"Bẻ khóa" điện thoại xách tay bằng cách nào?

Giải mã, cách duy nhất để hợp pháp hóa điện thoại xách tay

Sự khác biệt về tần số hoạt động khiến rất nhiều chú “dế” được xách tay từ chính hãng ở nước ngoài trở nên “vô dụng” khi về Việt Nam. Theo các nhà kinh doanh điện thoại di động ở Hà Nội, giải mã là cách duy nhất để những chiếc điện thoại xách tay có thể hoạt động trong nước.

Theo doanh nghiệp Nhật Cường Mobile, trước đây, việc giải mã điện thoại xách tay thường gặp khó khăn và rất ít máy đầu cuối được giải mã. “Tuy nhiên, hiện nay, tại Hà Nội nhiều trung tâm đã có phần mềm và phần cứng cài đặt chuyên dụng, có thể đảm trách việc giải khóa mạng”, anh Văn Hiệp – Phụ trách Truyền thông của Nhật Cường Mobile cho biết.

"Bẻ khóa" điện thoại xách tay bằng cách nào? ảnh 1

Các dòng máy Nhật sử dụng mạng 3G của Nhật và không tương thích với bất kỳ mạng nào. Để giải mã các điện thoại xách tay của Nhật buộc phải tháo dỡ máy và gắn chíp khác

Tuy nhiên, Nhật Cường Mobile cũng lưu ý khách hàng khi mua điện thoại di động xách tay từ Nhật Bản. Bởi các dòng máy Nhật sử dụng mạng 3G của Nhật và không tương thích với bất kỳ mạng nào. Để giải mã các điện thoại xách tay của Nhật buộc phải tháo dỡ máy và gắn chíp khác.

Vấn đề cần quan tâm đối với tất cả khách hàng có điện thoại xách tay cần giải mã theo anh Hiệp là giá cả cho một lần “phá khóa”.

“Thông thường, giá cho một lần giải mã và nạp tiếng Việt (hoặc tiếng Anh) trọn gói dao động trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng (tùy đời máy). Tuy nhiên, với những thiết bị giải mã khó tìm kiếm thì giá cả có thể lên đến 600.000đ cho một lần giải mã”, anh Hiệp cho biết.

Cũng theo anh Hiệp, khi có trong tay chiếc máy điện thoại mang về từ nước ngoài, người sử dụng nên đem máy đến các trung tâm uy tín hỏi xem dòng máy đó có giải mã được không. Tránh trường hợp cài đặt lung tung có thể dẫn tới hỏng máy.

“Sau khi giải mã, điện thoại có thể hoạt động bình thường, duy chỉ có WAP (giao thức không dây, một công nghệ mới của mạng điện thoại di động cho phép các thuê bao di động có thể sử dụng điện thoại truy cập vào mạng để lấy thông tin và trao đổi dữ liệu) là không thể hiện được. Nhưng có thể cài đặt mặc định trước đó và tích hợp thêm những phần mềm phù hợp trong nước", anh Hiệp cho biết.
 
Kiểm tra thông tin trên máy

Theo Huyền Mobile, chỉ bằng một vài thao tác bấm số đơn giản, người sử dụng có thể có được những thông tin hữu ích về sản phẩm.

Với các dòng máy của Nokia: Bấm *#06# để xem số IMEI (mã số nhận dạng quốc tế của từng điện thoại di động), *3370# để khởi động lại máy, *#0000# để xem phiên bản phần mềm (dòng thứ nhất là phiên bản phần mềm, dòng thứ 2 là ngày phần mềm được sản xuất, dòng thứ 3 là kiểu điện thoại), *#92702689# để kiểm tra thông tin máy (màn hình thứ nhất là số IMEI, màn hình thứ 2 là ngày sản xuất của điện thoại, màn hình thứ 3 là ngày điện thoại được bán, màn hình thứ 4 là ngày sửa chữa cuối cùng, màn hình thứ 5 là chuyển đổi dữ liệu người dùng). Sau khi sử dụng mã số *#92702689# cần phải tắt máy và bật máy lại để máy trở lại chế độ ban đầu.

Với điện thoại di động của Samsung: Bấm *#06# để kiểm tra IMEI, *#9999# để kiểm tra phiên bản phần mềm, *#0523# để chỉnh độ phân giải màn hình, *#9998*842# để thử chế độ rung, *#9998*228# để kiểm tra thông số hoạt động của pin. (Một số mã số chỉ hoạt động với phần mềm chuẩn mà không hoạt động với phần mềm đã được Việt hóa).
 
Với điện thoại di động của Sony Ericsson, Motorola, Siemens: Bấm *#06# để kiểm tra IMEI.
 
Thay đổi cục sạc với máy điện thoại di động của Nhật
 
Còn theo các thợ mở khóa, hầu hết các máy điện thoại di động của Nhật sử dụng điện thế 110V (Việt Nam là 220V). Do vậy, khi mua điện thoại ở Nhật, nếu muốn sử dụng trong nước, khách hàng nên chú ý đến cục sạc.

“Nên chọn máy có thiết bị sạc loại tự động “, anh Đạt, Phụ trách kinh doanh của Đức Hiếu Mobile chia sẻ.

Theo anh Đạt, một điều đáng chú ý khi mua điện thoại xách tay là linh, phụ kiện của các dòng máy này. Những dòng máy cao cấp thì phụ kiện đi kèm cũng sẽ có giá khá cao (từ 30-50 USD tùy từng đời máy). Hơn nữa, công nghệ làm nhái những phụ kiện này rất tinh vi, rất khó để phân biệt phụ kiện thật và rởm. Do vậy, anh Đạt khuyến cáo, nên mua điện thoại xách tay ở những cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng và phải được bảo hành ít nhất từ 3-6 tháng.

Cũng theo anh Đạt, hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam thích chọn mua điện thoại ở các nước Singapore, Hàn Quốc, HongKong, Trung Quốc, Mỹ, Pháp…để săn lùng những mẫu điện thoại mới, lạ, “không đụng hàng”. Đặc biệt, các máy điện thoại có xuất xứ từ Singapore thường được ưa chuộng hơn do có nhiều mẫu mã đẹp, dễ mua và giải mã thuận lợi. Tuy nhiên, trước khi mua “hàng xách tay”, người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin trên mạng Internet.

Các cửa hàng điện thoại di động hiện nay khi bán hàng xách tay đều có chế độ bảo hành và giải mã cho các sản phẩm cửa hàng phân phối.

Theo Thu Hiền (VTC News)

Đọc thêm