Lạc vào những con phố ẩm thực Sài thành

Muốn ăn chè thì đến chợ Cô Giang (quận 1); muốn ăn trái cây tô to như trái bầu hồ lô thì đến đường Lý Tự Trọng; muốn thưởng thức món ăn dân dã trong sành điệu của xứ Huế thì de vào hẻm 243 Lê Văn Sỹ; còn muốn thưởng thức họ hàng nhà ốc, anh em nhà bạch tuộc, chị em nhà cua ghẹ thì dzọt ngay vô khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4)… Kể nhiêu đó để dân tứ phương biết cái gọi là sự phong phú trong đa dạng của ẩm thực Sài Gòn.

Nói về ẩm thực, Sài Gòn không chỉ là nơi hội tụ đầy đủ các món ăn ba miền từ Bắc chí Nam của Tổ quốc mà còn thu hút không ít quán ăn, nhà hàng đặc trưng của nhiều nước trên thế giới.

Song, thực chất giới trẻ Sài thành lại thích cà kê tới những con phố ẩm thực với đầy đủ các món ăn truyền thống của dân tộc. Đến mức khi nói đến đặc trưng món ăn nào đó ở Sài Gòn thì dân sành ăn lập tức “bản địa hóa” bằng phố ẩm thực.

* * *

Muốn ăn món Huế ở Sài Gòn, không đâu khác, nơi bạn nên tìm đến chính là hẻm 284 Lê Văn Sỹ (quận 3). Các món Huế ở hẻm này không phải nem công, chả phượng của cung đình xưa mà là các món ăn dân gian như bún hến, bánh bèo, bánh nậm… Tuy nhiên, những món ăn này lại chịu ảnh hưởng của văn hóa cung đình Huế và cốt cách của con người xứ Huế.

Bởi dù chỉ là các món ăn dân gian nhưng lại vô cùng cầu kỳ, tỉ mỉ. Từ việc chọn nguyện liệu, cách chế biến cho đến cách trang trí cũng phải “rất Huế”. Giới trẻ Sài Gòn chết mê chết mệt với món Huế cũng bởi sự dân dã trong sành điệu này.

* * *

Màn đêm buông xuống, phố ẩm thực Vĩnh Khánh phô bày thanh thế là phố ẩm thực lớn nhất phía nam TP với hàng loạt quán ăn bắt mắt, mùi vị bốc lên nghi ngút, quyến rũ đến mức thực khách nào có lỡ chân lạc vào đây thì cũng chỉ có cách “quên cả đường đi lối về”. Vài chiếc bàn nhựa nhỏ, vài chiếc ghế thấp lè tè, vậy mà bạn bè hè nhau phố này đặc sắc lắm, họp mặt ăn uống, tám chuyện trên trời dưới đất thì “chất” khỏi bàn cãi. Một nhóm bạn tám người ghép hai cái bàn lại, vậy là đã thành một bang hội “ăn đêm” tại phố ẩm thực.

Nói đến phố ẩm thực Vĩnh Khánh là nói đến một rừng các món hải sản từ ốc, cua, ghẹ cho đến bạch tuộc, mực… Giới trẻ đồn nhau không nơi nào có món cua sốt hoàng kim rẻ và ngon như Vĩnh Khánh. Quả thực là tại đây, không ít thực khách bị hút hồn bởi những chú cua mập mạp, đỏ au được tráng một lớp trứng muối vàng ươm thơm nhức mũi mà ăn thì ngon nhức nách.

* * *

Khi ghiền bánh tráng nướng, đâu cần phải lên phố núi Đà Lạt. Chỉ cần tạt ngay vào khu hồ Con Rùa (quận 3) thì tha hồ thưởng thức. Đây là thế giới bánh tráng với đủ loại như bánh tráng nướng, bánh tráng trộn.

Bánh tráng nướng được ví như pizza của Việt Nam bởi hình thức và màu sắc chẳng thua kém gì pizza Ý. Tuy nhiên, món “pizza” bánh tráng nướng của Việt Nam được chế biến rất siêu tốc. Thay vì trộn bột, hấp như pizza Ý và phải mất ít nhất 30 phút mới được thưởng thức, bánh tráng nướng chỉ mất khoảng 5 phút là ăn tại chỗ, nóng hôi hổi. Mùi vị thì không thể chê vào đâu được với cái beo béo của bơ, trứng, ngậy ngậy của thịt, ruốc, mỡ hành, rồi khi ăn thì nghe tiếng giòn rụm của bánh tráng.

Một trong những đặc trưng của ẩm thực Việt chính là sự biến hóa, sáng tạo và thích ứng dù ở bất kể đâu và với thực khách nào. Bánh tráng nướng là một ví dụ. Một phần bánh tráng nướng chỉ không thể thiếu bánh tráng và trứng, còn lại thì tùy theo khẩu vị của thực khách mà “nghệ sĩ đầu bếp” khu phố ẩm thực sẽ biến hóa ra những chiếc “pizza” với nhiều mùi vị khác nhau.

* * *

Thiên đường ẩm thực giá rẻ dành cho sinh viên, học sinh có lẽ là hẻm 76 Hai Bà Trưng. Một con hẻm dài chưa đầy 20 m nhưng lại bày bán vô số món ăn hot trend cho dân ghiền ăn vặt. Từ các món ăn chơi dân dã như xiên que, chè, xôi, bánh ngọt cho đến những món ăn no ba bữa như cơm, cháo, phở.

Những món ăn bình dân mang đặc trưng nhiều vùng miền khác nhau hầu như rủ nhau họp hội trên con hẻm 76 này. Đặc trưng của các món ăn bình dân Sài Gòn là sự cầu kỳ trong giản đơn. Ví dụ một món gỏi cuốn bé bé, tròn tròn, xinh xinh tưởng chừng nhìn rất đơn giản, cách làm cũng giản đơn, nhưng những nguyên liệu trong đó lại khá cầu kỳ và không thể thiếu vị nào. Về rau thì phải đủ rau sống, dưa leo, lá hẹ, đồ chua; sau đó là thịt, tôm và bún. Bên ngoài là lớp bánh tráng mềm mềm, mỏng mỏng như áo dài thiếu nữ, đủ để nhìn thấy phảng phất bên trong là rau, tôm và thịt… Đâu chỉ thế là xong! Gỏi cuốn ngon phải đi chung với nước chấm chuẩn. Ai gu mặn thì chọn mắm nêm có bằm thơm, tỏi, ớt, đường, chanh với đủ vị nồng, cay, chua, ngọt, mặn. Ai gu ít mặn thì chấm với nước mắm cũng không thể thiếu đường, chanh, tỏi, ớt. Ai mà có thể nghĩ cái gỏi cuốn nhỏ xíu nhưng lại chứa đựng trong đó cả hơn 10 loại nguyên liệu khác nhau.

* * *

Phố ẩm thực có món chè nổi tiếng nhất Sài thành có lẽ là phố Cô Giang. Ở đây có đủ các loại chè như sâm bổ lượng, chè hạt sen, trôi nước... Các món chè bình dân ở Sài thành dư sức lôi cuốn giới trẻ bởi vừa rẻ vừa ngon, gu nào cũng chiều được.

Đặc biệt, phố này còn nổi tiếng với món chè hột gà trứ danh của người Hoa. Món này được dân sành ăn xếp vào hàng độc, lạ nhất nhì Sì Phố. Thoạt mới nhìn thì món này giống như trứng ngâm nước tương nhưng khi ăn mới thấy vị béo, ngậy, mềm của trứng và vị đăng đắng của trà. “Lạ và ngon lắm!” giới trẻ kháo nhau như vậy.

* * *

Tóm lại, về số lượng phố ẩm thực ở Sài thành thì không thể đếm xuể vì đâu đâu cũng có với đặc điểm chung là đa dạng, phong phú, bình dân và hấp dẫn.

Điều đặc biệt và nổi trội ở các phố ẩm thực Sài Gòn không phải là các nguyên liệu quý, hiếm, mà lấy cảm hứng từ những bữa ăn hằng ngày của người Việt, đậm bản sắc văn hóa Việt. Đó là sự kết hợp các nguồn thực phẩm tự nhiên do chính tay con người tạo ra. Đặc biệt, sự kết hợp này tạo thành những món ăn đầy đủ dưỡng chất cùng với các loại gia vị làm cho món ăn Việt trở nên hài hòa nhưng sức lôi cuốn thì mạnh đến mức rất dễ “gây nghiện”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm