Thách thức thế giới 2019

Có ba nguy cơ lớn cần lưu ý trong năm 2019. Một, căng thẳng thương mại gia tăng (chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc) sẽ làm giảm tăng trưởng, các nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng dẫn đến lãi suất cơ bản của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến. Hai, Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ khiến các nền kinh tế mới nổi gia tăng thoái vốn và giảm cầu. Ba là do căng thẳng thương mại, tăng trưởng Trung Quốc giảm sẽ tác động đến các nền kinh tế mới nổi và kể cả các nền kinh tế phát triển, từ đó tác động chung toàn cầu.

Bóng ma chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh tan tác ở Iraq và Syria, nguy cơ khủng bố vẫn còn dai dẳng nhưng ngấm ngầm hơn. Nguy cơ lớn nhất đáng lo ngại là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hai bên đã đạt “thỏa thuận đình chiến” trong 90 ngày, song bóng ma chiến tranh lạnh thương mại vẫn ám ảnh.

Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc, quá trình chuyển dịch dây chuyền sản xuất (Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng) sẽ tác động đến các nước phát triển nhất.

Mỹ vẫn duy trì kinh tế năng động chủ yếu do mức tiêu dùng tăng, song chiến tranh thương mại sẽ kéo tuột tăng trưởng, GDP giảm còn 2,4% trong năm 2019 so với 3,1% vào năm trước như Quốc hội Mỹ dự báo. GDP của Trung Quốc cũng sẽ ngấm đòn. Rốt cuộc “kẻ chết, người bị thương”! Các nền kinh tế mới nổi sẽ bị thị trường tài chính “ép sân” với những đòn chiến tranh thương mại, căng thẳng và cấm vận chính trị, lãi suất cơ bản của Mỹ tăng.

Địa chính trị thế giới

Hai đảng ở Mỹ đều nhất trí Trung Quốc sẽ tiếp tục là thách thức trong năm 2019. Những rủi ro đến từ Trung Quốc gồm có chuỗi cung ứng công nghệ, tham vọng bành trướng quân sự và nỗ lực vượt rào cản cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên.

Nga nhận định không xuất hiện bất kỳ viễn ảnh hứa hẹn nào về bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga nhưng Nga vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Quan hệ Mỹ-Nga chắc chắn sẽ còn xuống cấp sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung. Nga bị Mỹ cấm vận, còn Trung Quốc đang “giao chiến” thương mại với Mỹ, do đó Nga và Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ hữu hảo bởi cùng chung lợi ích chiến lược.

Tại Mỹ, sau khi Hạ viện vào tay đảng Dân chủ, Tổng thống Donald Trump sẽ bị kẹt trong thế bế tắc chính sách. Ông sẽ phải đối phó với các cuộc điều tra về lề lối quản trị, chiến dịch tranh cử tổng thống và đế chế kinh doanh của gia đình, thậm chí có thể bị luận tội.

Trong các nền kinh tế phát triển chủ yếu, bầu cử ở Canada và Úc trong năm 2019 ít có khả năng làm thay đổi chính sách. Song bầu cử tại một số nền kinh tế lớn mới nổi như Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Nigeria có thể tác động đến chính trị và thị trường.

Ngân hàng Thế giới dự báo giá dầu thô năm 2019 khoảng 74 USD/thùng. Giá dầu tăng hay giảm còn tùy thuộc các yếu tố căng thẳng thương mại, quan hệ Mỹ với Iran và Saudi Arabia, cũng như định hướng của OPEC và các đồng minh.

Thủ tướng Anh Theresa May quyết khởi động Brexit từ đêm 29-3-2019.  Biếm họa: Bart van Leeuwen (Hà Lan)

Châu Á tăng trưởng hơn châu Âu

Trong năm Kỷ Hợi, khu vực đồng tiền chung euro sẽ phải vất vả đối phó với căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị. Bầu cử nghị viện châu Âu sẽ trở thành nguy cơ số một đe dọa kinh tế châu Âu. Nếu quá trình rời EU của Anh (Brexit) diễn ra không đạt được thỏa thuận, kinh tế “sư tử” Anh cũng như EU sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cuối năm 2017, khu vực đồng euro đã đạt tăng trưởng tương đương Mỹ. Một năm sau, mức tăng trưởng đã giảm đến mức thấp nhất trong hai năm qua. Dự báo năm 2019 tăng trưởng châu Âu sẽ chậm lại. Ý chính là mắt xích yếu nhất. Chính phủ dân túy ở Ý tiếp tục ủng hộ tăng chi tiêu công bất chấp khủng hoảng nợ chỉ thua Hy Lạp. 2019 sẽ là năm quyết định để EU áp đặt kỷ luật ngân sách.

Tại châu Á, CHDCND Triều Tiên đã theo đuổi chính sách ngoại giao, như vậy điểm nóng nhất khu vực chỉ có thể là vùng biển châu Á. Mỹ tăng cường ủng hộ lãnh thổ Đài Loan và dự kiến mở rộng thực thi tự do hàng hải trên biển Đông. Nguy cơ sai lầm dẫn đến va chạm với Trung Quốc có thể xảy ra. Biển Hoa Đông tiếp tục là nỗi lo thường trực. Điều đáng mừng là châu Á vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững chắc.

Lạc quan trong năm mới

Văn hào Pháp Georges Bernanos từng viết: “Người lạc quan là người ngốc hạnh phúc trong khi kẻ bi quan là kẻ ngốc bất hạnh”. Vì thế chúng ta vẫn có thể lạc quan mong mỏi năm 2019 sẽ trở thành năm của hòa bình, hai miền Triều Tiên tiến gần đến thống nhất, xung đột ở Trung Đông và châu Phi sẽ kết thúc, các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về hòa bình sẽ được tôn trọng và chủ nghĩa khủng bố sẽ lụi tàn.

Các sự kiện chính trị quan trọng năm 2019

Tháng 1: Jair Bolsonaro theo xu hướng cực hữu làm tổng thống ở Brazil. Khu vực tự do mậu dịch châu Phi có hiệu lực.

Tháng 2: Bầu cử tổng thống và Quốc hội ở Nigeria. Bầu cử Quốc hội Thái Lan. Cuba tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp mới.

Tháng 3: Anh chính thức rời EU, bước vào thời kỳ quá độ đến 31-12-2020. Bầu cử tổng thống ở Ukraine.

Tháng 4: Nhật hoàng Akihito, 84 tuổi thoái vị, nhường ngôi cho con trai út Naruhito. Bầu cử tổng thống ở Algeria. Tổng tuyển cử ở Ấn Độ.

Tháng 5: Liên minh châu Âu bầu nghị viện 705 nghị sĩ.

Tháng 10: Bầu cử Quốc hội liên bang ở Canada và Thụy Sĩ. Bầu cử tổng thống và Quốc hội ở Mozambique.

Tháng 11: 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm