Vì sao smartphone luôn hấp dẫn đối với tin tặc?
Với sự phát triển của công nghệ, smartphone đã trở thành một trong những thiết bị không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Dù lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng nhưng đa số chúng ta lại rất thờ ơ trong việc bảo mật thiết bị, đó là lý do vì sao smartphone luôn là miếng mồi béo bở đối với tin tặc.
Dưới đây là 5 lý do vì sao smartphone không an toàn như bạn nghĩ:
1. Smartphone không được cập nhật
Đa số các hãng sản xuất smartphone hiện nay đều cam kết hỗ trợ cập nhật trong vòng 2-4 năm, do đó, ngay khi có bản cập nhật mới, người dùng nên nâng cấp càng sớm càng tốt.
Ngoài việc cải thiện hiệu suất, các bản cập nhật còn giúp khắc phục các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Nếu smartphone không được cập nhật thường xuyên, thiết bị rất dễ bị tin tặc khai thác và đánh cắp dữ liệu.
Cập nhật smartphone lên phiên bản mới nhất. Ảnh: MINH HOÀNG |
2. Ứng dụng trên Google Play và App Store không an toàn tuyệt đối
Thông thường, chúng ta đều được khuyên rằng chỉ nên tải ứng dụng trên Google Play hoặc App Store, tuy nhiên cần nhớ rằng không có một cửa hàng nào an toàn tuyệt đối 100%.
Kẻ gian có thể sử dụng rất nhiều kỹ thuật để qua mặt các bước kiểm tra trên cửa hàng. Do đó, cách tốt nhất để hạn chế bị nhiễm phần mềm độc hại là bạn chỉ nên cài đặt các ứng dụng nổi tiếng, phổ biến và gỡ cài đặt những thứ không còn sử dụng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên truy cập vào Google Play, bấm vào ảnh đại diện ở góc phải và kích hoạt tính năng Play Protect.
Cách bật tính năng Play Protect trên Android. Ảnh: MINH HOÀNG |
3. Smartphone không được bảo mật đúng cách
Việc bảo mật không đúng cách cũng đồng nghĩa với việc bạn đang mời chào người khác truy cập vào smartphone. Đó là lý do vì sao dạo gần đây có khá nhiều người bị mất tiền ngân hàng ngay khi vừa mất điện thoại.
Màn hình khóa là lớp bảo mật đầu tiên mà bạn nên kích hoạt, giúp hạn chế việc bị người khác lén mở điện thoại.
Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Password and security (mật khẩu và bảo mật) - Lock screen (màn hình khóa), sau đó lựa chọn hình thức bảo mật tương ứng, đơn cử như mã PIN, hình vẽ, khuôn mặt, mật khẩu… Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.
Cách thiết lập màn hình khóa trên Android. Ảnh: MINH HOÀNG |
Đối với iPhone, người dùng chỉ cần tìm đến phần Settings (cài đặt) - Face ID and Passcode (Face ID và mật mã) hoặc Touch ID and Passcode (Touch ID và mật mã) - Turn Passcode On (bật mật mã), sau đó đặt mật mã để bảo vệ điện thoại.
Đặt mật khẩu màn hình khóa trên iPhone. Ảnh: MINH HOÀNG |
Lưu ý, bạn không nên sử dụng ngày tháng năm sinh của bản thân, bạn bè, cha mẹ… hoặc những con số liên quan để tránh dễ bị dò ra.
4. Cấp nhiều quyền hạn cho ứng dụng
Đa số chúng ta đều cấp quyền vô tội vạ cho các ứng dụng sau khi cài đặt, và việc này có thể vô tình cho phép tin tặc đánh cắp dữ liệu.
Để tránh vấn đề này, bạn nên cấp càng ít quyền càng tốt ngay cả với các ứng dụng mà bạn tin tưởng. Trong trường hợp lỡ cấp quyền, người dùng có thể thu hồi lại bằng cách vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng) - Permissions Manager (trình quản lý quyền).
Thu hồi lại các quyền hạn không cần thiết. Ảnh: MINH HOÀNG |
5. Smartphone không có khả năng chống lại các hình thức lừa đảo
Smartphone được thiết kế để bảo vệ bạn trước những phần mềm độc hại, nhưng chúng không có khả năng chống lại các hình thức lừa đảo.
Có rất nhiều hình thức lừa đảo trên Internet, được thiết kế để đánh cắp thông tin tài khoản của bạn. Để tránh bị lừa, người dùng hãy luôn kiểm tra cẩn thận địa chỉ (URL) cẩn thận trước khi cung cấp thông tin cá nhân.
Nhìn chung, smartphone an toàn hơn nhiều so với máy tính, nhưng bạn vẫn cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo mật, đơn cử như cập nhật thường xuyên, không cấp quyền vô tội vạ, gỡ bỏ các ứng dụng không sử dụng, không cung cấp thông tin cá nhân tùy ý…
Hy vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ biết cách bảo mật smartphone tốt hơn, tránh để những dữ liệu quan trọng rơi vào tay kẻ xấu.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.