Thông thường, ở chế độ đa người chơi game, màn hình sẽ được chia đôi, còn LG Dual Play TV hiển thị hai hình ảnh chồng lên nhau và khi đeo kính, người này sẽ quan sát hình ảnh hoàn toàn khác với người kia.
Màn hình trong suốt đã tiến sang một giai đoạn mới với hệ thống OLED 22 inch của Haier. Đây là TV hoạt động không cần dây nối mà áp dụng công nghệ truyền điện không dây của viện MIT và có thể hiển thị hình ảnh màu sắc nét. Tuy nhiên, Haier không tiết lộ giá bán và ngày ra mắt.
Trông như cặp kính trong phim viễn tưởng, người đeo "TV" này sẽ có cảm giác như đang xem nội dung 3D trên màn hình rộng 750 inch nằm cách xa 20 mét. Sony Head Mounted Display HMZ-T1 gồm hai mắt kính OLED 0,7 inch độ phân giải HD và được bán từ 11/11 với giá gần 800 USD.
LG Pen Touch TV lại được trang bị màn hình cảm ứng để mọi người dùng bút viết, vẽ và chơi game mà không cần dùng đến điều khiển từ xa. Giá của hệ thống 60 inch này là 2.200 USD.
Hệ thống Super Hi-vision 8K4K kích cỡ 85 inch của Sharp gây ấn tượng mạnh khi có độ phân giải lên tới 7.680 x 4.320 pixel, gấp 16 lần chuẩn Full HD 1.080p. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sản phẩm dạng mẫu (prototype).
Toshiba ZL2 có nhiều điểm đặc biệt: là TV hỗ trợ xem nội dung 3D không cần kính lớn nhất thế giới (55 inch), độ phân giải gấp 4 lần Full HD (3.840 x 2.160 pixel) và mức giá cũng "khủng" không kém (11.400 USD).
Theo Châu An (VNE)