Nhằm giúp người dùng cai nghiện smartphone, Google đã ra mắt tính năng Digital Wellbeing. Không lâu sau đó, Apple cũng giới thiệu tính năng Screen Time trên iOS 12. Về bản chất, cả hai đều giúp nâng cao nhận thức của người sử dụng thiết bị, từ đó để họ tự chủ động thay đổi hành vi của mình.
Cả hai tính năng sẽ thống kê thời gian mà người dùng sử dụng ứng dụng, cũng như liệt kê các ứng dụng nào gửi thông báo nhiều nhất cho bạn.
Google và Apple cùng mục tiêu nhưng cách tiếp cận khác nhau. Ảnh: Internet
Tuy có chung mục tiêu nhưng Apple và Google có cách tiếp cận khác nhau. Về cơ bản, Apple sẽ cho phép bạn biết được ứng dụng nào đang được sử dụng nhiều nhất và khuyên người dùng nên dừng lại. Tuy nhiên, nghe theo hay không vẫn do bạn quyết định. Trong khi đó, Google lại tỏ ra nghiêm khắc hơn, cụ thể, các ứng dụng được dùng nhiều sẽ tự động bị vô hiệu hóa trên màn hình (tô màu xám).
Quản lý trẻ em và quản lý thông báo
Apple cung cấp cho các bậc phụ huynh công cụ để quản lý con em mình ngay trên điện thoại.
Phụ huynh có thể quản lý con sử dụng smartphone.
Nếu những đứa trẻ chơi game quá giờ, chúng sẽ bị thoát khỏi ứng dụng và không thể mở lại trong ngày hôm đó. Mặc dù Google cũng có công cụ tương tự mang tên Family Link nhưng nó không được tích hợp sẵn bên trong hệ điều hành. Về mặt thông báo, Apple cuối cùng cũng đã học theo Android và cung cấp cho người dùng khả năng gộp thông báo của cùng một ứng dụng thành nhóm.
Có thể thấy, cả Apple và Google đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ để hạn chế tình trạng nghiện smartphone ngày càng tăng cao. Thế nhưng, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ và cho rằng những tính năng này chỉ làm cho có, bởi lẽ họ cho rằng mục tiêu của các hãng vẫn là tăng doanh số và nâng cao lợi nhuận.