Y án với ông Vươn, ông Quý

Sau hai ngày xét xử, chiều 30-7, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm năm năm tù đối với bị cáo Đoàn Văn Vươn, năm năm tù đối với Đoàn Văn Quý (em trai ông Vươn) cùng về tội giết người. Tương tự, tòa cũng bác kháng cáo và tuyên 15 tháng tù treo đối với Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và 18 tháng tù treo đối với Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) cùng về tội chống người thi hành công vụ.

Hai bị cáo Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ (anh và cháu ông Vươn) được tòa giảm án lần lượt chín tháng và năm tháng tù so với án sơ thẩm (sơ thẩm phạt ông Sịnh 42 tháng tù, Vệ hai năm tù).

“Không chết người là nằm ngoài ý muốn”

Theo HĐXX, các bị cáo kháng cáo cho rằng không phạm tội giết người, chống người thi hành công vụ là không có cơ sở. Tại tòa, bị cáo Vươn thừa nhận khi biết được việc cưỡng chế đã báo cho các bị cáo khác là “phải chuyển vụ án từ hành chính sang hình sự”. Sau đó, các bị cáo đã chuẩn bị mìn tự tạo, bình gas, xăng, súng bắn đạn hoa cải để chống lại lực lượng cưỡng chế. Bị cáo Báu và Thương cũng đã tham gia làm rào, mua xăng, rải rơm để bảo vệ tài sản của gia đình.

Y án với ông Vươn, ông Quý ảnh 1

Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: TTXVN

Sáng 5-1-2012, khi thấy lực lượng cưỡng chế đi vào kêu loa gọi mở cửa, Quý đã trực tiếp kích nổ mìn, sau đó nổ súng làm bảy người bị thương. Mặc dù tại tòa các bị cáo khai chỉ sử dụng đạn 2,5-3,5 mm nhưng HĐXX cho rằng chứng cứ thu giữ tại hiện trường cho thấy có cả đạn 8,5 mm. “Việc không chết người là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo” - HĐXX nhận định.

“Không có chủ mưu giết người”

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKSND Tối cao cũng khẳng định “việc chết người không xảy ra là nằm ngoài mong muốn của các bị cáo”. Tranh luận lại, các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ nhắm đến mục đích là gây sự chú ý để mong được công luận và cơ quan cấp cao hơn quan tâm giải quyết chứ không có mục đích giết người. Vì thế, việc lập rào chắn ở điểm đầu tiên, rồi tiếp đó mới cho nổ bình gas và cuối cùng nổ súng là chỉ dấu cảnh báo nguy hiểm ở mức độ tăng dần. Các luật sư cũng cho rằng nếu ông Vươn và người thân có chủ mưu giết người thì chắc chắn họ sẽ sử dụng các biện pháp khác để đạt được mục tiêu đó. Từ đó, luật sư đề nghị tòa hủy bản án để điều tra lại hoặc xem xét để có thể trả tự do cho bị cáo tại tòa.

Tuy nhiên, nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Vươn thừa nhận “do bị cáo có phẫn uất trước quyết định sai trái của UBND huyện Tiên Lãng nên mới có hành vi như thế”. Bị cáo Vươn cho rằng mình đã ý thức được hành vi vi phạm pháp luật. Các bị cáo còn lại cũng nói tương tự và xin giảm án.

“Đó là hoạt động công vụ”

Về nội dung kháng cáo cho rằng tổ công tác số 3 (gồm công an, quân đội) tham gia cưỡng chế không được coi là thi hành công vụ, HĐXX cho rằng quan điểm này là không đúng. Bởi lực lượng trên là một thành viên được ghi trong kế hoạch cưỡng chế và có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ. “Các tổ công tác không có hành vi xâm hại đến lợi ích của các bị cáo nhưng Đoàn Văn Quý đã cho nổ mìn và bắn súng vào họ nên không phải là phòng vệ chính đáng. Pháp luật đã quy định công an, quân đội là lực lượng nòng cốt tham gia bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự. Do đó, nhiệm vụ mà họ thực hiện trong ngày 5-1-2012 là hoạt động công vụ” - HĐXX nêu rõ.

Trước đó, đại diện VKSND Tối cao cũng khẳng định như trên. Tuy nhiên, luật sư cho rằng việc bị cáo Quý nổ súng là để phòng vệ khi đoàn cưỡng chế đi vào khu vực đất nhà mình vốn nằm ngoài phạm vi bị cưỡng chế. Nếu đoàn cưỡng chế cứ vào khu vực 19,3 ha (của ông Vươn, có trong quyết định cưỡng chế) mà không vào khu vực của ông Quý thì mọi chuyện đã không xảy ra.

Về việc TAND Hải Phòng xét xử vụ án là không đúng thẩm quyền mà phải do Tòa án Quân sự thụ lý, HĐXX cho rằng Tòa án Hải Phòng xét xử là đúng luật. Ngoài ra, HĐXX cũng khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy bị cáo đã bị cơ quan điều tra ép cung, mớm cung.

Ngày mai (1-8), xử phúc thẩm các cựu quan chức huyện Tiên Lãng

Liên quan đến những sai phạm trong việc cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Vươn, theo dự kiến, ngày mai (1-8) Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội cũng sẽ mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của các cựu quan chức huyện Tiên Lãng. Trước đó, án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt ông Nguyễn Văn Khanh (nguyên phó chủ tịch huyện) 30 tháng tù (giam), các cựu quan chức còn lại là Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan và Lê Văn Hiền bị phạt 15-24 tháng tù treo.

Đề nghị luật sư không được “chém gió”

Tại tòa, trước việc luật sư Đoàn Hữu Bền khi tranh luận liên tục vung tay, đại diện HĐXX đề nghị luật sư không vung chân, vung tay, không nên “chém gió”. “Nếu ông cứ vung chân, vung tay sẽ không cho bào chữa nữa” - chủ tọa nói.

Trước đó, luật sư Nguyễn Việt Hùng đã dùng từ “tuýt còi” để nói về “thông báo kết luận kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp TP Hải Phòng từng đề nghị UBND huyện Tiên Lãng tạm đình chỉ thi hành quyết định về quản lý, sử dụng bãi bồi ven sông, biển vào mục đích nuôi trồng thủy sản”. Một vị đại diện HĐXX cũng đã “chỉnh” luật sư là không dùng từ “tuýt còi”.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.