Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking là loại hình du lịch không còn lạ lẫm đối với người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ. Tò mò muốn tìm hiểu trekking là gì, sau một thời gian siêng năng rèn thể lực, tôi mạnh dạn đăng ký tham dự một chuyến trekking vào cuối năm 2020.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ chinh phục “nóc nhà” Tây Nguyên - đỉnh núi Bidoup với độ cao 2.278 m. Nhưng thời điểm ấy, cơn bão số 13 áp sát đất liền nên Ban quản lý Vườn quốc gia thông báo cho các công ty du lịch tạm ngưng đón khách. Tour guide (hướng dẫn viên) bèn quyết định chuyển hướng qua cung Tà Năng - Phan Dũng (cung đường thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận). Đây cũng là một trong những cung đường trekking có tiếng đẹp nhất Việt Nam, được nhiều bạn trẻ chọn lựa.

Món khai vị: Chinh phục con dốc “ná thở”

Đoàn chúng tôi gồm 12 người và hai hướng dẫn viên xuất phát từ TP.HCM khoảng 21 giờ. Một đêm yên giấc trên xe giường nằm, 4 giờ sáng chúng tôi tới địa phận xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

Ăn sáng xong, một chiếc xe 16 chỗ đưa chúng tôi đến bìa rừng để chuẩn bị khởi hành. Vừa bước xuống xe, hướng dẫn viên liền phổ biến những quy tắc trekking cơ bản để đảm bảo an toàn cho chuyến đi. Đáng chú ý nhất là mỗi người đều phải nối đuôi nhau, tuyệt nhiên không được vượt người dẫn đầu và cũng không được đi sau người chốt đoàn. Đặc biệt, hướng dẫn viên dặn dò rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường để giữ gìn Tà Năng - Phan Dũng mãi là cung đường xanh.

Dù đã sát bìa rừng nhưng đoàn chúng tôi phải băng qua một cánh đồng nhỏ của người Churu mới tiếp cận được màu xanh của rừng núi. Giờ đây, chúng tôi đã chính thức rời xa khói bụi của phố thị, rời xa những nhà cao tầng, rời xa sóng điện thoại để từng bước, từng bước chinh phục đỉnh Tà Năng - Phan Dũng.

Trên những con đường đi qua, chúng tôi ai cũng ngạc nhiên bởi vẻ đẹp đa dạng của núi rừng nơi đây. Những đồi thông ba lá hun hút cùng tiếng thông reo trong gió tạo nên một khung cảnh lãng mạn ít ai ngờ.

Vượt qua đồi thông, chúng tôi bắt gặp một con suối nhỏ và những con dốc nối tiếp nhau xa xa. Hướng dẫn viên giới thiệu đây là những con dốc “ná thở”. Ná thở ư? Khi đứng ở chân núi quan sát con dốc trước mặt, cả đoàn ai cũng mỉm cười, nghĩ rằng với sức trẻ của mình thì “bao nhiêu đây nhằm nhò gì”.

Leo được một đoạn, chúng tôi mới cảm nhận được thế nào là “ná thở” bởi con dốc cứ dài mãi chưa chịu dừng. Dốc này nối tiếp dốc khác. Lúc này chiếc gậy trong tay mới phát huy tác dụng. Không có nó hỗ trợ đắc lực cho đôi chân để đẩy thân mình lên, chắc tôi chỉ còn nước bò lên dốc mất!

Đồi hai cây thông, nơi cắm trại lý tưởng cho dân leo núi.

Nét đẹp nơi rừng thiêng

Từng con dốc “ná thở” được chúng tôi lần lượt chinh phục. Cứ sau mỗi con dốc, thiên nhiên lại hào phóng tặng cho chúng tôi những phần thưởng ý nghĩa. Phần thưởng đầu tiên là một khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh. Đó là một thảo nguyên xanh mát, tươi mơn mởn và trải dài tưởng như bất tận. Bầu không khí trong lành của cao nguyên và những cơn gió mát mẻ lồng lộng làm chúng tôi có thêm động lực để chinh phục những thử thách tiếp theo.

Đứng từ đồi trọc Tà Năng, phóng tầm mắt có thể thấy khu vực giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Anh hướng dẫn viên giới thiệu cho chúng tôi hiểu thêm về khí hậu khắc nghiệt nơi đây. Cùng một thời điểm, trong khi quả núi này nắng như thiêu như đốt thì vạt rừng bên kia bị cái lạnh buốt khó tả bao phủ. Cũng vì thời tiết “dị” như thế mà phía đằng xa xa chỉ có những đồi trọc. Tuy nhiên, đồi trọc cũng có nét đẹp của nó khi màu xanh mướt của cỏ bao phủ lấy ngọn đồi. Vào mùa nắng, mọi người cũng sẽ cảm nhận được nét lạ của con đường cỏ cháy mà dân leo núi hay truyền tai nhau. Đây cũng là một trong những điểm check in được nhiều bạn trẻ thích thú.

Đi trên cung đường này, tôi cảm nhận được sự thay đổi thú vị của thảm thực vật. Hết những đồi thông, đồi cỏ trọc chúng tôi đi đến những cánh đồng cỏ lau, những cây cao rợp bóng mát, hòa theo đó là tiếng chim ca líu lo và tiếng suối chảy róc rách. Đặc biệt là chúng tôi thấy rõ sự thay đổi của những đồi trúc, lúc màu xanh sẫm lá nhỏ, lúc màu xanh lam hút mắt. Chốc chốc tôi lại được thiên nhiên ban tặng một vài niềm vui nho nhỏ với những cây nắp ấm bên đường hay một bông hoa dại đẹp lạ kỳ. Gần cuối hành trình, mọi người còn tha hồ hái những đọt rau tàu bay (hay còn gọi là cây kim thất) để bữa cơm chiều có món rau xào tỏi hấp dẫn.

Đồi trọc Tà Năng, nơi ngắm nhìn được ba tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Chuyến đi này tôi cũng lần đầu tiên biết tới những “siêu xe” của các anh chàng miền núi. Chiếc xe khá hầm hố, máy nổ oành oành nhưng nếu không dựa vào những đôi chân khỏe khoắn, từng trải của bác tài thì còn lâu mới có thể lên được những con dốc “ná thở”. Nhờ có các anh mà bữa trưa, bữa tối của chúng tôi cũng trở nên hấp dẫn và đầy đủ dinh dưỡng hơn. Các món heo, gà rừng nướng, bánh cuốn kèm chả, khoai nướng, bắp luộc... nhanh chóng biến mất trong bao tử của hơn chục con người đang mệt phờ. Sau bữa cơm, những hạt sương đêm bắt đầu rơi xuống, cái lạnh khiến người trong đoàn xích lại gần nhau hơn. Giấc ngủ đến thật ngon, mặc cho cái lạnh ngày càng sà thấm nhanh vào các túp lều vải.

Chả mấy chốc trời cũng tờ mờ sáng, dù chưa nhìn thấy rõ mặt người nhưng chúng tôi cũng vội vàng kéo mình rời khỏi túp lều nhỏ để cùng ngắm bình minh và săn mây trời. Những đám mây là là ngay trước mặt, giơ tay ra là có thể chạm được. Và khi những tia nắng mặt trời bắt đầu xuất hiện cũng là lúc mây kéo nhau về điểm tựa trên những ngọn núi cao hơn. Thăm thẳm xa có thể thấy tầng tầng lớp lớp những ngọn núi cao thấp nơi rừng thiêng Tây Nguyên. Cảm giác như mình đang lạc vào thiên đường vậy!

Chuyến hành trình hai ngày một đêm vèo cái đã kết thúc. Đoạn đường di chuyển hóa ra chỉ khoảng 35 km, cũng không quá vất vả như tưởng tượng nhưng quả là một kỷ niệm khó phai với các thành viên trong đoàn.

* * *

Sau lần thử sức đầu tiên thành công, tôi đặt mục tiêu chinh phục nhiều cung đường trekking khác của Việt Nam như tour Cực Đông, thác K50, đỉnh Ngọc Linh, đỉnh Bidoup… Xa hơn nữa là Hang Én (Quảng Bình), Tả Liên Sơn (Lai Châu), núi Lảo Thần (Lào Cai).

Chẳng cần phải đi đâu xa xôi, Việt Nam còn nhiều lắm những cung đường tuyệt diệu để cho dân du lịch khám phá và trải nghiệm. Khi chán cuộc sống bộn bề nơi phố thị, có lẽ bạn cũng nên thử thách tuổi trẻ của mình bằng một cung đường trekking đầy dấu ấn!

Hành trình trở thành leader trekking bán chuyên

Hành trình chinh phục Tà Năng - Phan Dũng giúp tôi bén duyên với treckking và tôi quyết định tìm hiểu sâu về lĩnh vực này. “Sở dĩ gọi là bán chuyên vì hiện tại Việt Nam mình chưa có trường nào đào tạo chuyên về lĩnh vực trekking (leo núi) hay hiking (đi bộ đường dài)”. Đó là chia sẻ của Tú Mỡ (tên thật là Võ Hữu Minh Tú) - leader đình đám trong lĩnh vực trekking. Tên gọi này có được là bởi anh chàng leader này càng đi trekking càng... mập.

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng ảnh 3
Con dốc “ná thở” đầu tiên của chuyến tour cho lữ khách cảm nhận.

Thời điểm bắt đầu tập tành đi phượt, trekking từ những năm 2015, Tú Mỡ cứ thích ở đâu là chạy đến đó. Đầu tiên Tú leo các đỉnh núi gần như Bà Đen, Chứa Chan (Gia Lào)…, rồi tham gia các tour phượt bằng xe máy cho đến khi “nghiện” lúc nào không hay. Từ đó, chàng trai 9x bắt đầu làm leader, bỏ cả công việc với mức thu nhập ổn định.

“Phương châm của mình là đi cùng nhau về cùng nhau - kết nối mọi người lại gần nhau hơn - mang thiên nhiên trở về gần hơn với chúng ta và cùng nhau trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực” - Tú Mỡ chia sẻ.

Từ tâm huyết đó, Tú tạo ra thương hiệu Mintour Trekking do mình làm chủ để làm nơi giao lưu và kết nối mọi người cùng nhau tham gia. Được sống trọn với đam mê, Tú luôn cố gắng tạo thêm nhiều tour lạ, phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tour mang nhiều trải nghiệm đến với mọi người hơn.

Với Mintour Trekking, một mình Tú vừa làm “cu li”, sales, porter, hướng dẫn viên và kiêm luôn… giám đốc,  vất vả nhưng Tú đã gầy dựng được Mintour Trekking trở thành nơi tin cậy để các bạn trẻ gửi gắm đam mê chinh phục thử thách của mình. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.