Những thung lũng buồn thiu

Nhớ rồi, có một đặc tính “Sre” trên miền thượng mênh mông này. Cứ chỗ nào “Sre” thì mình hãy quay về. Thung lũng vẫn đầy ra đấy, giữa dăm bảy dải đồi, một hai trái núi là bao giờ cũng hình thành một bồn địa, có sình lầy. Nơi ở của người K’ho có truyền thống làm ruộng. Lấp sao cho được thung lũng, khi bao giờ phía trước và sau nó cũng là những vách núi cao ngất, mà núi thì không thể chuyển đi. Cấu trúc của đại ngàn bao giờ cũng gồm rừng cây, núi, suối, sông và đầm lầy mà.

Nhưng tìm nó thế nào đây giữa bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, cây công nghiệp thế này, dù biết chắc là cà phê cũng đã bò xuống tới vực sâu, chạm sát cả vào những lỗ rốn này.

Nụ cười của người dân vùng thung lũng bên lúa chín vàng. Ảnh: SHU

Gia đình người dân thu hoạch lúa. Ảnh: SHU

“Tôi” là người... “Sre”

Và cao nguyên Djrềng (Di Linh) đây rồi. “Miền Sre” đây rồi. Nhưng khó quá, dải đồi nào cũng mất hút chỉ dấu nguyên sinh. Tôi len lỏi trong màu xanh mới đó để tìm màu xanh cũ. Màu xanh mới (cà phê) cho thế nhân sự khá giả, nhưng màu xanh cũ thì cho văn hóa, hồn cốt sơn nguyên, về một nền văn minh. Nhưng sao tôi quần đảo mãi khắp các dải đồi núi cũ thế này mà không bắt gặp những thung lũng thân thiết kia chứ. Màu cà phê làm “phẳng”, mờ đi tất cả. Vẫn cao nguyên Djrềng đó thôi, bao ngọn núi, muôn vạn ngọn đồi quen thuộc mà sao ta bơ phờ thế. Tìm cho ra những đầm lầy mà như đi tìm sơn nguyên, hồn cốt của xứ sở Kirata (người Chăm gọi miền Thượng là thế). Giữa ba đào biến đổi này tôi muốn hét lên: “Hồn thiêng rừng núi đâu rồi!?”.

Và tôi đã hét, hét như một kẻ điên giữa gió lộng không người, như một thằng vong bản, như một kẻ lạc thời. Những bòn Ka La, Dong do, Ka Ming, K’long Trao, Bobla, Liang Dăm, Da Jrah, Drah S’Lung, Drah Mur, Drah Tô, Kơ Nul... đã thay tên bằng số, thành “thôn” 1, 2, 3, 4, 5... Đến cái vỏ âm thanh thôi, tên làng quê, mà còn phải hắt hiu phai úa, chung cuộc. Một hai cái cây cổ thụ người ta hay chừa lại bên các ngọn đồi lớn giờ cũng đi đâu mất rồi, mà thường từ chỗ đấy đi xuống tít dưới cùng sẽ gặp vùng trũng sình hoặc một con suối lớn cùng chỏm rừng cây lá rộng bao quanh. Mà thổ dân K’ho Sre vẫn đi lại trên các đường núi, vẫn gùi trên lưng và ánh mắt vẫn thuộc nhân chủng Australoid nhìn là nhận ra liền kia kìa. Thì thôi, cứ hỏi bà con: “Anih Pơ Sre bòn?” (ruộng của làng ở đâu?). Thổ dân bảo đi qua hướng mấy ngọn đồi cà phê phía bên kia mới nhìn thấy nó, bởi vị trí này đất đai đã cắt bán và nhà cửa đã mọc lên che chắn, không gian đã đổi dạng. Thì cứ đi, xưa bao rừng thẳm sâu, mấy núi xa còn trèo tìm ra. Chao ôi, bồn địa dưới chân núi Nh’oanh có bon Tô, Djráh Mur, S’Lung. Thung lũng Sre Kơlào xanh màu lá mạ là đang ở kia. Từ trên đồi cao nhìn xuống, chỗ nào cũng lại vướng bởi cà phê, đến độ ống kính máy ảnh như cứ muốn kêu gào.

Tôi đi trên mảnh ruộng núi của tha nhân mà lòng rưng rưng.

Nhìn những chỏm xanh màu lá mạ bé tẹo dưới xa xa mà ngỡ như tim đại ngàn còn cố đập trong cơn lâm sàng của bệnh phổi ở giai đoạn cuối trên một sinh thể núi non.

Thương gì đâu, bà con sơn nguyên cũng còn có chỗ ấy để tung tăng với nền văn minh thảo mộc của mình. Những ngày dài của sáu tháng mùa mưa đã khiến cho những chỏm xanh kia bật lên, thay cho màu trắng tàn thiêu bởi mùa khô vừa qua. Những khe suối đổ về thung lũng đã giúp những mảnh ruộng cơ hội để tồn tại, khi bà con chia những mảng sình đó ra thành từng mảnh ruộng cho mỗi hộ và dẫn nguồn nước ấy vào ruộng. “Sre” đã ra đời từ đó, từ rất xa xưa và định danh luôn cho một cộng đồng sơn nguyên với truyền thống sống bằng nghề ruộng sình, trồng lúa nước.

Và thế là những mùa mưa sau đó, tôi biết quy luật cứ dùng miệng sẽ “tìm” ra được Sre, dù nó bị phủ bóng hoàn toàn cây trồng “thời đại” (cà phê). Vậy là những thung lũng sình cuối cùng đi vào lịch trình “hành hương” của mình. Nào, Sre Ù, Dà lik ở xã Tam Bố; Sre bóklòt, Sre k’long bẹ, Sre dạ yàng ở xã Tân Nghĩa; Sre rơđừng, Sre gơkrơh, Sre tôkrềng ở xã Bảo Thuận; Sre Mpền, Tắc tồr ở xã Tân Châu; Brụi ở xã Đinh Trang Hòa… Từ tháng sáu đổ đi bà con đón nước vào các mảnh ruộng. Và sau ba đến sáu tháng, cái lõi thung lũng xanh màu lá mạ kia chuyển sang vàng, tùy giống lúa ưng ý ở mỗi hộ thì vào cuộc thu hoạch. Cách thức canh tác vẫn nguyên si xưa, nền nông nghiệp sinh thái, rất đơn sơ, không bị hóa chất tác động vào. Năng suất vẫn cao là nhờ chính dinh dưỡng từ thảm thực bì phân hủy trong rừng và khoáng chất vi lượng trên núi chảy dồn xuống thung lũng. Chẳng có kỹ nghệ phân bón và thuốc trừ sâu nào “tiên tiến”, “thông minh” và “an toàn” hơn cho sức khỏe con người bằng hạt gạo trong lành như thế này.

Giờ ai cũng có rẫy cà phê, nhưng nhất định nhà nào cũng có một mảnh ruộng dưới đó. Họ coi trọng mảnh ruộng bé con kia lắm và quý hạt gạo từ thung lũng núi non, tâm lý rất đơn sơ cho rằng “phải đảm bảo cái ăn”. Nên rẫy thì khắp nơi bán cho người Kinh mới đến, còn mảnh ruộng này khó mà mua của họ được. Nghĩa là các thung lũng, bàu nước, mảng sình lầy ven sông, ven suối, hồ thiên nhiên là sự sống và tinh thần của họ; nó quý như báu vật của rừng núi. Họ hay chuyện trò với nhau về cái “Sre” của mình hơn là cái rẫy cà phê. Sre đúng nghĩa là giọt máu, hơi thở của mỗi “hìu”(nhà/hộ). Không gian sống của nhóm sắc tộc K’ho Sre này đổ từ quanh dãy núi Brah Yàng của cao nguyên Djrềng xuống đến con sông nhỏ Dà R’na của cao nguyên B’lao (Bảo Lộc) và len lỏi ẩn sinh đây đó trong những cánh rừng, dải núi xa khác nữa ở Nam Tây Nguyên này. Họ khác những nhóm K’ho thích trên cao chuyên canh nương rẫy như K’ho Cil, K’ho Nộp, K’ho Kdòn, K’ho T’ring và K’ho Lat (ở Đà Lạt) ở chỗ họ chuyên tâm làm ruộng thế đấy, dù ngôn ngữ chung hệ Môn-Khmer.

Thi thoảng nhìn thấy một thung lũng có chỏm màu xanh lá mạ cứ như gặp lại tình nhân vậy đó, “loài tình nhân” mà vật đổi sao dời vẫn thủy chung ở đấy đợi, chấp nhận chết già chết mòn.

Lúa nước “chấm” rừng

Lễ cúng lúa mới cũng từ đó mà ra. Và một chuỗi lễ hội khác nữa của nền văn minh thảo mộc ấy diễn ra trong quá trình canh tác thứ cây sống dưới sình này, kòi. Và bây giờ cho dù cây cà phê đã bao trùm tất cả, thế chỗ tinh thần gần như toàn bộ đời sống sinh hoạt của người sơn nguyên nhưng sắc dân này vẫn còn làm nghi lễ này, mỗi năm một lần, sau vụ thu hoạch.

Rằng sơn nguyên có nền văn minh lúa nước từ lâu đời lắm lắm rồi và rất riêng của họ, không đụng hàng với ai cả ở Đông Nam Á này. Cái văn minh lúa nước sinh ra từ rừng chứ không phải từ châu thổ hạ nguồn các dòng sông. Họ cúng yàng (thần), cúng núi, cúng rừng, chứ không cúng trời, sông nước, châu thổ hay tổ tiên và mùa màng cũng chia ra theo quy luật của núi rừng, theo hai mùa mưa, khô. Thổ dân nơi đây tôn thờ thần mặt trời, thần rừng, thần núi, thần sông, thần đất và thần mặt trăng, nghĩa là khác hoàn toàn cư dân lúa nước các vùng ở Đông Nam Á tập trung vào mặt trăng để tính mùa trong chu trình sinh hoạt nông nghiệp.

Các giống lúa đặc sắc của núi là Kòi Me, Kòi Ke, Kòi Phàng, Kòi M’bar. Vật chủ Sérê cũng là thần, nên dĩ nhiên hạt gạo đó là thần, quà tặng của yàng. Vị thần đó gọi là N’du Yàng kòi. Trước khi mang vị thần kia về nhà phải cúng xin rừng núi cho được mang về rồi mới dám mang. Lúa cúng phải được đựng trong chiếc gùi chứ không phải thúng, mủng, bao như người Kinh hạ nguồn. Sau khi xong tất cả mùa màng thì làm lễ Nhô Lềr bong và Nhô sa rơpu để chính thức mừng lúa mới, đây cũng chính là tết của họ. Hiến tế thịt trâu, dê, heo, gà, vịt để “liên thông” được với thần này. Cũng như trước ấy nhiều tháng, khi chuẩn bị vào mùa đánh thức thung lũng dậy, họ làm lễ cầu mưa mong có nước để sạ thì giờ cúng ruộng khi cây lúa đã cho hạt thế này, cúng ngay tại ruộng chứ không phải ở trong nhà, giữa trời đất như thế.

Kỳ diệu là không có lời cúng nào mà không nhắc tới rừng và bao giờ cũng có câu “xin cho núi rừng yên ổn”. Rừng đẻ ra tất cả mà, tất cả đều “dưới” rừng. Bởi vậy mà gạo núi ngoài nuôi gia đình, nó còn có giá trị bảo chứng, dùng làm công cụ để giao thương, trao đổi những phẩm vật khác, mà không phải là ngà voi, sừng tê, chiêng ché, đá quý, vàng bạc và chẳng nhất thiết phải tiền. Nghĩa là mọi thứ hướng về đại ngàn, nghiêng về với rừng núi. Không nghi ngờ gì nữa, đích thị là nền văn minh “lúa rừng”.

Quy luật trên dương gian này là ở đâu không biết tôn kính những gì siêu nhiên, thần linh, trời xanh thì người ta không còn biết sợ cái gì cả, sẽ tham tàn, hung ác tuyệt đối và đời sống tinh thần thâm sâu chân chính sẽ nghèo tàn đi.

Chỉ còn những thung lũng lúa nước kia nữa thôi, nền văn minh rừng à!

Đang làm lễ vọng cúng tạ ơn thần Kòi (lúa). Ảnh: Ndong Brùm

Thổ dân K’ho Sre chuẩn bị lễ cúng thần lúa N’du Yàng kòi để sau đó là ăn tết Nhô Lềr bong bên ruộng giữa trời. Ảnh: Ndong Brùm

Cuộc sống của người dân vùng thung lũng.  Ảnh: SHU

Khe sâu gọi tên người

Những sắc dân bản địa trên khắp cao nguyên làm lúa rẫy đã gần như khép lại nền văn minh nương rẫy đó rồi. Rẫy cà phê, cao su, tiêu, điều, mắc ca... đã thế chỗ không gian. Sơn nhân thì đâu có thể đánh cồng chiêng trên những thứ cây trồng đó và cũng không thể hát sử thi ở đó. Văn hóa, văn minh hình thành qua hành trình lao động, sản xuất, sinh hoạt trên cái không gian của nó và phải trải qua bằng nghìn năm. Cây cà phê, tiêu, điều mang đến sự khá giả hơn về của cải, vật chất. Nhưng đời sống tinh thần thì không còn chỗ bám, một nền văn minh mới thì chưa hình thành, như nền văn minh rừng đã từng hiện hữu.

Mọi lễ hội đã biến mất theo sự biến mất của “không gian rừng”. UNESCO rất tinh tế khi công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chứ không phải cái cồng, cái chiêng với tư cách một nhạc cụ. Cồng chiêng chỉ còn là cái xác.

Những tờm lơng (thung lũng) vật vờ của tôi cũng bị ngập trong biết bao nhiêu lòng hồ thủy điện. Và bao con suối để chảy qua các thung lũng, đầm lầy đó cũng đã bị người ta đoạn ra để cất lên những thủy điện nhỏ, khu nghỉ dưỡng mang danh sinh thái,... rồi gán cho đó là “văn minh”, dù sơn nhân ngỡ ngàng và thấy xa lạ.

Những mảng ruộng sình này còn là cõi sống của con ếch, con cá, con cua, con ốc, con chạch, con lươn thượng nguồn. Lâu nay dân núi vẫn còn bắt chúng về để nấu đúng những món ăn truyền thống mình ưa thích. Thế mà mùa mưa vừa rồi họ bảo sinh vật dưới ruộng giờ khan hiếm lắm, mùa có mùa không, nhiều loài đã biến mất. Thú trong rừng đã hết không gian sinh tồn từ lâu, giờ đến sinh vật bậc thấp hơn và côn trùng.

Những người bạn K’ho ở bòn Ka Ming hứa một mùa nào đấy ruộng xuất hiện trở lại các loài nhiều sẽ kéo tôi về để cùng đi bắt, cho biết cái “hồn của Sre” đủ đầy. Thì chờ, nhưng chờ đến kỷ nguyên nào thì không biết nữa. Giờ là kỷ nguyên suối khe rừng thành suối khe rẫy, nước từ rễ cà phê chứ không phải rễ cây rừng nhiệt đới, nên các thung lũng thường ngầu đục chứ không trong lành như buổi nào. Biết ơn hạt gạo đồng bằng nay đã tràn ngập các bòn heo hút, nhưng thương hạt gạo núi. May mà thổ dân vẫn còn cứ quý hạt gạo ở thung lũng máu thịt, nên cơ hội cuối cùng cho cây nêu, những điệu gian dao, mùi rượu cần và tiếng chiêng nữa vẫn còn thoi thóp đây đó.

Thời đại của lụi tàn và hủy diệt, diệt đến từng tế bào của rừng. Tôi an ủi mình là cứ thử để những đầm lầy, mảnh sình tội nghiệp ấy của thổ dân và nền văn minh rừng Tây Nguyên chống chọi được thêm bao mùa nữa. Rằng sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng - tâm linh ruộng đồng, nói rõ luôn là nền văn minh lúa nước của người Việt ở đồng bằng sông Hồng, cũng như châu thổ sông Cửu Long đã chết rồi, ở đó chỉ còn nền sản xuất lúa gạo với tư cách một hàng hóa.

Miền thượng tôi vẫn còn thế đó. Dù biết xưa các “Sre” luôn được bao bọc, che chở bao quanh bởi cây rừng, giờ nó bị lột hết ra; nhưng thế với tôi vẫn còn là chút kỷ dấu, cho đỡ quên thời vàng son, đỡ nhớ rừng.

“Sre”, nốt lặng huyền ảo của rừng xưa!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.