Quán cà phê ‘chảnh’ nhất Sài Gòn

Một ngày lướt Facebook, tôi bỗng thấy một tấm ảnh Sài Gòn cực chill, cực chất được chụp từ cửa sổ một quán cà phê cạnh nhà thờ Đức Bà. Ngay lập tức, tôi inbox hỏi thăm địa chỉ thì nhận được khuyến cáo rất sốc: Muốn tới quán phải đặt lịch trước ít nhất hai tuần! Thời đại 4.0, quán cà phê nhan nhản khắp phố phường mà vẫn còn cái kiểu phải đặt bàn trước nửa tháng, nghe thật khó chịu.

Tới quán phải thuộc nội quy

Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, tôi quyết định… muối mặt đặt lịch ghé quán. Tôi thực sự tò mò về quán cà phê này, không biết nó có gì mà bao người phải chờ đợi cả nửa tháng trời mới được ghé.

Trước ngày hẹn một ngày, nhân viên quán cà phê Người Tám Chuyện House liên lạc với tôi để check thông tin. Nghe phổ biến nội quy quán, tôi lại sốc tập hai. Bằng một giọng nhẹ nhàng, chị nhân viên lý giải, quán cà phê nằm trong khu tập thể cũ nên khách ghé thăm quán phải tuân thủ một số quy định như không được quay phim, chụp ảnh và không nhìn ngó vào nhà người dân. Khách cũng không được lớn tiếng, phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên.

Chưa hết, khách muốn uống gì cũng phải đặt trước một ngày để quán chuẩn bị. Ôi trời, khách chỉ lèo tèo vài người mà cũng phải đặt trước đồ uống, thật không thể chịu nổi. Tôi bèn sẵng giọng hỏi vậy món ngon nhất của quán là gì và tôi muốn dùng món đó. Xong tắt máy cái rụp!

Ngày tới quán, không nén được nỗi ấm ức, tôi hỏi thẳng chủ quán: “Có ai nói nhà mình chảnh chưa?”. Anh chủ quán cười giòn tan cho hay không ít khách phản hồi quán chảnh từ khâu đặt bàn, không gian và cách thưởng thức. Song thực chất, quán nhỏ chỉ đủ kê ba bàn, kèm theo khung giờ hạn chế nên mỗi ngày chỉ đón được tối đa 24 khách (6 người/2giờ). Việc giới hạn số lượng khách là để quán có thể phục vụ tốt nhất và không làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Nơi lưu giữ bình yên

Người Tám Chuyện House được mở trong một xóm nhỏ đậm chất Sài Gòn xưa. Nơi đây có những gia đình sống đến bốn thế hệ, gắn bó gần như trọn đời với chung cư Katinat gần 100 tuổi. Do đó, anh chủ quán muốn giữ lại mọi thứ bình yên thuộc về nơi này. Khách tới quán được coi như những vị khách tới thăm nhà, cần thông báo (đặt bàn) trước để gia chủ đón tiếp được chu đáo. Nghe anh chủ quán đẹp trai tỉ tê, suy nghĩ của tôi về quán cà phê chảnh này bỗng thay đổi 180 độ.

Để tới quán, khách phải len lỏi giữa những căn nhà trong khu tập thể cũ kỹ. Sau đó, leo bộ năm tầng lầu hoặc trải nghiệm thang máy cơ cũ kỹ, rồi tiếp tục đi qua những căn nhà tập thể. Tất nhiên, như nội quy đã phổ biến, khách phải đi nhẹ, nói khẽ và tuyệt đối không chụp ảnh. Đừng khó chịu! Nếu là cư dân ở đó, bạn có muốn người lạ ngày ngày đi qua nhà, chụp ảnh đời sống của bạn rồi đưa lên mạng không?

Gọi là quán cà phê cho oai, thực ra Người Tám Chuyện House chỉ là một căn phòng rộng chưa tới 18 m2 với lối thiết kế cũ kỹ, đậm chất cổ điển. Cho bạn dễ hình dung, đó là căn phòng gác mái nằm chót vót trên cao, thỏa sức đón gió và nắng vào nhà. Nhưng điểm thu hút nhất của quán chính là khung cửa sổ nhìn thẳng ra nhà thờ Đức Bà. Đó là lý do vì sao bao nhiêu bạn trẻ Sài Gòn mong muốn tới check in quán cho bằng được.

Từ ba khung cửa sổ, khách uống cà phê có thể thưởng thức Sài Gòn với nhiều sắc thái khác nhau. Một khung là hình ảnh Sài Gòn xưa cũ trong ký ức với nhà thờ Đức Bà và tòa nhà Bưu điện TP yên bình. Khung cửa số kế bên lại mang một sắc thái hoàn toàn khác, vẫn ôm trọn nhà thờ Đức Bà song không khí lại tấp nập hơn bởi trước mặt là con đường Đồng Khởi đông người qua lại. Khung cửa sổ cuối cùng mang đến cho bạn duy nhất một nhà thờ Đức Bà với thiết kế kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa lịch sử và tôn giáo sâu sắc.

Phía sau ba khung cửa sổ là ba chiếc bàn mang phong cách cổ xưa. Khách tới quán thường đều thủ thỉ trò chuyện hoặc trầm tư nhìn ngắm một Sài Gòn bình yên. Không gian yên tĩnh đến kỳ lạ, tới mức khách có cảm giác nghe rõ được cả hơi thở của người đối diện.

Trà mộng mơ, người mơ mộng

Tôi thắc mắc về lý do phải đặt trước đồ uống. Anh chủ quán lý giải rằng đó là để quý khách có thể thưởng thức món Trà Mộng Mơ, một đặc sản của quán. Muốn pha Trà Mộng Mơ, người chế phải hãm nhiệt trước 8 giờ đồng hồ để mang đến vị ngọt tự nhiên từ những nguyên liệu thực dưỡng. Do đó, để đảm bảo chất lượng và bảo quản trà cho tốt, quán chỉ bán với số lượng giới hạn là bốn set/ngày, còn những đồ uống khác vẫn phục vụ bình thường.

Mai Phương, một vị khách cũng đặt bàn trước vì tò mò giống tôi, vừa chỉ ra cửa sổ vừa nói: Khung cảnh thật lãng mạn. Tới quán mình cảm nhận được sự an yên, bỏ lại sau lưng những nỗi lo toan tất bật hằng ngày và còn được thưởng thức ly trà đặc biệt của quán. “Ước gì quán cà phê này của riêng mình, để mỗi sáng có thể bình yên ngồi thưởng thức tách trà ấm, có vị ngọt hậu. Hoặc ít nhất mình có thể ngồi thở dài sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi” - Mai Phương thốt lên.

Thế đấy, từ chỗ gieo vào lòng khách một ấn tượng không mấy thân thiện ban đầu, Người Tám Chuyện House lại nhanh chóng trở thành nơi khiến bạn có thể cùng nhau thủ thỉ mọi câu chuyện vui buồn hay lặng thinh ngắm Sài Gòn đầy bình yên.

* * *

Chảnh chưa hẳn là xấu và những người khách từng ghé quán đều tha thiết mong quán hãy luôn luôn chảnh. Bởi chỉ khi giữ được nét yên bình như hiện nay, Người Tám Chuyện House mới tiếp tục mang lại cho khách những hương vị ngọt ngào giữa cuộc đời tấp nập.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.