Chợ xuân Bến Tre quê tôi

Chợ bông Bến Tre nằm cuối đường Phan Thanh Giản (nay là đại lộ Đồng Khởi), từ cầu Bến Tre đến tiệm nước Huê Liên. Phía bên kia đường là hàng bán dưa hấu. Thời đó, dưa hấu chỉ có trái tròn vỏ xanh rồi sau này mới xuất hiện dưa hấu trái tròn vỏ vàng, dưa trái dài, dưa vuông.

Trước năm 1975 và sau đó chừng mười năm, mỗi dịp tết Nguyên đán về, người dân Bến Tre tấp nập đổ về một tụ điểm “muôn sắc muôn màu” - gọi là chợ bông.  

Chợ bông ngày ấy       

Những nông dân trồng bông bán tết đến từ xã Phú Hưng, Mỹ Hóa (phường 7), Phú Khương, Bình Phú, Mỹ Thành… Nhiều nhất là bông vạn thọ, các loại cúc, dạ lý hương, thược dược, bông trang, bông giấy đủ màu, riêng bông mãn đình hồng - loại bông quý phái, phải gần năm 1973 mới xuất hiện và bán cao giá hơn. Lúc này cây kiểng, lan của các nghệ nhân bày bán còn rất ít. Tham gia chợ bông lúc đó, xuất sắc nhất vẫn là các loại cúc đến từ xứ Cái Mơn như cúc mâm xôi, cúc huỳnh loài, cúc bạch nhạn.

Ngày 29 và sáng 30 tết, mai chặt cành, bán nhánh đầy đường. Nhịp điệu sống trong những ngày ấy rộn rịp, cập rập. Đến trưa 30 tết, những cành bông bán ế được tống lổn ngổn xuống dòng sông Bến Tre.

Hội chợ hoa xuân ngày nay

Khi thị xã Bến Tre mở rộng khoảng năm 1985, chợ bông được dời ra đường Hùng Vương cặp sát mé sông Bến Tre (từ chân cầu Bến Tre đến nhà thờ Bến Tre). Hằng năm vào dịp tết, số nhà nông, nghệ nhân hoa kiểng tại tỉnh nhà lần lượt đến đây bán hoa kiểng ngày thêm đông. Nhưng lúc này, thị xã Bến Tre vẫn ngổn ngang vì chưa giải tỏa dãy nhà sàn san sát, xập xệ bên bờ sông Bến Tre (từ cầu Cái Cá phường 5 ra đến bến phà Hàm Luông cũ ở phường 7). Sau khi dãy nhà sàn dài mấy cây số được giải tỏa, theo thời gian, hai hàng bần lần lượt sánh vai, mọc xanh tươi dọc hai bên bờ sông.

Hội chợ hoa xuân chính thức ra đời năm 2009. Chợ hoa xuân này tọa lạc bên đường Hùng Vương, cặp sát sông Bến Tre, có năm kéo dài trên ba cây số với cả ngàn lô hoa kiểng tham gia. Hoa kiểng trở nên đa dạng hơn, với rất nhiều loại hoa “thời thượng”. Nào là hoa vạn thọ Pháp trổ sum suê, nở to bằng miệng chén. Nào là hoa cúc rực rỡ với nhiều loại gốc từ Thái Lan, Malaysia, rồi hoa lan Cattleya, Dendro, hồ điệp (Phalaenopsis)… treo lủng lẳng, rợp ràng bên đường. Bên cạnh còn có mai vàng bonsai được tạo dáng lắm công phu, phải bỏ ra rất nhiều thời gian để thu mình thân mai nhỏ lại theo những dáng thế độc đáo, lạ lẫm, nhiều chậu mai bonsai được bán chục triệu đồng.

Gần đây, những chậu được gọi là “mai kiểng thời trang” khá bắt mắt với khách hàng. Đó là những cây mai vàng mới 1-2 năm tuổi, được những nghệ nhân cây kiểng Chợ Lách cắt cành, ép dáng, vô chậu. Mai cho hoa vàng rực rỡ đón ba ngày tết với giá khá mềm: 100.000-200.000 đồng/chậu. Đây là nghề đang được bà con nhà vườn Vĩnh Thành (Cái Mơn) làm đều khắp. Cây kiểng thì có nguyệt quới, cùm rượm, cằn thăng, mai chiếu thủy… được nuôi dưỡng nhiều năm tuổi mà mỗi cây bán ra hàng triệu đồng.

Năm nay (2013), cầu Cái Cá khang trang đã khánh thành trước tết, mở ra không gian rộng rãi hơn cho người dân Bến Tre thưởng ngoạn hội chợ hoa xuân.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm