Mạnh Thường Bolero giã từ đường phố

Năm 2017 có lẽ là một năm ghi dấu ấn nhất trong cuộc đời nghệ sĩ Mạnh Thường. Bởi ông được góp mặt trong danh sách 30 quái kiệt Sài Gòn; tham gia chương trình Tình bolero hoan ca khi lọt vào “mắt xanh” nhà sản xuất chương trình trong một lần ông đang kéo loa hát giữa phố Sài Gòn.

Lớn lên cùng bolero trong con hẻm

Bolero đã thấm vào máu Mạnh Thường từ ngày bé. Ông sinh ra trong gia đình nghèo, 10 năm đầu đời sống trong những con hẻm của người nghèo ở Sài Gòn. Quanh xóm lúc nào cũng vẳng tiếng nhạc bolero. Bolero cũng dịu dàng, nhẹ nhàng đưa ông vào giấc ngủ hằng đêm.

Gia đình nghèo không trụ lại nổi ở Sài Gòn, những năm đầu sau 1975 cả nhà ông trôi dạt về Bạc Liêu tham gia kinh tế mới. Năm 19 tuổi, Mạnh Thường lập gia đình với một cô gái 17 tuổi gần nhà. Hai vợ chồng dẫu hoàn cảnh đúng như câu hát bolero của nhạc sĩ Vinh Sử “hai bàn tay trắng, nghèo xơ xác nghèo” nhưng vẫn luôn bên cạnh nhau dẫu khó khăn, cơm cháo bữa đực bữa cái.

Như bao cặp vợ chồng ở quê, càng nghèo con lại càng đông, gánh nặng gia đình càng nặng thêm với Mạnh Thường khi hai vợ chồng có với nhau tận chín người con. Một mình ông phải làm đủ nghề để tìm miếng cơm manh áo qua ngày cho cả gia đình. “Đó là những ngày khó khăn nhất, ai kêu làm gì tôi cũng làm, từ giúp việc nhà, phụ bán hàng… Làm ngày làm đêm nhưng kiểu gì cũng không đủ sống” - Mạnh Thường kể.

Bức bí quá, ông khăn gói lên Sài Gòn. Ông ra đi với tâm trạng như bao người ở miền quê: “lên Sài Gòn kiếm tiền”, “vô Sài Gòn kiếm ăn”… Và Sài Gòn - miền đất hứa đã dang tay dung nạp Mạnh Thường. Nghề đầu tiên của ông tại Sài Gòn là một xe bán trái cây, kế đến là sửa xe… Sau khi nghề sửa xe ế ẩm vì không đủ tiền đầu tư thiết bị mới, người con trai út đã gợi ý Mạnh Thường đi hát dạo bán kẹo kéo.

15 năm ròng rã kéo loa hát dạo

Từ năm 2002, trên nhiều đường phố Sài Gòn người ta thấy hình ảnh một người đàn ông bán kẹo kéo ăn mặc chỉn chu với quần Tây, áo sơ mi, mang giày. Cứ tầm 18 giờ mỗi ngày, ông lại kéo dàn loa cùng xe kẹo kéo đến ba, bốn quán nhậu, cà phê. Hát rõ lời, chất giọng đặc biệt ấm áp nhưng sắc, Mạnh Thường đã gây được chú ý khắp những nẻo đường ông dừng xe. Mỗi khi xe kẹo kéo của Mạnh Thường đến, chủ những quán quen tự động vặn nhạc nhỏ lại. Và khi Mạnh Thường thả lòng với câu hát thì cũng là lúc khách dừng tiếng “dzô, dzô” để nghe tâm tình của người nghệ sĩ với nước da sạm đen vì sương gió.

Mục tiêu của cả hai vợ chồng suốt cuộc đời là nuôi chín người con lớn khôn, mạnh khoẻ và được học hành đầy đủ. Nghiệp hát ca ngoài phố của Mạnh Thường cũng chỉ vì mục tiêu đó trước, sau đến mới là thỏa sức cho đam mê của mình. Thế nhưng bốn người con đầu biết đọc, biết viết đều nhờ cha dạy. Cả gia đình chỉ có người con út học đến lớp bốn. Không được đến trường lớp nhưng với trường đời thì các con của Mạnh Thường lại không làm gì để cha mẹ phiền lụy. Cả chín người con của ông bây giờ đều có cuộc sống tự lập với gia đình riêng.

Đã hết thời “gót mòn đại lộ buồn”

Từ năm 2002 đến năm 2017, suốt 15 năm, người đàn ông gần 60 tuổi này vẫn còn kéo loa ra phố bán kẹo kéo và hát những bản nhạc bolero. Và năm 2017 là năm đánh dấu một trang mới trong cuộc đời nghệ sĩ đường phố Mạnh Thường. Đầu tiên, như đã nói ở trên, ông lọt vào danh sách 30 quái kiệt Sài Gòn do báo Tuổi Trẻ bình chọn. Chưa hết, trong một lần bắt gặp ông hát bolero ở quán nhậu, nhà sản xuất chương trình Tình bolero hoan ca đã mời ông tham gia chương trình. Dẫu không là quán quân, á quân… của Tình bolero hoan ca nhưng hình ảnh của Mạnh Thường đã để lại dấu ấn riêng trong lòng khán giả.

Sau Tình bolero hoan ca, Mạnh Thường được biết đến nhiều hơn. “Bây giờ tôi không đi hát rong nữa, mà tôi đi…sô. Giờ người ta gọi điện thoại đặt trước lịch, cứ mỗi tuần hát được năm đêm ở đám tiệc, sinh nhật, nhà hàng... Tuần nào cũng đều năm đêm, không cần phải hát ngoài phố nữa” - nghệ sĩ Mạnh Thường chia sẻ.

Dù cuộc sống có đỡ dãi dầu mưa nắng hơn nhưng hai vợ chồng vẫn sống trong căn phòng trọ nhỏ ở Gò Vấp. Và Mạnh Thường vẫn chờ gom góp đủ tiền để mở một kênh YouTube mình thích, hát những bản nhạc bolero do chính mình sáng tác. Nghệ sĩ đường phố đã không còn xuống đường để hát câu hát buồn “Tuổi đời chân đơn côi, gót mòn đại lộ buồn, đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa” (ca khúc Giã từ của Tô Thanh Tùng). Tạm biệt hình ảnh một Mạnh Thường trên phố, khán giả mong chờ tái ngộ ông ở những sân khấu lớn hơn.

Ước mơ hát ca khúc chính mình sáng tác

Tôi thích bolero từ nhỏ, rồi khi đi hát lại càng thích thêm. Tôi chưa biết đàn nhưng viết được lời ba, bốn bài hát rồi, có giai điệu cho bài hát luôn, khi nào đủ tiền tôi sẽ đi nhờ nhạc sĩ phối lại theo giọng mình. Sướng nhứt vẫn là được làm một MV hát nhạc bolero mình sáng tác.

Mấy bài hát của tôi chưa đến với khán giả, còn bà xã với các con trong nhà nghe hết rồi. Khán giả đầu tiên của mình chính là gia đình.

Nghệ sĩ Mạnh Thường

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm