Y tế dự phòng: Nghèo gặp eo!

Người thiếu do tiền ít, nhưng y tế dự phòng lại không triển khai được dịch vụ khám chữa bệnh, cái vòng luẩn quẩn “nghèo gặp eo” này đeo đuổi mảng y tế dự phòng của TP.HCM nhiều năm nay khiến nó không phát triển lên được. Chiều ngày 14-6, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM đã làm việc với Sở Y tế TP xung quanh vấn đề này.

Gần 460 người phục vụ… 10 triệu người!

Đây là số bác sĩ y tế dự phòng để phục vụ cho gần 10 triệu dân TP.HCM. Trong khi đó, số cử nhân y tế công cộng còn “thảm” hơn, chỉ… 61 người, với các công tác chống dịch, các chương trình dân số, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm ngừa, dinh dưỡng

Chưa kể, theo BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, kinh phí hoạt động cho y tế dự phòng được ngân sách cấp trên đầu dân số, chỉ vài chục ngàn đồng/người.

Chính vì vậy đã dẫn đến sự bất cập, bác sĩ y tế dự phòng nghỉ, bỏ sang hệ điều trị, chuyển lên tuyến trên. BS Nam cho rằng theo quy định, định mức biên chế từ 121 đến 150 cán bộ/4 triệu dân nhưng thành phố có 8-10 triệu dân thì không có quy định khác nên số cán bộ rất ít. Tuyển thêm thì không có kinh phí trả (dù có tiền cũng không dám) vì chống dịch thì kinh phí chỉ trả trên đầu dân số chứ không theo biên chế!

Y tế dự phòng: Nghèo gặp eo! ảnh 1

Theo TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, xã hội hóa mạnh mẽ là con đường lâu dài để cán bộ y tế dự phòng sống được bằng thu nhập của mình. Ảnh: HTD

“Các quận, huyện đề nghị tăng chỉ tiêu biên chế, mở rộng điều kiện tuyển nhân sự, tăng chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực và hỗ trợ kinh phí đào tạo. Sở Y tế đang kiến nghị chuyển Trung tâm Y tế dự phòng thành Trung tâm Y tế. Sở cũng đang chờ Thông tư hướng dẫn chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm Y tế quận/huyện để có khả năng các bác sĩ y tế dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề (hiện nay không được)” - BS Nam cho biết thêm.

Xã hội hóa y tế dự phòng

“Chúng ta xin rất nhiều chế độ, chính sách cho y tế dự phòng nhưng đừng ảo tưởng những chính sách này làm cho y tế dự phòng sống được. Do đó, chỉ có một con đường là xã hội hóa, làm sao cho cán bộ y tế dự phòng sống được bằng chính thu nhập của mình, đó mới là lâu dài” - TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP, nói.

Theo GS Dương Quang Trung, ai cũng thống nhất xã hội hóa nhưng nguồn ở đâu ra? Y học dự phòng, bác sĩ làm nhiều nhưng lương ít, mỗi tháng vài triệu đồng mà không có khám bệnh thì họ phải làm thế nào, trong khi bác sĩ đi mổ một ca cả ngàn USD. “Tôi đang giúp quận 10 củng cố y tế cơ sở với 250.000 dân nhưng tôi không xin tiền Nhà nước mà vay ngân hàng. Nếu thành công sẽ nhân rộng cho các quận/huyện khác” - GS Dương Quang Trung nói.

“Hệ điều trị, trung tâm không giường bệnh xã hội hóa rất tốt, còn y tế dự phòng thì khó mặc dù nơi này có máy móc, có khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng không có chức năng điều trị bệnh. Do đó nên tăng chức năng, cho cơ chế để mảng này xã hội hóa. Mạnh dạn đề xuất tăng xã hội hóa BV, giảm ngân sách cấp cho BV nhất là BV thành phố để nguồn kinh phí cấp cho dự phòng” - TS  Phạm Việt Thanh đề nghị.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng y tế dự phòng nếu không liên kết thì không thể làm được. Phải liên kết giữa các trung tâm dự phòng, dự phòng với dinh dưỡng, thực phẩm, môi trường, điều trị và các ban ngành ở sở y tế.

Cấp cứu “quái thai”

Theo TS Giang, mạng lưới cấp cứu vận chuyển ở TP.HCM hiện không giống ai trên toàn thế giới. BV Cấp cứu Trưng Vương chỉ đảm nhận nhu cầu cấp cứu là 0,5%, còn lại 99,5% là người dân tự đi. “Tôi nói thẳng, hệ thống cấp cứu hiện nay là “quái thai”! Chừng nào BV Cấp cứu Trưng Vương mổ chấn thương sọ não bằng 115, tim mạch bằng BV Nhân dân Gia Định… ? TP đã chỉ đạo thành lập một trung tâm cấp cứu từ xưa nhưng đến nay chưa làm được." -BS Giang đặt vấn đề.

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng vấn đề của trung tâm cấp cứu hiện nay là do định hướng từ ban đầu không đúng. Việc hình thành một trung tâm cấp cứu trong mơ như một “siêu BV”, có các chuyên khoa chấn thương sọ não, tim mạch… như các quốc gia khác là khó. Sở Y tế TP.HCM đã trình thành phố, nhiệm vụ của BV Cấp cứu Trưng Vương là một trung tâm điều phối cấp cứu các cửa ngõ. BV này cũng sẽ sơ cấp cứu ban đầu và chuyển bệnh nhân đến các chuyên khoa.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm