Nhớ cầu sắt Đa Kao

Anh Dũ, một người gốc Gia Định bảo tôi, cứ mỗi lần đi đâu đó, thấy cây gòn có những trái dài treo lủng lẳng là anh nhớ ngôi nhà cũ trên đường Bùi Hữu Nghĩa và nhớ nhiều là cái cầu sắt Đakao cách nhà vài chục mét. Đó là cây cầu sắt rất xưa, từ cuối thế kỷ 19 đã có, chạy băng qua rạch Thị Nghè để nối con đường Nguyễn Văn Giai phía quận 1 qua đường Bùi Hữu Nghĩa phía Bình Thạnh bây giờ. Nó cũ kỹ, rỉ sét, tồn tại cả trăm năm, ấp ủ tuổi thơ của anh từ hơn nửa thế kỷ trước.

Nhớ mấy lần sau tết Tây, má anh lại lục tủ lấy cái bao vải cũ đựng bông gòn ra. Trong năm, khi đến mùa, hàng cây gòn trồng dưới dạ cầu mé quận 1 bung ra rất nhiều bông gòn từ những trái dài treo lủng lẳng trên cành cao. Những buổi trưa đi học về, Dũ thơ thẩn nhặt những mụn gòn trắng ngà nhẹ và xốp rụng dưới đất, nhét vào túi nylon mang theo rồi lèn chặt trong cặp táp. Về nhà, trút ra bao lớn để dành. Gần tết, dọn dẹp nhà xong, má ngồi tỉ mỉ may một cái vỏ gối rồi nhồi gòn vào thật chặt. Bên ngoài, bà may thêm áo gối bằng vải carô. Tết đó, Dũ có cái gối mới thơm mùi gòn, dường như thơm cả mùi nắng, mùi gió và mùi nước dưới chân cầu.

Cầu sắt Đakao thỉnh thoảng về trong giấc mơ. Trong đó, chú bé Dũ lang thang từ nhà đi bộ qua cầu sắt, đi mua nước đá, bia chai trong cái depot dưới gốc cây xoài sát nhà ca sĩ Hoàng Oanh trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Có lúc Dũ đi xa hơn trên con đường đó, đi ngang qua ngôi biệt thự lớn có tường dài bao bọc của hai mẹ con nghệ sĩ Túy Hoa,Túy Phượng gần nhà thờ Thánh Mẫu để ra chợ Bà Chiểu. Đường Bùi Hữu Nghĩa, nối cầu sắt đến chợ Bà Chiểu chính là con đường đê chạy dọc theo rạch Thị Nghè.

Một góc cầu sắt Đa Kao trước khi được xây dựng lại. Tranh màu nước của Phạm Công Tâm.

Năm 1896, người Pháp làm đường sắt nối Sài Gòn - Gia Định - Gò Vấp. Đường sắt này bắt đầu từ chợ Sài Gòn (chợ cũ Hàm Nghi), ra đường Nguyễn Huệ bây giờ, vượt qua rạch Thị Nghè cặp ngang hông chợ Bà Chiểu để đến xã Hanh Thông, Gò Vấp. Cầu sắt Đakao và đường Bùi Hữu Nghĩa có đường sắt này đi qua, lúc Dũ còn nhỏ vẫn còn thấy dấu tích đường ray cũ ở phần cầu bên phải nhìn từ hướng chợ Đa Kao. Thực chất, cầu ghép lại từ hai cầu nhỏ, giữa có khoảng trống có rào thấp. Từ đầu thập niên 1960, tàu không còn chạy, người ta lát sàn gỗ chỗ đường ray cũ dành cho người đi bộ và cầu bên kia tráng nhựa dành cho xe máy, xe có động cơ như xe lam, xe than.

Một buổi sáng sớm, chú bé Dũ mới mười một tuổi được bà chị chở đi công việc. Đến nơi, chị giao chiếc xe đạp cho Dũ chạy về rồi đi học. Lên tới cầu, một chiếc xe lam ép Dũ vào sát hàng rào giữa. Xe đạp ngã xuống, chú bé Dũ văng qua hàng rào thấp, lọt vào khoảng trống giữa hai cầu và rơi xuống dòng rạch. Bà con ở bến đò trên bờ nghe tiếng nước dội ầm, la lên: “Thằng nhỏ té sông!”. Sáng hôm đó, trời lắc rắc mưa nên Dũ bận áo mưa. Chiếc áo xuống nước phồng lên, Dũ nổi phập phù, quơ tay bơi kiểu chó lần tới trụ cầu rồi trèo lên, tai loáng thoáng nghe người ta bàn tán: “Không sao, nó biết bơi”. Dũ lò dò tới dựng chiếc xe đạp dậy đạp về nhà, bỏ buổi học và mất luôn đôi dép dưới rạch.

Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của Dũ liên quan đến cái cầu sắt. Sống ở đây, cuộc sống của cả nhà gắn với chiếc cầu. Anh nhắc những buổi trưa nghỉ hè, đám con nít bỏ ngủ trưa đi lần về phía cầu với cái tháp canh cao nghều nghệu, leo lên mống cầu cao đến năm mét rồi nhảy xuống mặt nước cách mặt cầu cũng cỡ đó. Đứa thì co hai chân cho rớt cái ùm xuống, gọi là “nhảy bom”. Đứa nào nhát thì thả tùm người xuống nước. Dân cá độ thách nhau dám nhảy chúi đầu xuống, khiến đám con nít le lưỡi.

Khi ấy, nước rạch Thị Nghè trong veo, quăng đồng xu chìm dưới đáy còn thấy, còn có nhiều những con nhuyễn thể dài giống con giun bơi lăng quăng mà đám con nít gọi là con hà. Dũ còn nhỏ nên không dám leo lên tới mống cầu, chỉ đứng từ mặt cầu nhảy xuống. Những đứa con nít của năm tháng đó, với những lần nhảy cầu như vậy mà không đứa nào bị thủy thần kéo, kể cũng may.

Cuộc sống chung quanh cầu sắt coi vậy mà vui. Phía bên quận 1, khu Đa Kao, đầy những hàng quán ngon lành. Không có tiền nhiều, Dũ và anh chị em trong nhà lần ra phía chợ Bà Chiểu hay chợ Đa Kao ăn cháo đậu, bánh tráng kê, bò bía ngọt, bún tàu tôm khô, chuối nướng nước dừa… Hôm nào có tiền thì ăn bánh mì thịt của tiệm Bảy Quang, góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Văn Giai, những ổ bánh mì ngon tuyệt vì thịt quay ba rọi và nước xốt rất ngon, nóng vì ủ trên lò than.

Thập niên 1980, đoạn đường dưới chân cầu phía Bình Thạnh thành khu bán đồ lạc xon, bày đầy bù lon ốc vít được gỡ ra ở các bãi phế liệu. Họ mua theo ký, bán theo giá từng con ốc nên có lời, chợ càng phát triển. Đến giữa thập niên 1990, cầu sắt Đa Kao bị tháo dỡ hoàn toàn, tháp canh cũng không còn. Lúc đó Dũ đã hơn hai mươi tuổi, đi ngang nhìn thấy cây cầu xi măng mới xây rất thoáng đãng, không khỏi nhớ cái mống cầu cong cong từng muốn leo lên để nhảy xuống mà không dám. Cầu xây xong, tráng nhựa bằng phẳng, mang tên mới là cầu Bùi Hữu Nghĩa. Cái tên cầu sắt Đa Kao xem như bị khai tử.

Ngôi nhà của gia đình Dũ dưới dốc cầu vẫn còn giữ được đến ngày nay dù anh đã ra riêng. Hồi xưa, có vài người, trong đó có ca sĩ Từ Dung đến trọ trong nhà Dũ. Khách thuê nhà bảo nhau là sống ở khu này rất tiện, đi ăn ở chợ Đa Kao hay chợ Bà Chiểu đều có nơi bán món ngon như tiệm mì Hải Ký, tiệm cơm Vân Ký, được tha hồ ăn bún mắm, bún thịt nướng, bún thang, chè táo xọn. Có nhiều rạp hát gần đây như Văn Hoa Đa Kao, Casino Đa Kao, Đại Đồng, Huỳnh Long, Cao Đồng Hưng…, có nhiều đền chùa như chùa Ngọc Hoàng, đền Trần Hưng Đạo. Khu bình dân nhưng vui, có thể hưởng thụ nhiều thứ với giá vừa phải.

Có lần gần tết, Dũ đi thắp nhang chùa Ngọc Hoàng và về nhà thắp nhang cho ba. Đi ngang phía chân cầu bên quận 1, đối diện hàng gòn hồi xưa nay không còn nữa, có một cây ngũ trảo cao độ bốn mét, gốc nhỏ, nhiều nhánh xòe ra như bàn tay. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng anh ra đó xin chủ nhà hái một nắm lá để mang về nhà cho ba má xông lúc trời trở lạnh như bây giờ. Cây ngũ trảo giờ cũng không còn. Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.