Trước đây, nạn tráo linh kiện chỉ xuất hiện ở các cửa hiệu nhỏ lẻ và các thiết bị công nghệ tầm thấp. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều thiết bị công nghệ như smartphone, tablet cao cấp xuất hiện khiến cho vấn nạn bùng phát dữ dội, nguyên nhân do đây là chiêu kiếm lợi siêu hiệu quả.
Khách hàng chỉ biết “ôm hận”
Anh Quang (quận 8), một người sử dụng laptop mới bị tráo linh kiện đau khổ kể, cách đây khoảng một tuần anh mang chiếc laptop hiệu HPDV4 đến cửa hiệu LaptopO.... (quận 10) để sửa chữa. Chiếc laptop của anh bị tình trạng không lên hình và cửa hiệu thông báo để lại kiểm tra. Thấy cửa hiệu lớn, đội ngũ nhân viên kỹ thuật khá lịch sự nên anh cũng an tâm. Sau đó anh Quang được báo là chiếc laptop của anh bị hư chip và sửa chữa mất chi phí 1,2 triệu đồng nhưng chỉ bảo hành một tháng. Thấy chi phí khá cao nhưng được bảo hành không lâu, anh Quang mang máy về nhà và đem đến nhờ một người quen kiểm tra lại giúp. Tuy nhiên, người quen của anh Quang (cũng là một kỹ thuật viên vi tính) sau khi mở máy phát hiện máy anh Quang bị tráo hàng loạt bộ phận, trong đó bị đổi luôn cả mainboard.
Ký chữ ký đúng cách cũng có thể tránh được vấn nạn bị đổi linh kiện.
Không chỉ với laptop, các thiết bị cao cấp hơn như iPhone và một số dòng máy tính bảng cũng rất dễ bị đánh tráo bằng các linh kiện hư hay các linh kiện dỏm. Theo một doanh nghiệp sửa chữa máy tính bảng ở quận 5 thì thời gian gần đây, nhiều trường hợp khách hàng đem máy đến và anh cũng phát hiện máy bị tráo linh kiện. Đơn cử như anh Tâm (quận 5) vừa mua một chiếc iPhone 4 với thời hạn bảo hành một tháng ở cửa hàng LB. Sau khi hết hạn bảo hành thì chiếc iPhone 4 bị tình trạng màn hình bị sọc không thể sử dụng được. Đem đến chỗ bán thì anh được báo là điện thoại sẽ được sửa theo chế độ không bảo hành và phải để máy lại ba ngày. Sau đó anh Tâm quay lại thì điểm bảo hành thông báo là máy không sửa được. Bực mình, anh đem đến nơi sửa chữa khác kiểm tra và phát hiện toàn bộ linh kiện bên trong đã bị tráo đổi và máy không còn khả năng phục hồi.
Những trường hợp kiểu như trên không phải là hiếm, việc này không chỉ tồn tại ở các cửa tiệm nhỏ lẻ mà ngay cả các cửa tiệm lớn có uy tín. Với khách hàng thì phần lớn chỉ biết ngậm ngùi, vì khi giao máy hay nhận máy đều đã kiểm tra chữ ký xác nhận. Họ đành chấp nhận ngậm ngùi mua máy khác hoặc bán rẻ lại, thậm chí có người còn không biết máy mình đã bị tráo linh kiện và sử dụng máy trong tình trạng vật vờ.
Sử dụng chữ ký như giải pháp bảo mật
Thông thường, các linh kiện bên trong máy được thợ sửa đánh tráo với các thiết bị công nghệ thường là mainboard, pin, màn hình, chip Wi-Fi, camera... Trong đó, pin máy thường bị thay bằng hàng “dỏm” Trung Quốc. Các chiêu trò của các cửa hiệu làm ăn bất chính thường cũng rất chuyên nghiệp, khi nhận máy họ cho khách hàng ký tên lên máy. Tuy nhiên, họ chọn những điểm dễ tháo gỡ như tem hay cho khách ký lên vỏ ngoài của linh kiện.
Theo một chuyên gia bảo hành, không phải điểm sửa chữa nào cũng có chủ trương đánh tráo linh kiện của khách, tuy nhiên do việc quản lý khá lỏng lẻo hoặc không thể bao quát hết lực lượng kỹ thuật viên khá đông đúc của mình nên đa phần các sự cố đổi linh kiện đều đến từ các tay kỹ thuật viên.
Cũng theo chuyên gia trên, hiện nay để bảo vệ các sản phẩm của mình không bị đánh tráo, người dùng nên chọn các cửa hiệu uy tín, đó là các cửa hiệu được báo chí hay các diễn đàn đánh giá cao. Đặc biệt quan trọng nhất là thao tác ký tên khi giao máy cho tiệm. Khách nên ký nhiều chữ ký và yêu cầu được ký trực tiếp trên linh kiện chứ không lên ký vào tem hay là qua một lớp nào đó. Cụ thể như ký trên các con chip hoặc trực tiếp trên mainboard vì khi đó các tiệm sẽ rất khó tráo đổi. Đặc biệt, người dùng cần ghi chú kỹ cấu hình và dùng các giải pháp kỹ thuật kiểm tra lại trước khi nhận máy.
Các hãng cũng tìm cách chống bị “luộc” Việc bảo đảm an toàn cho các thiết bị công nghệ, đặc biệt chống đánh tráo cũng được các hãng công nghệ cực kỳ quan tâm. Mới đây, iFixit, hãng chuyên dỡ tung các thiết bị công nghệ vừa tiến hành chấm điểm các tablet dựa trên độ dễ khi tháo tung. Cả Apple lẫn Microsoft đều thuộc vào nhóm “ít thân thiện nhất” với thợ sửa. Surface RT chỉ đạt 4 điểm do cơ chế thiết kế của tablet này khiến cho nó rất khó mở. iPad 2, iPad 3, iPad 4 và iPad Mini tất cả đều nhận được điểm 2 cho độ khó mở. Tuy nhiên, Surface Pro, phiên bản tablet mới nhất của Microsoft mới là tablet khó mở nhất khi chỉ nhận được điểm 1 từ iFixit. |
NHƯ VŨ