Chuyện bảo vệ chủ quyền từ đất liền ra Biển Đông

Khoảng hơn chục năm trước, tôi đảm nhiệm vị trí phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, hỗ trợ trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ Vũ Dũng thực hiện việc điều phối cắm mốc trên thực địa biên giới Việt Nam - Trung Quốc (TQ). Tôi cũng đảm nhiệm công việc đặc phái viên tại các cuộc đàm phán cấp Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.

Không từ bỏ một tấc đất chủ quyền

Chúng tôi phải thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền Việt-Trung năm 1999 cùng thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về vấn đề phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.450 km từ Tây sang Đông.

Hạn chót để hoàn thành việc này là ngày 31-12-2008. Thời điểm đó cả hai nước đều gấp rút hoàn thành hồ sơ cuối cùng trong tổng số 1.971 mốc cần phải phân định, bao gồm mốc chính, mốc phụ, mốc đơn, mốc đôi, mốc ba,… Tôi nhớ nhất là hai cuộc đàm phán cuối cùng vì chúng vô cùng quan trọng, đó là gói sáu cửa khẩu trong đó có cột mốc 1116-1117 tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu nghị - Hữu nghị quan; cùng với các cột mốc tại vùng thác Bản Giốc - cửa sông Bắc Luân.

Sau những vòng đàm phán vô cùng khó khăn, chúng tôi tiếp tục gặp thách thức khi địa hình tự nhiên khu vực cắm mốc có sự chênh lệch. Vùng đặt cột mốc 1117 của phía TQ cao hơn khu vực đặt mốc 1116 của phía Việt Nam. Hai nước phải trải qua nhiều vòng đàm phán, sau đó thống nhất đặt các cột mốc trên cùng độ cao là 9 m so với mực nước biển.

Như vậy, phía TQ cần làm thấp phần sườn đồi phía họ, còn ngược lại Việt Nam phải xây nền cao hơn cho cột mốc 1116 để cột mốc hai bên được xây dựng trên nền có cùng độ cao. Điều này thể hiện nguyên tắc “các quốc gia bình đẳng về chủ quyền”, họ không thể cao hơn ta và ngược lại ta cũng không thể cao hơn họ. Đã có lúc TQ xây nền mốc ở độ cao hơn 9 m. Ta đã xây nền ở độ cao 9 m rồi, lại phải khắc phục bằng cách xây ngay nền mới có cùng cao độ với bạn. Để bảo đảm nguyên tắc, phía Việt Nam vất vả hơn phía TQ trong việc cải tạo địa hình để cắm mốc phù hợp theo thỏa thuận.

Song mọi chuyện rồi cũng hoàn thành tốt đẹp. Ngày 22-12, sau một cơn mưa đêm nặng hạt, chúng tôi làm lễ dâng hương tổ tiên. Giây phút đặt đồng xu cổ và lá cờ xuống chân cột mốc 1116 và bài Tiến quân ca vang lên khiến ai nấy trong chúng tôi đều xúc động. Vậy là sau bốn ngàn năm lịch sử, sau biết bao năm thăng trầm trong quan hệ hai nước, lần đầu tiên biên giới Việt - Trung được phân định rõ ràng từ Đông sang Tây, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước chúng ta.

Cuộc đàm phán cắm mốc biên giới này kéo dài hàng chục năm, có những giai đoạn căng thẳng tưởng không có lối thoát. Tuy nhiên, chưa bao giờ Việt Nam chấp nhận từ bỏ chủ quyền, dù chỉ là một tấc đất, nhưng cũng khéo léo không làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị mà vẫn đạt được mục đích tối thượng là lợi ích quốc gia.

gay cấn Bảo vệ chủ quyền trên biển

Tranh chấp ở Biển Đông bao gồm hai loại: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tranh chấp biển bao gồm các vấn đề phân định biển và các hoạt động trên biển.

Trong khi kiên quyết đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác phát triển trên biển trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và các quyền lợi chính đáng của quốc gia ven biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy Việt Nam luôn chủ động trong việc xác lập và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình trên biển. Năm 1989, Việt Nam dù còn nghèo nhưng đã xây các nhà giàn DK1, là cụm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật trên biển Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định quyền lợi chính đáng của Việt Nam trên thềm lục địa được xác định theo UNCLOS.

Năm 1995, khi có nước đề nghị gác tranh chấp cùng khai thác trên thềm lục địa Tư Chính, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã kiên quyết bác bỏ. Lập trường của Việt Nam rất rõ ràng: Chỉ có thể hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa khu vực này.

Tuy nhiên, về chiến thuật đàm phán, Việt Nam rất khéo léo. Chúng ta đấu tranh ký thỏa thuận ba bên năm 2003, mở đường hợp tác nghiên cứu ở khu vực xác định tại quần đảo Trường Sa. Phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 trong vụ kiện do Philippines khởi xướng đã giải thích các thực thể nổi ở Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Vì vậy, phần biển bên ngoài giới hạn đó có thể cùng hợp tác.

Tư duy chiến lược của Việt Nam, với tất cả những gì đã diễn ra ở Biển Đông trong nhiều năm qua, là hoàn toàn đúng đắn. Việt Nam thể hiện rõ lập trường vừa hợp tác vừa đấu tranh trên cơ sở luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; tận dụng mọi cơ hội để giải quyết hòa bình các tranh chấp; tạo môi trường ổn định hợp tác cho phát triển và cũng rất kiên quyết khi quyền lợi bị vi phạm.

Biển Đông là tâm điểm của quốc tế

Trước năm 1990, các biến động chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế có tác động tiêu cực đến tình hình Biển Đông. TQ sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, mở rộng chiếm đóng nhiều hơn nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Từ năm 1990 đến năm 2008, đặc biệt với hội thảo kiềm chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông do Indonesia và Canada đồng tài trợ, tình hình đã trở nên cởi mở hơn. Các hội thảo đã được mở rộng, hình thành kênh 2.0 của các học giả, không đại diện chính thức cho quốc gia, nhằm tìm kiếm các ý kiến tư vấn.

Từ năm 2009, khi TQ chính thức đưa ra yêu sách đường chín đoạn, hội thảo quốc tế về Biển Đông được nâng lên là diễn đàn kết hợp của kênh 1 và cả kênh 2, tức là có sự tham gia không chỉ các học giả, nhà bình luận quốc tế và khu vực mà còn của cả các chính khách (tôi tạm gọi đây là kênh 1.5).

Sau phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS vào năm 2016, Biển Đông đã thực sự được quốc tế hóa. Biển Đông có trong chiến lược Một vành đai Một con đường của TQ, trong chiến lược xoay trục châu Á và sau này là Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương mở rộng của Mỹ. Trong trao đổi công hàm tại Liên Hợp Quốc năm 2019-2020, có hơn 30 công hàm, công thư, phát biểu thể hiện sự tập hợp lực lượng của các nước trong và ngoài khu vực phản đối đường chín đoạn, yêu cầu TQ nghiêm chỉnh tuân thủ phán quyết và khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý cơ bản và nhất quán để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. 

___________________

(*) Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chuyên gia nghiên cu v lut bin quc tế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.