Nhẹ lắm, tết Sài Gòn

“Đất lành chim đậu”, câu nói này có lẽ đúng nhất khi dành cho mảnh đất Sài Gòn. Những người con xa quê, chọn Sài Gòn làm nơi mưu sinh, lập nghiệp nhiều vô kể. Thế rồi ở đấy bao nhiêu năm, có bao giờ họ tự hỏi đã đón được mấy cái tết với Sài Gòn?

Rồi có vô tâm không khi có người bỏ qua quá nhiều những ân tình của thành phố, hững hờ giải thích lý do không ở lại đón xuân: “Tết Sài Gòn buồn lắm!”.

Để tôi kể cho bạn nghe đôi ba câu chuyện Sài Gòn những ngày cuối năm, đầu năm. Những câu chuyện mà có lẽ những người mang tiếng ở Sài Gòn tới mấy chục năm nhưng nếu chưa bao giờ ở lại ăn tết với Sài Gòn thì sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được.

* * *

Sài Gòn những ngày cuối tháng Chạp…

Những ngày cuối tháng Chạp, Sài Gòn nhộn nhịp lắm. Nào shop, nào siêu thị, nào trung tâm thương mại thi nhau khuyến mãi, giảm giá khủng nhằm tống cho bằng hết những món hàng tồn. Thế là người người, nhà nhà rủ nhau đi mua sắm. Cứ như thế, Sài Gòn ngày đêm mất ngủ chỉ để phục vụ cho hàng vạn kẻ bán, hàng triệu người mua đồ tết.

Những ngày cuối tháng Chạp, Sài Gòn bận rộn lắm. Ai ai cũng muốn mau chóng làm cho hết những công việc dang dở để còn về đoàn viên với gia đình, họ hàng ở quê xa.

Những ngày cuối tháng Chạp, Sài Gòn tấp nập lắm. Người người hối hả, khệ nệ xách ba lô, túi xách, vali… ra sân bay, nhà ga, bến xe về quê đón tết. Những ngày này Sài Gòn có phần vội vã bởi những chuyến tàu, xe, máy bay cứ ngày đêm liên tục ra vào thành phố.

Tất cả cứ dồn dập như vậy, nên những ngày cuối tháng Chạp, Sài Gòn trở nên tất bật, mệt mỏi lắm!

Nhưng có ai biết rằng Sài Gòn ngày 30 tết hào phóng lắm. Đồ tết bán rẻ vô cùng, đủ chủng loại, đủ màu sắc. Người ta gọi là đồ đại hạ giá. Tất nhiên, những đồ “siêu rẻ” này cũng chỉ ưu tiên dành cho những người con chịu ở lại ăn tết với Sài Gòn.

Hồ Con Rùa, nơi thư giãn quen thuộc của người dân Sài Gòn. Ảnh: LMD

* * *

Sài Gòn những ngày đầu năm…

Sáng mùng 1 tết, Sài Gòn thanh bình lắm. Người người chẳng dậy sớm làm chi, cứ ngủ nướng tới khi bình minh thật tỏ. Mọi thứ thật an yên, chẳng vội vã, hấp tấp như thường ngày.

Ngoài kia, trên những con phố, hàng cây hiu hiu gió thổi mát rượi bởi chẳng có xe lớn cản gió, xe nhỏ chen nhau. Những góc phố được thảnh thơi nghỉ ngơi sau những ngày gánh hàng vạn bước chân người qua kẻ lại. Chẳng tiếng còi xe chói lỗ tai, chẳng động cơ xe máy, ô tô ầm ầm gầm suốt ngày đêm. Những ngọn xanh, ngọn đỏ nơi ngã tư đường cũng thư thả đếm ngược để người người nhường nhau trong không gian thênh thang phố xá.

Những ngày tết Sài Gòn nhẹ bẫng. Những con đường trong lòng thành phố không còn phải gồng mình nâng đỡ hàng ngàn bánh xe quay đều mỗi phút, mỗi giây. Những khu chợ không còn chật chội, náo nhiệt với người rao hàng, người hỏi mua, người trả giá…

* * *

Thường ngày có ai hiểu Sài Gòn phải giang vòng tay ôm hàng triệu đứa con tứ xứ - phải chăm lo, chiều theo tính từng đứa. Trong khi đứa thì ngủ sớm, đứa ngủ muộn, có đứa chẳng được ngủ mà phải tất bật mưu sinh cả đêm. Vì lẽ đó, Sài Gòn có bao giờ được nghỉ ngơi, có bao giờ được thảnh thơi.

Cho nên những ngày tết, Sài Gòn khỏe lắm. Giống như người mẹ tảo tần cả năm, đến một ngày những đứa con đi chơi xa, Sài Gòn được thể “xõa”.

Người ở Sài Gòn thường sẽ đi chùa vào ngày mùng 1 tết. Khung cảnh chùa thanh tịnh, người đi chùa thư thái lắm. Lộc chùa mang về là những cây lộc vàng hoặc một vòng hoa nhài trắng tinh khôi, thơm thoang thoảng.

* * *

Tết Sài Gòn đẹp lắm. Ai đã từng lang thang chạy xe máy khắp phố Sài Gòn trong những ngày tết? Thử đi. Rất thú vị, rất an yên và đủ để ngẫm về những chuyện đã qua hoặc những điều sẽ đến.

Bởi chỉ có những ngày tết, con người mới sống chậm lại và cảm nhận được những khoảnh khắc đẹp từ những điều giản dị ngay trong lòng thành phố.

Nhất là những buổi chiều mùa xuân, gió hơi se se, không lạnh, không nực, thời tiết chỉ đủ đẹp để khẽ chạm vào tim những người dành tình yêu cho mảnh đất yêu thương này.

Có ai đó trong một khoảnh khắc nào đó đứng ngây người ra ngắm những chiếc lá dầu bay bay trong chiều, xoay xoay trong gió? Khung cảnh rất quen thuộc của Sài Gòn mà sao đọng lại trong mắt và ngưng lại trong tâm nhiều điều đến vậy! Những ngày thường lá dầu bị dòng người, dòng xe hối hả bỏ quên và chẳng ai đủ thời gian nhận ra nó đẹp đến mức nào. Chỉ đến khi Sài Gòn nhẹ bẫng, lòng người sống chậm, đủ thời gian nhìn theo những chiếc lá rụng bay bay trong gió, người ta mới thấy Sài Gòn đẹp đến nao lòng.

Chiều tắt, thành phố lên đèn, cũng chỉ những ai chứng kiến sự chuyển giao giữa ngày và đêm ấy mới cảm nhận được Sài Gòn mỹ lệ lắm. Những tuyến phố Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Đồng Khởi… đều được trang điểm cho mình một lớp áo xuân đẹp lung linh, cứ đèn lên là sáng lấp lánh.

Tết Sài Gòn là vậy. Đẹp từ những điều giản dị cho đến những thứ hoa lệ nhất.

* * *

Tết Sài Gòn mang nhiều ý nghĩa văn hóa lắm. Sài Gòn rất khéo vẽ những bức tranh sống động về nét văn hóa truyền thống Việt Nam, những hoạt động văn hóa mà tưởng chừng chỉ xuất hiện ở tết xưa. Hỏi rằng ở đâu còn những ông đồ già bày mực Tàu, giấy đỏ viết dăm ba câu đối xuân? Hỏi rằng ở đâu có những con phố tết với loài hoa mai vàng rực rỡ đặc trưng của phương Nam? Hỏi rằng ở đâu có con đường hoa nổi tiếng với đầy đủ thông điệp tết của người Việt…

Nếu bạn chẳng tìm thấy được điều đó ở đâu, hãy đến Sài Gòn!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.