Nghiên cứu của nhóm dựa trên việc khai thác dải tần chưa dùng đến trong quang phổ điện từ và công nghệ vi mạch.
Quang phổ điện từ xác định đặc tính bước sóng của năng lượng, như sóng radio cho tín hiệu AM và FM, sóng viba trong điện thoại di động hay hồng ngoại để các thiết bị nhìn trong đêm.
Tuy nhiên, băng tần Terahertz (THz) của quang phổ điện từ, nằm giữa sóng viba và hồng ngoại, hầu như chưa được khai thác trong các thiết bị điện tử tiêu dùng. "Dải Terahertz chứa đầy tiềm năng và chúng tôi đã tìm ra cách khai thác một phần của quang phổ điện từ để ứng dụng trong thiết bị cá nhân", tiến sĩ Kenneth O của UT Dallas cho hay.
Tiến sĩ Kenneth O (trái) và chuyên gia Dae Yeon Kim nằm trong số các tác giả của nghiên cứu điện thoại nhìn xuyên vật thể.
Với phương pháp này, hình ảnh có thể được nhìn thấy qua các tín hiệu hoạt động trong dải THz mà nhà sản xuất không cần sử dụng đến vài ống kính khác nhau trên một thiết bị, nhờ đó giảm được chi phí và kích thước sản phẩm.
Yếu tố thứ hai để điều này thành hiện thực là vi mạch được tạo ra trên công nghệ CMOS quen thuộc trong máy tính cá nhân, điện thoại, TV và thiết bị game. "Kết hợp giữa CMOS và THz giúp bạn có thể đặt chip và bộ tiếp nhận ở phía sau điện thoại, biến thiết bị nhỏ gọn nằm trong túi bạn có thể nhìn xuyên vật thể", Kenneth O giải thích.
Nghiên cứu mới còn có thể được ứng dụng trong nhiều mặt của cuộc sống như tìm các lỗ hổng trên tường, xác thực tài liệu hay dò tiền giả. Dải Terahertz cũng được dùng để dò các khối u, chẩn đoán bệnh qua phân tích hơi thở... Nhóm chuyên gia tại UT Dallas đang tiếp tục xây dựng hệ thống hình ảnh hoàn chỉnh trên công nghệ CMOS Terahertz để sớm đưa vào điện thoại di động.
Theo Châu An (VNE)