5 cách tin tặc thường sử dụng để hack tài khoản ngân hàng của bạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Tin tặc ngày càng tinh vi trong việc tìm cách chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng, và đôi khi, mức độ phức tạp của các phương thức tấn công có thể khiến bạn bất ngờ.

Trong thời đại số hóa hiện nay, sự tiện lợi mà công nghệ mang lại đôi khi cũng đi kèm với những rủi ro bảo mật không nhỏ. Dưới đây là những phương thức tấn công phổ biến mà tin tặc thường sử dụng để xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của bạn, và các biện pháp để bảo vệ hiệu quả tài sản cá nhân.

1. Trojan ngân hàng

Tin tặc thường tạo ra các ứng dụng giả mạo trông giống hệt ứng dụng ngân hàng hợp pháp, và đăng tải chúng trên các trang web không chính thống. Khi bạn tải xuống những ứng dụng này và điền thông tin, mọi dữ liệu của bạn sẽ được gửi thẳng đến tin tặc.

Một hình thức tinh vi hơn là Trojan ngân hàng, được ẩn trong các ứng dụng tưởng như vô hại, chẳng hạn như trò chơi hoặc tiện ích. Khi bạn tải về và cài đặt, Trojan sẽ hoạt động ngầm, quét thiết bị để phát hiện các ứng dụng ngân hàng.

Khi bạn mở ứng dụng ngân hàng thực, Trojan sẽ hiển thị một giao diện giả mạo chồng lên giao diện thật, đánh lừa bạn nhập thông tin đăng nhập. Dữ liệu sau đó được gửi về máy chủ của tin tặc.

Nghiêm trọng hơn, chúng có thể yêu cầu quyền truy cập vào SMS, cho phép đọc và sử dụng OTP từ ngân hàng, vượt qua lớp bảo mật cuối cùng.

Tin tặc thường tạo ra các ứng dụng ngân hàng giả mạo để đánh cắp thông tin đăng nhập. Ảnh: Pexels
Tin tặc thường tạo ra các ứng dụng ngân hàng giả mạo để đánh cắp thông tin đăng nhập. Ảnh: Pexels

2. Lừa đảo

Lừa đảo qua email hoặc tin nhắn (phishing) không còn xa lạ, nhưng kỹ thuật này ngày càng tinh vi. Một trong những phương thức gây nguy hiểm nhất là tin tặc hack tài khoản email của những đối tượng đáng tin cậy, chẳng hạn như luật sư hoặc đối tác kinh doanh, sau đó gửi các email lừa đảo từ chính địa chỉ hợp pháp đó.

Những email này thường yêu cầu bạn cung cấp thông tin nhạy cảm hoặc chuyển khoản vào tài khoản của tin tặc. Không ít người đã mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của kẻ gian.

Công chúng ngày càng hiểu biết hơn về lừa đảo, nhưng tin tặc cũng không ngừng đổi mới chiến thuật. Chúng có thể gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng (SMS Brandname), yêu cầu bạn cập nhật thông tin hoặc xác thực giao dịch để đánh cắp dữ liệu.

Lừa đảo đánh cắp thông tin, hack tài khoản ngân hàng bằng các kỹ thuật xã hội. Ảnh: Pexels
Lừa đảo đánh cắp thông tin, hack tài khoản ngân hàng bằng các kỹ thuật xã hội. Ảnh: Pexels

3. Keylogger

Keylogger là một loại phần mềm độc hại ghi lại toàn bộ thao tác gõ phím của bạn. Chúng thường được cài đặt thông qua email độc hại hoặc trang web bị nhiễm mã độc.

Khi bạn nhập địa chỉ ngân hàng hoặc thông tin đăng nhập, keylogger sẽ ghi lại dữ liệu và gửi về máy chủ của tin tặc. Mọi thứ bạn gõ, từ mật khẩu đến số tài khoản, đều có thể trở thành dữ liệu quý giá cho kẻ tấn công.

4. Tấn công Man-in-the-Middle

Đây là kỹ thuật tin tặc chặn thông tin giữa bạn và ngân hàng trong quá trình giao tiếp.

Tấn công Man-in-the-Middle (MitM) thường xảy ra trên các mạng WiFi công cộng không an toàn. Trong một số trường hợp, chúng có thể sử dụng DNS cache poisoning, thay đổi địa chỉ trang web ngân hàng để chuyển hướng bạn đến một trang giả mạo trông giống hệt trang gốc.

Nếu không nhận ra, bạn có thể vô tình cung cấp thông tin nhạy cảm cho một trang web thuộc quyền kiểm soát của tin tặc.

5. Hoán đổi SIM

Một trong những phương thức tinh vi và nguy hiểm nhất là hoán đổi SIM. Tin tặc liên hệ với nhà mạng, giả danh bạn và yêu cầu làm lại SIM, chúng có thể thực hiện điều này nếu có đủ thông tin cá nhân của bạn, thường được thu thập từ các vụ vi phạm dữ liệu.

Khi thành công, tin tặc sẽ kiểm soát số điện thoại của bạn và nhận mọi mã xác thực SMS từ ngân hàng. Điều này cho phép chúng vượt qua xác thực hai lớp và truy cập vào tài khoản ngân hàng mà không bị phát hiện.

Hoán đổi SIM là hình thức khá nguy hiểm và thường được sử dụng để hack tài khoản ngân hàng. Ảnh: Pexels
Hoán đổi SIM là hình thức khá nguy hiểm và thường được sử dụng để hack tài khoản ngân hàng. Ảnh: Pexels

Làm thế nào để hạn chế bị hack tài khoản ngân hàng?

Dù tin tặc có vô vàn cách để tiếp cận thông tin của bạn, nhưng bạn có thể giảm thiểu thiểu rủi ro bằng những biện pháp bảo mật sau:

- Chỉ tải ứng dụng ngân hàng từ Google Play, App Store hoặc trang web chính thức của ngân hàng. Kiểm tra kỹ nhà phát triển trước khi tải về.

- Đừng bao giờ nhấp vào các liên kết không rõ nguồn gốc trong email hoặc tin nhắn. Nếu bạn nghi ngờ, hãy liên hệ trực tiếp với ngân hàng qua số điện thoại chính thức.

- Việc bật xác thực hai lớp (2FA) sẽ giúp tăng thêm một lớp bảo mật, ngăn chặn keylogger hoặc các cuộc tấn công khác.

- Bật VPN khi sử dụng WiFi công cộng sẽ giúp mã hóa dữ liệu, bảo vệ bạn khỏi các cuộc tấn công MitM.

- Không chia sẻ thông tin cá nhân như thẻ căn cước, GPLX, giấy đăng ký xe… tránh tạo cơ hội cho tin tặc thực hiện hoán đổi SIM.

Tin tặc luôn tìm kiếm những cách thức mới để đánh cắp dữ liệu cá nhân và xâm nhập tài khoản ngân hàng của bạn. Do đó, bằng cách áp dụng các biện pháp bảo mật phù hợp, bạn có thể đảm bảo dữ liệu và tiền bạc của bạn luôn an toàn trước những mối đe dọa tiềm tàng.

Đọc thêm