngày xưa giờ không còn, bởi Truyền Ký được xây lại bằng lầu đúc. Nhưng dường như khẩu vị món ăn, thực đơn không hề thay đổi dù đã qua ba đời người. “Những món ăn vẫn không đổi từ thời ông nội, vì làm thế sẽ mất đi nét truyền thống của quán”, anh Lượng nói thêm.

Hay tiệm đồ ngọt Tường Phong của gia đình anh Lý Tuấn Minh thì có những vị khách bốn đời, như anh Tuấn Minh kể “Có bác kia, năm nay đã 90 tuổi, từ trẻ đã ăn ở tiệm của ba tôi, giờ mỗi lần đi ăn bác đều đi cùng con, cháu, chắt, vừa ăn vừa kể chuyện ngày xưa, mình bán thấy cũng sướng nữa!”.

Người bán thấy sướng khi có những thực khách trăm năm, người mua như tôi thì được vui vì vừa được nhấm nháp món ngon, vừa được nghe những câu chuyện về niềm đam mê nấu ăn của chủ quán, lâu lâu lại gặp những vị khách quen để cùng nói về món ăn yêu thích. Ăn mà vui, sống mà vui như vậy, có thể có đâu khác ngoài Sài Gòn?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm