Sông quê, thiên đường tuổi dại

Bây giờ làm sao thống kê có bao nhiêu phận người đã rời làng, rời quê, rời dòng sông tuổi dại miền Trung tìm đến những quê xứ khác, giàu phù sa, giàu bờ bãi. Sau tất bật áo cơm, họ lại hoài nhớ cố hương, nhớ con cá, lá rau quê nghèo tuổi dại của những dòng sông vốn ít phù sa…

Từ con tôm càng đến con rạm nuôi lớn ước mơ

Sông Hiếu (Quảng Trị) sau nhà nước trong văn vắt, cũng chảy hiền hòa dưới rặng tre tỏa bóng. Một bãi bồi giữa sông không quá rộng nhưng lại đủ mênh mông cát mịn cho tuổi thơ mấy chục đứa con nít trong xóm giờ đây vẫn nhớ về nó như nhớ về một thiên đường. Và hơn tất cả là những gì mà con sông quê đã mang lại cho chúng tôi trong thời khốn khó.

Hơn nửa đời xa quê nhưng mỗi lần về, tôi vẫn thích tự đi mò bắt những con tôm càng xanh riêng có của quãng sông này.

Để lập “căn cứ” cho tôm trú ẩn, chúng tôi xếp những viên đá to tầm cái bánh chưng thành đống. Tôm sẽ chui vào đống đá dưới lòng sông ấy. Chiều tối, mang theo những cái dẹp (giống như cái đó, dùng để đơm cá), đặt miệng dẹp vào đống đá, trong dẹp là mồi giun nướng thơm lựng gói trong lá chuối, đặt dẹp đầu hôm, rạng sáng đi dỡ, thế nào cũng có dăm chú sa vào đó. Mươi cái dẹp như thế là có một mớ tôm càng đẹp lộng lẫy.

Bây giờ về làng, hiếm hoi lắm mới kiếm được một mớ tôm càng xanh đặc sản sông quê. Khêu một bếp than bên bãi cỏ bờ sông, con tôm sem sém cháy chuyển màu ngả vàng rồi đỏ ửng. Mùi tôm thơm trên bếp, mùi khói bãi bên sông, chén rượu gạo quê làng đón bạn hàn huyên chuyện quê nhà cho đến lúc trăng lên xê xế ngọn tre, trăng lấp lánh tỏa sáng xuống dòng sông lao xao ánh bạc. Hạnh phúc đôi khi đâu phải là cao lương mỹ vị chốn thị thành lóng lánh cao ốc.

Nếu thích nữa thì chạy về nhà lấy cái nơm, và bây giờ có đèn pin halogen sáng quắc, không phải như xưa lấy lồ ô đổ dầu hỏa làm cây đuốc khói mù đi soi cá. Với chiếc đèn pin hiện đại ấy, chiếu vào đáy cát, những con cá bống thệ vàng ươm đóng đèn, những con cá chạch lấu trong đám rong mượt ngơ ngác, nếu nhớ nghề thì soi một đêm cũng đủ một nồi canh chua cá lấu mà tôi tin không một loài cá nào có thể nấu canh chua ngon hơn thế.

Trên quãng sông nhiều đá cuội này cũng là nơi cho ốc gạo bám vào. Con ốc gạo ở khúc sông nhiều đá, nước xiết thường thơm hơn, thịt dai hơn bởi nó phải vất vả gồng lên không để cho nước cuốn đi. Vị béo, bùi của con ốc gạo sông Hiếu thì không biết phải tả thế nào, bởi khi ngồi gõ những dòng này, ký ức đã đánh thức một trời vị giác.

Dưới những đám cỏ bờ sông còn là nơi trú ngụ của loài “rạm” - họ cua đồng, nhưng khác với cua đồng vốn hơi thoảng mùi bùn, con rạm sông thường sạch hơn. Đêm mùa đông đằng đẵng, không đủ áo dày chăn ấm, bên bếp lửa nhóm lên giữa mái lá quê nghèo, những con rạm được đem ra nướng, mùi thơm của rạm, mùi cháy của lớp vỏ canxi, mùi khói của củi trong năm tháng tuổi thơ cơ cực ấy cứ tự nhiên ngấm vào trí nhớ, để rồi một ngày kia nó thành ký ức sâu thẳm, những con rạm sông với chất canxi tự nhiên ấy nuôi lớn xác thân và tuổi thơ nghèo khó, nuôi lớn những ước mơ vượt ra khỏi lũy tre làng…

Một khúc sông quê ở làng Cam Lộ ( thuộc huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị)

Đồng bãi phù sa thương người nên hào phóng

Sau những tôm càng xanh, cá chạch lấu, ốc gạo, rạm sông… còn có một món ngon tuyệt vời khác mà dòng sông mang lại vào những mùa mưa lũ: đấy là những con dế cơm béo mẫm.

Tháng Chín, tháng Mười, trời làm trận lũ, nước tràn vào các hang đất, dế cứ vậy lúc nhúc ngoi lên, nổi dập dềnh bám theo rều rác lênh đênh theo nguồn lũ. Những bè rác ấy gặp nhau giữa dòng mưa lũ, cứ dày lên như những hòn đảo bằng bè lau sậy của người dân Uros trên hồ Titicaca bên Nam Mỹ, khác chăng “cư dân” trên những bè sậy ấy là những chú dế béo mũm, nâu óng hay vàng ươm. Hòn đảo lau sậy và những cư dân dế cứ trôi dạt cho đến khi tấp vào một bờ tre dọc bãi biền nào đấy rồi hạ dần xuống theo mực nước rút.

Nhà tôi ven sông Hiếu, cứ sau lũ thế nào cũng có hai việc: đi mót củi rều và bắt dế từ trong mớ củi rều lều bều ấy, nhưng làm sao bắt hết được bầy dế kia. Những con trốn thoát sẽ đào cho mình những ngôi nhà trên cánh đồng phù sa ven sông. Những bãi biền ven sông Hiếu sau lũ còn lại lớp phù sa pha cát mịn ướt. Vì phù sa nhiều cát nên nước rút nhanh, để lại lớp đất pha mềm tơi xốp. Mùa săn dế bắt đầu.

Chỉ với một cái cuốc nhỏ và không cần mất công tìm kiếm, ngôi nhà của dế được đánh dấu bằng lớp đất mịn, tơi thành hạt nhỏ lún mún như hạt cườm bằng đất đùn lên trên lớp phù sa. Cái “mún” dế ấy do những con dế trũi, dế cơm miệt mài đào suốt đêm để tạo nên hang sâu trong đất. Chúng cứ nghĩ sẽ ấm êm trong mê cung ấm áp của mình, nào biết đâu những kẻ săn dế chỉ cần nhìn cái “mún” kia và bổ vài nhát cuốc thật lực sẽ thấy một vòm hang hiện ra dưới lòng đất. Con dế hiền lành không còn đường thoát, co ro trong góc hang. Và cứ thế, mỗi hốc sâu là một chú dế run rẩy, chú nào hung hăng lắm có thể vùng chạy nhưng đôi càng dế dẫu dũng mãnh đến mấy cũng không nhanh bằng con người.

Những ngày cuối tuần hanh hao mùa đông, trời đủ se se rét mà không mưa, chạy về quê thăm mẹ rồi vác cuốc ra sau biền bãi phù sa vào cuộc săn dế. Dế mang về chỉ cần ngắt bỏ cánh, lấy cái túi nhỏ phía đầu cánh rồi rửa sạch. Từ nguyên liệu này có thể chế ra bao nhiêu món ngon. Nhồi mỗi con một hạt lạc rang vào bụng rồi đem rán với lá chanh trên chảo mỡ, hay cứ để thế ướp tẩm gia vị, dầu hào rồi đem nướng. Ăn được một bữa dế đào lên từ đồng bãi phù sa mới hiểu ra sau vẻ thương khó, quê nhà vẫn luôn hào phóng cho ta những món ngon, không chỉ nuôi người mà nuôi cả một trời ký ức…

Đôi khi nghĩ về dòng sông quê nhà, nghĩ về miền Trung khó nghèo không có những châu thổ mỡ màu như hai đầu đất nước, nhưng chính những con sông đã cho xứ sở này những đặc ân không vùng đất nào có được. Dòng sông nước trong và xiết, không nhiều phù sa để con cá sông quê kiếm nhiều phù du, vì thế mà phải quẫy đạp lội bơi nhiều hơn con cá của những dòng sông khác. Bởi thế mà cũng một loài cá nhưng con cá trên dòng sông miền Trung săn chắc hơn, con tôm, con ốc thơm thịt hơn như một đền bồi cho cái tội không ăm ắp phù sa tưới bồi đồng ruộng.

Nghĩ từ dòng sông trong xanh rồi nghĩ tới những phận người thanh bần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm