Các hãng điện thoại từ Trung Quốc được xem là “ông vua” của độ mỏng, đơn cử như Oppo R5 (4 mm) hay Vivo (3.8 mm). Dù vậy, các hãng lớn vẫn khá thận trọng với độ mỏng, đơn cử như Samsung Galaxy S5 (8 mm), Note 4 (8.5 mm), iPhone 6 (6.9 mm), LG G3 (8.9 mm), Nexus 6 (10.1 mm), Sony Xperia Z3 (7.3 mm)…
Theo giới chuyên gia, việc các hãng lớn vẫn chưa vội đưa các thiết bị mỏng hơn đó là do một thiết bị quá mỏng sẽ có nhiều khuyết điểm hơn, điển hình nhất là hai yếu tố về độ bền và dung lượng pin. Chỉ nhìn vào một thực tế đơn giản, các thiết bị mỏng hơn sẽ có ít không gian cho pin hơn, trong khi cấu hình phần cứng hay kích thước màn hình lại tăng lên, điều này sẽ không thể nào đảm bảo được rằng thiết bị có thể sử dụng được hết một ngày.
Những chiếc smartphone quá mỏng chưa chắc đã tốt. Ảnh: INTERNET
Nhận định trên báo chí, giám đốc thiết kế của Nokia đã từng nói rằng “độ mỏng không phải là tất cả”. Thực tế cho thấy có khá nhiều trường hợp vì quá mỏng manh mà khi bỏ thiết bị vào túi quần sẽ bị bể màn hình, hay bị uốn cong nếu lỡ đè tay vào. Thực tế Apple đang phải đối mặt với những tranh cãi hiện tại về việc chiếc điện thoại iPhone 6 của hãng bị bẻ cong quá dễ dàng.
Những chiếc điện thoại quá mỏng được xem là những sản phẩm có nhiều nguy cơ hỏng hóc, mặc dù vậy với áp lực về doanh số, các nhà sản xuất điện thoại vẫn tiếp tục cuộc chạy đua mỏng hóa và người dùng chính là người chịu thiệt khi smartphone bị cong. Thế nên người dùng sẽ phải cân nhắc trước khi đi đến quyết định chọn mua một smartphone quá mỏng.
MH