Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Khát vọng đưa thương hiệu cà phê Việt ra thế giới

Với hơn 20 năm trải qua những cung bậc khác nhau trong ngành cà phê, nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo, đồng sáng lập, đồng sở hữu Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, giờ đây viết tiếp giấc mơ cà phê với King Coffee, với khát khao đưa thương hiệu cà phê Việt vươn tầm thế giới.

Đầu tiên đánh thẳng vào thị trường Mỹ

Văn phòng làm việc của bà Thảo nhìn ra con đường sôi động bậc nhất tại TP.HCM, luôn chan hòa ánh nắng tự nhiên. Nhưng điểm nhấn nổi bật chính là tấm bản đồ thế giới rất lớn nằm sau bàn làm việc. Trên đó, thương hiệu King Coffee như vệt dầu loang đi khắp thế giới.

“Tấm bản đồ đặt đó để tôi luôn theo dõi hành trình kinh doanh của King Coffe, từ đó đặt thêm quyết tâm và nỗ lực” - bà Thảo nói.

Trả lời câu hỏi “Tại sao lại chọn tên là King Coffee?”, bà Thảo mỉm cười: “King Coffee cũng có nghĩa là vua cà phê, mà cái tên này vốn được gán cho doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. Đặt tên này ngầm ám chỉ tôi vẫn dành tình yêu cho anh”.

Dường như trong suy nghĩ, người chồng của bà luôn hiện diện mọi nơi. Bà Thảo cũng thừa nhận King Coffee ít nhiều cũng giống hình ảnh Trung Nguyên. Hơn 20 năm điều hành Trung Nguyên nên sức ảnh hưởng của nó lên thương hiệu mới là khó tránh khỏi nhưng bà Thảo nhấn mạnh, tầm nhìn và chiến lược King Coffee hoàn toàn khác biệt so với Trung Nguyên.

Bà Thảo tự nhận thương hiệu King Coffee ra đời là cuộc khởi nghiệp lần thứ hai của mình. “Thương hiệu mới dĩ nhiên đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng nhưng đây là kết quả của 20 năm trưởng thành, chứ không phải bắt đầu bằng con số 0” - bà Thảo nói.

Bà Thảo là người đã từng cho ra đời thương hiệu cà phê hòa tan G7 với khát vọng tạo nên một sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế. Thời điểm ra mắt, cà phê G7 chọn thị trường nội địa để phát triển trước khi vươn tầm quốc tế. Ngược lại, lần này nhà sáng lập thương hiệu King Coffee đã chọn phát triển ở thị trường nước ngoài, mà đánh thẳng vào thị trường Mỹ đầu tiên, trước khi quay về nội địa.

Với các nhà kinh doanh, thị trường Mỹ luôn là sự khao khát, vì đây là một thị trường có sức tiêu thụ lớn, khách hàng khó tính. Một khi đã chinh phục được thị trường Mỹ thì sẽ dễ dàng đưa sản phẩm vào các nước khác. Năm 2016, ngay từ lúc ra đời, King Coffee đã ghi dấu ấn quan trọng khi chính thức ra mắt các dòng sản phẩm cà phê cao cấp tại thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm khắt khe bậc nhất toàn cầu này.

Thổi hồn Việt vào cà phê

Từ bàn đạp đó, King Coffee nhanh chóng thâm nhập các thị trường quốc tế khác, mà ấn tượng nhất là cách bà Thảo chinh phục thị trường đông dân nhất thế giới - Trung Quốc.

Năm 2017, King Coffee bắt tay với Hello Oyster, một tập đoàn chuyên kinh doanh thực phẩm và đồ uống với hệ thống phân phối rộng khắp Trung Quốc, cùng với đó kinh doanh qua kênh bán lẻ trực tuyến JD, YHD và T-Mall - một trong
ba website chủ chốt của Alibaba.com với hơn 6 triệu người dùng kích hoạt (active user). Có mặt tại Trung Quốc không bao lâu, King Coffee lọt vào Top 4 thương hiệu bán chạy nhất trên kênh T-Mall Super Market (là một trong ba trang thương mại điện tử chủ chốt của Alibaba). Và cuối tháng 3-2017, King Coffee lọt vào vị trí thứ tư những thương hiệu cà phê bán chạy nhất trên trang thương mại điện tử T-Mall.

Với kinh nghiệm thương trường, am hiểu ngành của người dẫn đầu nên chỉ trong vòng một năm ra mắt người tiêu dùng, King Coffee đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Xây dựng được một thương hiệu cà phê đủ sức thu hút thị trường nhiều nước, từ đó nâng cao vị thế và hình ảnh của cà phê Việt Nam là khát vọng mà tôi đang thực hiện. Với chiến lược thổi “hồn Việt Nam” vào thương hiệu cà phê King Coffee và cách phát triển phù hợp để truyền thông với thế giới, tôi tin người tiêu dùng các nước sẽ ủng hộ King Coffee và cà phê Việt Nam” - bà Thảo nói.

Những nỗ lực của bà Thảo rất đáng trân trọng, vì mặc dù ngành cà phê Việt đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhưng chủ yếu là xuất thô, nên giá bán thấp và chịu nhiều rủi ro từ biến động thị trường quốc tế. Trong khi đó, các phân đoạn chế biến sâu, xây dựng được thương hiệu đem lại giá trị rất cao trong chuỗi giá trị cà phê.

Vươn mạnh ra thế giới

Đến năm 2017, King Coffee chính thức phát triển tại thị trường Việt Nam. Theo bà Thảo, King Coffee sẽ dành những gì tinh túy, tốt nhất cho người tiêu dùng Việt. Vì người Việt Nam xứng đáng được hưởng những sản phẩm cà phê có chất lượng quốc tế. Chỉ sau năm tháng khởi động thị trường nội địa, King Coffee đã có mặt tại 63 tỉnh, thành và sau đó một năm đã có hơn 100 nhà phân phối với hơn 140.000 điểm bán, vượt kế hoạch đặt ra ban đầu.

Nhìn về chiến lược tương lai cho King Coffee tại thị trường nội địa, bà Thảo cho hay đã đặt mục tiêu mở hơn 1.000 quán với nhiều mô hình khác nhau, phục vụ đa dạng đối tượng thưởng thức cà phê. Một khi đã chinh phục thị trường trong nước, King Coffee sẽ nhân rộng mô hình này ở các nước Mỹ, Trung Quốc, Singapore,... Song song đó, sẽ đưa thương hiệu lên kệ các siêu thị lớn ở nhiều thị trường nước ngoài với mục tiêu phục vụ mọi đối tượng khách hàng người bản xứ để tăng độ phủ, nhận diện cho thương hiệu King Coffee.

Một điều khá thú vị khác, bà Thảo được mời đích danh làm diễn giả chính tại CEO Forum - World Coffee Portal 2018. Và chủ đề mà bà chọn để nói tại diễn đàn là việc khơi dậy tinh thần và khát vọng của một quốc gia, cũng như chia sẻ tiếng nói của đất nước xuất khẩu cà phê thứ nhì thế giới và quảng bá thương hiệu Việt ra toàn cầu.

“Chúng tôi tin sẽ làm được điều này, vì người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu mạnh mẽ đưa Việt Nam thành top 15 cường quốc về nông nghiệp trên thế giới. Một khi có sự cam kết, ủng hộ của Chính phủ sẽ giúp cho King Coffee tự tin về chiến lược phát triển và thuận lợi hơn trên đường vươn ra thế giới” - bà Thảo nói.

Khát vọng đưa thương hiệu cà phê Việt ra thế giới ảnh 2
King Coffee là một thương hiệu lớn phục vụ cho tất cả phân khúc thị trường. Đến nay, King Coffee đã tung ra thị trường các sản phẩm cà phê hòa tan, rang xay, nguyên hạt (whole bean) và sắp tới sẽ có cà phê uống liền (ready to drink), viên nén (capsule)….

Trong năm qua King Coffee cũng chính thức bước vào thị trường chuỗi quán. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm