Ngôi làng cổ tích giữa vùng chiến sự

Tôi biết ngôi làng này một cách rất tình cờ. Khi làm thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu Wagar để sang Pakistan bằng đường bộ từ Ấn Độ, nhìn sau bàn làm việc của một nhân viên hải quan, tôi phát hiện một bức tranh ngôi làng cổ xưa xếp tầng tầng lớp lớp trên núi. Nhìn xa xa như tổ ong tò vò bằng đất ở quê. Ngay lập tức tôi quyết định sẽ đến đó, ngôi làng Kalash, ngay trong chuyến đi này. Hành trình Pakistan của một số phượt thủ Việt Nam không thấy ai đến nơi này càng khiến tôi thêm tò mò, háo hức.

Sự khởi đầu thót tim

Lần mò hỏi thăm người này người nọ, cuối cùng tôi cũng tìm được đường đến Kalash trong sự lo lắng của những người Pakistan hiếu khách, bởi “Thung lũng Kalash rất đáng đi nhưng mày sẽ chết cóng với cái lạnh ở đó thôi”. Mấy ngày qua, đường đến Chitral đôi lúc còn bị tắc nghẽn do tuyết rơi quá dày. Một số người khác thì nhắc nhở tôi cẩn thận những điểm không an toàn dọc đường vì tàn quân Taliban và những nhóm khủng bố vẫn còn lẩn khuất. Họ không biết rằng những nhắc nhở cảnh báo này chỉ khiến tôi hào hứng hơn thôi.

Thế là vào một buổi chiều rét mướt ngay đỉnh điểm mùa đông giá lạnh, có một cô gái nhỏ ngồi co ro ở bến xe Warapindi hỏi mua vé xe buýt đi Chitral, nơi có ngôi làng tổ tò vò trên núi. Khác với thung lũng Hunza nổi tiếng nhất ở Pakistan, tuy chặng đường xa hơn nhưng hãng buýt rất chuyên nghiệp, am hiểu thủ tục dành cho người nước ngoài, cung đường đi Chitral chủ yếu chỉ có dân bản xứ và xe buýt nhỏ của địa phương. Thấy tôi chứng minh đã được phép đi nhiều nơi ở Pakistan, sau một lúc suy nghĩ và trao đổi, chủ xe đồng ý bán vé cho tôi đi Chitral. Cầm vé xe trên tay tôi thở phào nhẹ nhõm mà không hề hay biết một hành trình phiêu lưu thót tim và thử thách đang chờ đón mình ở phía trước.

Khoảng 10 giờ tối chiếc xe buýt nhỏ bắt đầu lăn bánh từ Warapindi, dự kiến sau 10 tiếng sẽ đến huyện Chitral, nơi có ngôi làng Kalash trên đường biên giới với Afghanistan. Ngồi gần tôi là một người đàn ông trung niên dáng dấp học thức và thân thiện nên càng yên tâm. Sau gần hai tiếng yên ả, xe bỗng dừng lại. Một tốp đàn ông mặc quân phục cảnh sát và quân đội dáng dấp cao to với khăn đen che kín mặt bước lên xe. Không nói không rằng họ gõ súng vào thành xe và yêu cầu tôi theo cùng.

Dù đã rất nhiều lần phải xuống xe làm thủ tục với cảnh sát khi rong ruổi Pakistan, nhưng khi đi những hãng xe buýt công cộng của nhà nước hay hãng Hyundai làm mưa làm gió trên các cung đường lớn, tôi đều nhận được sự trợ giúp của nhân viên nhà xe. Còn lần này, nhà xe địa phương chưa từng có kinh nghiệm cho người nước ngoài đi cùng nên một mình tôi lủi thủi theo nhóm người lạ mặt súng ống đầy người đi đâu không rõ. Thực sự mà nói tôi cũng thoáng sợ hãi, chỉ lo phiến quân Taliban hay những nhóm khủng bố giả danh. Người đàn ông trung niên ngồi cạnh hiểu sự lo lắng của tôi nên cho hay ông sẽ đi theo cùng để hỗ trợ.

Nhóm người dẫn tôi về trạm kiểm tra gần đó. Sau một hồi giải thích tôi mới hiểu ra tôi bị mời làm việc là do không có giấy phép đến Chitral trong khi đây là vùng quân sự nhạy cảm. Sau một đống thủ tục lằng nhằng thì tôi được thả ra, tiếp tục hành trình trong sự mừng rỡ của những người trên xe.

Kiểu nhà truyền thống ở làng Kalash.

Ấm lòng giữa vòng vây súng đạn

Khoảng 4 giờ sáng xe đến huyện Chitral. Anh tài xế thả hành lý của tôi xuống đường, bảo tôi qua đồn cảnh sát huyện. Chưa kịp hiểu chuyện gì cần làm tiếp theo, chưa kịp từ giã, cám ơn người đàn ông trung niên tốt bụng ngồi bên cạnh thì hai cảnh sát bước ra mang ba lô và dẫn tôi vào phòng khách của đồn cảnh sát, bảo ngồi đó. Không biết điều gì sẽ diễn ra, tôi thầm lo lắng có khi nào mình lại bị tống ngược trở về Warapindi không. Nhưng dẫu sao trong phòng vẫn ấm áp hơn ở ngoài nhờ mấy cây củi đang đốt để sưởi ấm, thế là tôi nằm lăn ra ngủ thiếp đi vì mệt mỏi vô hạn.

Một hồi sau, tôi tỉnh dậy thì thấy cả tốp cảnh sát đang ngồi xung quanh, nhìn tôi mỉm cười. Ai đó đã đắp cho tôi chiếc chăn dày. Họ lục tục chuẩn bị bữa ăn sáng và không quên chia phần cho tôi. Không ngại ngần, tôi ăn ngon lành và ngấu nghiến như thể dỗi hờn “ai bảo mấy người bắt tôi vào đồn làm chi!”.

Khoảng 7 giờ sáng, vị cảnh sát phụ trách đến và mời tôi qua phòng làm việc. Ông vừa chào vừa cho hay: “Hôm nay là ngày nghỉ của tôi. Nhưng vì cô nên tôi phải tức tốc vào để giải quyết”. Trong thời gian chờ vị cảnh sát làm thủ tục, tôi mượn quyển sổ theo dõi thông tin về người nước ngoài đến đây trong những năm qua. Mỗi năm Chitral chỉ có vài trăm người nước ngoài ghé qua, đông nhất là Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Tuyệt nhiên không thấy người Việt Nam nào từng đến đây. Vị cảnh sát khẳng định tôi là người Việt Nam đầu tiên tới vùng này.

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, vị cảnh sát giao tôi cho một anh cảnh sát viên, đồng thời đưa cho tôi tờ giấy ghi số điện thoại của ông. “Có bất cứ ai gây khó khăn gì, hãy gọi cho tôi” - ông bảo.Thật ấn tượng và ấm lòng với nghĩa cử của đồn cảnh sát Chitral.

Cứ tưởng thủ tục đã xong, ai ngờ anh cảnh sát cũng lên xe taxi cùng tôi về làng Kalash. Lại thêm những chặng kiểm tra đăng ký mệt mỏi từ cảnh sát đến quân đội. Sau 30 km đường đất loằng ngoằng, dằn xóc, cuối cùng tôi cũng đến làng Kalash, nơi có sẵn một viên cảnh sát địa phương đứng chờ. Sau màn tay bắt mặt mừng, anh cảnh sát huyện bàn giao tôi cho viên cảnh sát địa phương rồi trở ra.

Không biết họ đã trao đổi điều gì mà anh cảnh sát ở làng hết sức căng thẳng. Sau một hồi lòng vòng đi tìm chỗ ở, tôi quyết định ở homestay trên núi vì muốn được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương. Anh cảnh sát bám theo sát nút, một phút không rời. Cứ tưởng dẫn tôi đến homestay là xong việc, không ngờ viên cảnh sát cho hay anh cũng ở lại, ngay sát phòng tôi. “Cô được tự do thoải mái đi lại trong phòng, nếu muốn ra ngoài thì phải báo tôi” - anh căn dặn. Cứ nghĩ anh chỉ nói chơi, vừa đặt ba lô xuống giường, tôi phóng ra ngoài. Anh cảnh sát đang ngồi trò chuyện với chủ nhà lật đật vác súng chạy theo. Tôi chợt hiểu ra đó là mệnh lệnh: Anh phải theo tôi 24/24. Từ đó cho đến ngày về, tôi không thấy mặt mũi chủ nhà đâu nữa vì anh cảnh sát đã kiêm luôn đầu bếp, chẻ củi cho tôi sưởi, dọn phòng, rửa chén lẫn hướng dẫn viên, bảo vệ… trong suốt những ngày tôi ở.

Trẻ em nam, nữ hồn nhiên ở làng Kalash.

Bữa ăn do anh cảnh sát kiêm đầu bếp sửa soạn cho chúng tôi.

Tác giả ở thung lũng Kalash.

Bà cụ người Kalash.

Xao lòng ngôi làng cổ tích thanh bình

Kalash có ba thung lũng với vài ngôi làng nhỏ cổ xưa nằm trên núi. Mỗi ngôi làng là một khóm nhà bằng gỗ xây xếp chồng lên nhau. Nhà này muốn qua nhà kia thì cứ trèo cầu thang. Nhà nào cũng bé tí teo. Không nơi nào có hàng rào nhưng “nhà chung cư” của người Kalash có một khoảng sân chung rộng cho lũ trẻ chạy nhảy. Lũ cừu, bò cũng bắng nhắng trên sân. Được tin rằng là hậu duệ của Alexander Đại đế, người Kalash dáng cao, da trắng, mắt xanh hoặc vàng sâu hút, sóng mũi cao vút.

Ở đâu hiện đại không biết, còn giữa thung lũng này, người Kalash vẫn sống như tổ tiên mình thuở xa xưa. Các bé gái ở làng cạo trọc đầu phía sau, chừa ba chòm tóc thật dài và tết thành ba dải, đầu đội khăn và quần áo điệu đà màu sắc như công chúa thời xưa. Lúc mới đến, thấy những bé gái trong trang phục này tôi cứ ngỡ có lễ hội nào đó nhưng hóa ra đó là trang phục thường ngày. Những cô gái Kalash xinh đẹp đến ngỡ ngàng nấp sau ô cửa nhìn tôi cười bẽn lẽn.

Nhà anh cảnh sát cũng ở đây nên anh mời tôi đến thăm. Ngôi nhà nhìn qua dãy núi tuyết phủ trắng xóa. Bên ô cửa, nhâm nhi chùm quả khô ngon lành nhà anh hái trong rừng, ngồi trên chiếc ghế nhỏ đan từ da bò ngộ nghĩnh, tôi phóng mắt nhìn ngắm núi và phong cảnh hùng vĩ hữu tình trước mặt. Lòng tôi thầm nghĩ không biết anh cảnh sát có biết rằng view của nhà mình đẹp hơn bao nhiêu khách sạn năm sao trên thế giới này không.

Là tộc người khác biệt và ngàn năm sống thu mình trong những thung lũng xa vắng, người Kalash có phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ khác hẳn các vùng miền khác ở Pakistan. Lũ trẻ con ở làng vô tư đùa giỡn, hò hét mà không cần phân biệt giới tính. Do không phải sống trong khuôn phép nên lũ trẻ ở đây nghịch ngợm hồn nhiên thay vì nghiêm nghị, chững chạc như nhiều đứa trẻ Pakistan khác.

Kalash cũng là nơi mà phụ nữ có sự bình đẳng nhiều nhất với nam giới ở Pakistan. Họ được tự do yêu, tự do kết hôn, thậm chí được đổi chồng nếu muốn. Dẫn tôi đi dạo thung lũng Kalash, anh cảnh sát chỉ tay lên ngọn núi cho hay bên kia là Afghanistan. Giữa vùng lửa khói nhưng làng Kalash lại quá đỗi thanh bình, đến nỗi khiến tôi cứ mềm lòng không muốn rời mặc cho ngày nào cánh quân đội cũng đến hỏi “Khi nào cô đi?”.

Rồi thì ngày tôi phải tạm biệt thung lũng Kalash cũng đến. Tội nghiệp anh cảnh sát địa phương lại lẽo đẽo đưa tôi về lại đồn cảnh sát huyện Chitral để trình diện trước khi rời đi. Cứ tưởng đến đây chuyến phiêu lưu đã kết thúc. Nào ngờ xe buýt vừa đi một đoạn thì mấy chiếc jeep cảnh sát chắn ngang đầu. Một vị có vẻ là sếp bước xuống chào, sau khi hỏi đủ thứ và ký đủ thứ giấy tờ thì cho phép tôi đi tiếp. Chỉ vài phút sau, xe cảnh sát hai chiếc, chiếc trước và sau hú còi dẫn đường. Không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nhưng đã quá quen với những tình huống bất ngờ nên trở nên “lì đòn”, tôi không còn sợ hãi. Qua cả trăm km, xe tôi vẫn bị kẹp giữa hai xe cảnh sát với còi hụ dẹp đường. Lúc này thì tôi hiểu ra mình không bị bắt về đồn mà đang được cảnh sát áp giải (hay hộ tống). Nhóm cảnh sát còn kiên nhẫn ngồi đợi tôi ăn tối rồi tiếp tục dẫn đường để tôi về Islamabad. Lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác của một yếu nhân, tôi chỉ thấy mất tự do. Làm người bình thường thôi mà vui.

Kalash, tôi từng muốn giấu riêng cho mình biết

Cũng giống nhiều người khác, sau những chuyến đi qua những vùng đất mới trở về, tôi thường chia sẻ với mọi người về những điều mình đã trải qua và nhìn thấy bằng hình ảnh và những câu chuyện nhỏ dọc đường. Không phải để khoe khoang hay tự hào, chỉ là tôi muốn kể cho bạn bè thân thương của mình nghe về những điều diệu kỳ, thú vị của cuộc sống và cuộc đời không phải chỉ quẩn quanh “ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.

Thế nhưng ngôi làng lưu lạc trên đường biên giới Pakistan và Afghanistan là một ngoại lệ tôi từng muốn chỉ giữ cho riêng mình. Không hẳn do lòng ích kỷ mà chỉ vì ai cũng muốn giữ gìn, nâng niu một nơi chốn bình yên nhất để mỗi khi mỏi mệt, buồn phiền mình có nơi quay về nương náu. Cho dù chỉ là giữ trong tim, tôi cũng không muốn góc riêng của mình bị quấy quá phiền hà. Nhưng rồi tôi cũng hiểu ý nghĩa của sự chia sẻ, cũng như nhận ra bình yên nhất là khi trong lòng mình ấm áp và yêu thương. Nơi nương náu vững bền, ấm áp nhất chính là tâm trí của mình đó thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm