Hiện nay, người tiêu dùng có rất nhiều cách để mua hàng trực tuyến như thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội, chương trình quảng cáo trên tivi…
Mua iPhone 12 Pro Max nhưng nhận được cục đá
Về cơ bản, việc mua sắm trực tuyến sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian, dễ dàng so sánh giá cả ở nhiều nơi…
Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi người dùng sẽ không thể nhìn hoặc cầm trực tiếp sản phẩm để đánh giá hình dáng, màu sắc và chất lượng. Do đó, rủi ro đầu tiên chính là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.
Mua hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: MINH HOÀNG
Mới đây, chị K.P tại Đồng Tháp đã phản ánh về việc đặt mua iPhone 12 Pro Max qua mạng nhưng lại nhận được một cục đá. Tương tự, một khách hàng khác tại Hà Tĩnh cũng đặt mua hai chiếc iPhone nhưng nhận về hai hộp bút sáp.
Có thể nói, tình trạng người dùng mua hàng và nhận về những vật dụng không có giá trị (cục đá, chai nước, củ khoai…) xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt là trong khoảng thời gian diễn ra các sự kiện giảm giá nhân ngày 11-11, ngày 12-12…
Làm thế nào để an toàn hơn khi mua hàng qua mạng?
Trao đổi với PLO, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết: “Để an toàn khi mua sắm trực tuyến, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động và có thông tin rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều khoản liên quan đến bảo hành, trả hàng, hoàn tiền và giao nhận”.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần chú ý đến giá bán của sản phẩm. Đối với các mặt hàng như đồng hồ, giày dép, đồ thời trang, không khó để nhận ra hàng giả dựa vào mức giá. Tuy nhiên, khá nhiều người vẫn còn thói quen ham rẻ, đặt mua ngay mà không quan tâm đến phần đánh giá của những người mua trước.
Hàng giả sẽ cho trải nghiệm tệ, lỗi vặt và gây ức chế trong quá trình sử dụng. Chưa kể đến việc khi mua nhầm hàng giả, người dùng sẽ có cái nhìn không tốt về thương hiệu đó, ảnh hưởng đến nhà sản xuất và những cửa hàng làm ăn chân chính.
Không phải ai cũng có kiến thức và đủ khả năng phân biệt hàng giả, hàng nhái thông qua mức giá vô lý như vậy, nhất là những người có ít điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm cao cấp.
Hệ lụy từ hàng nhái, hàng giả là bản thân các hãng sản xuất sẽ bị mất uy tín, niềm tin của người dùng vào thương mại điện tử sẽ bị sụt giảm (vốn đã rất thấp).
Bên cạnh đó, Google cũng đưa ra một số lời khuyên giúp người dùng an toàn hơn khi mua sắm trực tuyến.
Đầu tiên, nếu sản phẩm quá rẻ, thông tin sai chính tả, hình ảnh có độ phân giải thấp… nhiều khả năng đây là hàng giả. Hơn nữa, nếu trước đây bạn chưa từng mua hàng trên các trang này, hãy cố gắng bỏ chút thời gian để tìm hiểu thông tin, đọc đánh giá của những người mua hàng trước đó.
Đồng thời sử dụng hình thức thanh toán có lợi nhất cho bản thân, thường vẫn sẽ là COD (nhận hàng trả tiền), bởi trong trường hợp hàng hóa không giống như mô tả, giao không đúng sản phẩm… bạn sẽ phải trả hàng và chờ khá lâu để nhận lại được tiền nếu sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ.
Cũng theo anh Thắng, nếu sử dụng thẻ khi thanh toán, người dùng nên sử dụng thẻ ATM nội địa (vì có thêm mã OTP) và thẻ Debit (ghi nợ) thay vì thẻ Credit để giảm thiểu rủi ro, mất tiền khi vô tình bị rò rỉ thông tin thẻ.
Đối với những mặt hàng có giá trị (điện thoại, máy tính, máy ảnh...), khi nhận hàng từ nhân viên, người dùng nên kiểm tra mã đơn hàng trên ứng dụng và trên kiện hàng. Đồng thời quay lại video quá trình mở hộp để có bằng chứng nếu chẳng may sản phẩm đã bị tráo đổi.