Những Chiến binh quả cảm

Bước chân vào Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2 thuộc Trường trung cấp 24 Biên phòng (nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh), chúng tôi ngỡ lạc vào một trang trại nuôi chó. Đang giờ giải lao, những Forlop, Rech Skai, Đako, Đara, Đô La liên tục chạy nhảy, đùa giỡn với nhau y như… lũ chó đầu ngõ nhà tôi. Nhưng chỉ cần nghe huấn luyện viên (HLV) ra lệnh tập trung, các chú lập tức chạy ngay vào đội hình. Trung úy Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Tụi nhỏ được rèn kỷ luật rất cao, tuyệt đối nghe lời HLV của mình”.

Dũng mãnh từ thao trường đến thực địa

Trung úy Thắng đã có 18 năm kinh nghiệm làm HLV chó nghiệp vụ. Cách đây ba năm, anh Thắng huấn luyện chú chó tên Boma để chuẩn bị tham gia một chuyên án về ma túy. Trong lúc tập luyện, anh Thắng đóng giả đối tượng vận chuyển ma túy, gọi là “quân xanh”.

Đội hình tập trận khuya đó có 10 chú chó nghiệp vụ tinh nhuệ đã được rọ mõm, còn Thắng mặc áo bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, tay cầm một gói ma túy, luồn chạy trong đường rừng tối om. Đồng đội vừa ra lệnh “bắt kẻ địch”, các chú chó lập tức lao theo truy đuổi. Trong tích tắc, một chú chó rất khỏe đã hăng máu bứt được rọ mõm, chồm lên quật ngã Thắng. Dù đồ bảo hộ rất dày nhưng chú chó vẫn cắn xuyên qua lớp áo, cày hàm răng sắc lẻm lên da thịt anh, đau buốt thấu xương. Đồng đội anh chạy đến hô “nhả”, các chú chó mới dừng tấn công. Buổi tập hôm đó đã kịp để lại trên cơ thể anh Thắng vài vết sẹo.

Anh Thắng cho biết: “HLV bị thương tích là thường. Dù được bảo hộ kỹ càng nhưng không thể tránh được hết, nhất là với những chú chó rất to khỏe. Thậm chí có những trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng”.

Rồi thời điểm đánh án cũng đến, Thắng và đồng đội ngày đêm luồn rừng ở Sơn La để phục kích. Khi các đối tượng soi đèn pin trong rừng, các anh phải dùng tay che mắt chó vì nếu gặp ánh đèn, mắt chó sẽ sáng rực trong đêm tối. Họ di chuyển, các anh cũng lặng lẽ bám theo. Các chú chó cũng theo sát gót rồi nằm phục trong im lặng dù có lúc đối tượng đi ngang qua chỉ cách vài bước chân.

Khi nhóm buôn ma túy vào đúng trận địa đã giăng sẵn, các chú chó lao lên theo lệnh “xung phong”. Các đối tượng chạy tản mát khắp rừng nhưng chỉ được vài trăm mét đã bị những chú chó dũng mãnh chồm lên khống chế.

Anh Thắng nói: “Tội phạm có vũ trang rất sợ chó nghiệp vụ. Vì khi chó nghiệp vụ tấn công, càng chạy, càng chống trả thì chó tấn công càng dữ dội. Nhiều người nhảy xuống suối cũng không thoát. Khi chúng tôi chạy đến khống chế, hầu như họ đã nằm im thúc thủ”.

Là bạn bè, đồng đội, người thân

Mỗi khi nghỉ giải lao, chú chó Đô La cứ quấn lấy HLV của mình là Thiếu úy Nguyễn Tiến Toàn để đùa nghịch. Thiếu úy Toàn cho biết dù rất có kỷ luật nhưng Đô La cũng cực kỳ tình cảm. Mỗi buổi sáng anh đến chuồng trại, Đô La mừng rỡ nhảy chồm chồm chào đón như lâu lắm rồi mới gặp. Hằng ngày, anh và các HLV tự tay săn sóc, cho ăn, tắm táp cho chó như chăm sóc một đứa trẻ. Kỳ nghỉ phép về thăm nhà, ngày nào anh Toàn cũng gọi video call để xem những chú chó anh huấn luyện có khỏe hay không. Anh nói: “Khi quay lại đơn vị, từ rất xa đã nghe thấy con Đô La sủa mừng”.

Trung úy Nguyễn Văn Thắng từng gắn bó với chú chó tên Manlop cực kỳ tình cảm. Có lần anh nghỉ phép một tuần để về nhà, Manlop không chịu ai cho ăn, cứ nhịn đói. Hôm anh lên, Manlop nhảy chồm lên mừng khiến anh xót hết ruột gan. Sau lần đó anh không dám nghỉ phép lâu ngày nữa.

Trung tá Nguyễn Văn Thảo hóm hỉnh nhận xét: “Chỉ cần nhìn vào một chú chó là biết ngay HLV thế nào. Chó là loài vật rất trung thành với chủ nên càng gắn bó lâu tính của nó cũng ngày càng giống chủ. HLV hoạt bát, vui tính, chó cũng rất hoạt. Còn HLV nào điềm tĩnh, con chó cũng rất điềm tĩnh”. Lời nhận xét đó được nhiều anh em ở Cụm 2 tán thành.

Nhìn chó, huấn luyện kỹ năng

Thượng úy Phùng Duy Huân có gần 20 năm kinh nghiệm huấn luyện chó và giảng dạy HLV. Anh cho biết anh hiểu tâm lý của từng chú chó có khi chỉ qua một ánh nhìn. Chỉ cần quan sát thêm một lát là anh biết được chú chó có tiềm năng trong lĩnh vực huấn luyện nào.

Ban đầu, khi được đưa vào huấn luyện, hầu hết các chú chó còn rất ham chơi. HLV phải kiên nhẫn ngày qua ngày để chú chó hiểu ý mình, thành thục kỹ năng cơ bản và tuân thủ kỷ luật. Qua một thời gian huấn luyện, hội đồng tuyển chọn sẽ đánh giá kỹ năng của từng chú chó để huấn luyện sâu. Các HLV ví von kỳ sát hạch này chẳng khác gì các sinh viên đại học vừa hoàn thành học đại cương, phải vào chuyên ngành. Những chú chó thần kinh mạnh, thích cắn sẽ được huấn luyện thành chó chiến đấu. Những chú chó giỏi đánh hơi sẽ được huấn luyện thành chó giám biệt hơi, truy tìm ma túy, cứu hộ cứu nạn…

Sau một năm, những chú chó huấn luyện có thể tham gia thực chiến. Ở những nơi biên cương hiểm trở, cho đến những điểm nóng trong nội địa, những chiến công vẻ vang của lực lượng biên phòng luôn thấp thoáng bóng dáng của những “vũ khí sống” đầy dũng mãnh.

Đời binh nghiệp của một “chiến binh”

Trung tá Nguyễn Văn Thảo, người có thâm niên cao nhất đang làm việc tại Cụm 2, là giáo viên chuyên giảng dạy nghiệp vụ cho các HLV. Anh Thảo cho biết vẫn nhớ mãi kỷ niệm những ngày đầu công tác khi gắn bó với chú chó Evi nổi tiếng trong lịch sử trường Trung cấp 24 biên phòng.

Evi là giống chó berger Nga, lông đen mượt như một con gấu, do biên phòng Nga trao tặng. Evi cực kỳ tinh khôn và dũng mãnh. Trong một lần tập đêm, Thảo và đồng đội vạch ra một sơ đồ di chuyển. Đồng đội anh vào vai quân xanh, sau khi di chuyển sẽ nấp trên một chạc cây. Khi được thả ra, Evi đánh hơi và đi theo đúng sơ đồ mà quân xanh đã đi. Nhưng khi đến gốc cây, anh không thấy chú chó của mình, lại nghe tiếng sủa ầm ầm ở trong nhà, anh nghĩ: “Chó mình lại bắng nhắng rồi”. Nhưng khi chạy vào, thấy Evi đang tấn công quân xanh dữ dội, Trung tá Thảo bật cười nhớ lại: “Vì lý do phát sinh bất ngờ, đồng đội tôi đã chạy thẳng vào nhà. Evi cắn anh ấy bị thương, tôi cũng xót lắm nhưng vẫn khen thưởng vì nó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

 Năm 1989, anh tốt nghiệp khóa huấn luyện, nghỉ phép về nhà để chuẩn bị đi lên biên giới. Evi được bàn giao theo Chuẩn úy Ma Văn Ngân vào Quảng Trị làm nhiệm vụ. Thời điểm đó, lực lượng phản động Hoàng Cơ Minh liên tục tổ chức nhiều cuộc thâm nhập trái phép vào Việt Nam. Trong chiến dịch này, Evi cùng các “đồng khuyển” Eka, Evat, Eva đã vô hiệu hóa nhiều đối tượng được vũ trang đầy mình. Chiến công đó đã được ghi vào lịch sử truyền thống của nhà trường.

Trong cuộc đời hơn 10 năm, Evi đã lập được nhiều chiến công và được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, vinh danh như một quân nhân. Sau khi qua đời, Evi được giữ lại làm tiêu bản trưng bày tại phòng truyền thống của trường.

Còn anh Thảo, sau khi chuyển sang công tác giảng dạy HLV, đã không còn gặp lại Evi nữa. Nhưng anh không bao giờ quên được những tình cảm đã dành cho chú chó. Anh nhớ lại: “Hồi đấy tôi chăm lo cho nó còn hơn cả cho người thân. Nghỉ phép về nhà mà ruột cứ cồn cào lo lắng không biết chó mình có khỏe không, có chịu ăn uống không. Chó bị ốm là mình phải dỗ, nịnh nó hơn cả nịnh trẻ con để nó chịu ăn”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tết con chó, nhớ con Na

Tết con chó, nhớ con Na

(PL)- Tôi cũng muốn con có một ký ức tuổi thơ ngọt ngào như tôi ngày ấy, có một người bạn nhỏ trung thành và quấn quýt như con Na.
Bầy chó săn trong tiểu thuyết Kim Dung

Bầy chó săn trong tiểu thuyết Kim Dung

(PLO)- Miền Tây Bắc Trung Hoa có dãy núi Côn Luân hiểm trở. Chu Trường Linh - một cao thủ, xây dựng ở chân núi này một tòa sơn trang rất đẹp. 
Chỉ tại con chó của nàng

Chỉ tại con chó của nàng

(PL)- Thế giới này đảo ngược mất rồi. Con người không đọc văn chương nữa và dành hầu hết thì giờ sử dụng ngón trỏ chọt chọt vào các màn hình.
Xuân về, nhớ bến sông xưa

Xuân về, nhớ bến sông xưa

(PL)- Tui và mấy đứa bạn khoái nhất cái trò leo lên nhánh thật cao của cây gừa ven bến sông rồi  nhảy cái “ùm” xuống sông. Cái cảm giác đó, ai trải qua rồi, mới biết sướng!
Tiệc đãi bạn

Tiệc đãi bạn

(PL)- Con Vện cũng cảm được nỗi lòng chủ, nó dụi đầu sâu vào lòng Hoài và rên lên khe khẽ.