Đầu tiên người dùng cần phải phân biệt được loại pin đang sử dụng bên trong laptop là lithium-ion hay lithium-polymer. Cả hai đều sử dụng công nghệ khác nhau, tuy nhiên sẽ không hề xảy ra trường hợp quá tải khi pin đã đầy, bởi lẽ nếu nó đã chạm mốc 100% thì thiết bị sẽ ngừng sạc và sử dụng điện và nó chỉ sạc tiếp tục khi dung lượng pin giảm xuống một mức nhất định.
Các loại pin lithium vốn đã không ổn định, nó bắt đầu bị hao mòn kể từ thời điểm được sản xuất. Bên cạnh đó còn có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng pin như số lần sạc/xả, thông thường thì nếu cycle count (số lần sạc) trên 500 thì dung lượng pin sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 80%.
Theo một nghiên cứu toàn diện của các nhà khoa học thì việc cấp điện áp và sử dụng laptop trong môi trường có nhiệt độ cao (hơn 30 độ) chính là hai yếu tố hàng đầu khiến cho viên pin mau bị chai. Các bài kiểm tra cho thấy nếu nhiệt độ laptop thường xuyên ở mức 40 độ thì sau một năm công suất pin sẽ giảm đến 85%.
Việc sạc pin liên tục ở mức 100% và xài trong môi trường có nhiệt độ cao thì tuổi thọ pin sẽ giảm nhanh hơn nhiều so với khi bạn không cắm sạc. Vì vậy, việc tháo pin ra khi cắm điện laptop có an toàn hay không?
Mặc dù các nhà sản xuất đều cung cấp viên pin laptop có thể tháo rời nhưng không ai khuyến cáo người dùng gỡ pin ra, vì máy tính sẽ bị đưa về chế độ tiết kiệm điện năng khiến hiệu suất hoạt động xuống mức rất thấp. Nếu bạn tháo pin ra, hãy đảm bảo rằng viên pin đã nằm trong trạng thái ổn định (khoảng 40%-70%) và giữ cho nhiệt độ phòng ở mức vừa phải.
Nhìn chung, việc xài pin liên tục hoặc cắm sạc liên tục cũng không hề tốt. Thay vào đó, người dùng hãy nên linh hoạt trong việc sử dụng, chẳng hạn như cắm sạc liên tục một tuần rồi sau đó xài pin lại, khi đến mức 20%-30% thì cắm sạc cho đến khi đầy, lưu ý không nên sử dụng máy tính trong quá trình sạc. Thực hiện lại thao tác này trong khoảng thời gian từ một tuần đến 10 ngày.