Khi E Ink ra đời, nhiều chuyên gia cho rằng nó báo hiệu ngày tàn của công nghệ mực in. Màn hình E Ink không cần đèn chiếu sau, khi một phần tử màu được đặt tại một vị trí nào đó trên màn hình, nó gần như nằm luôn ở đó mà không cần điện (hoặc cần rất ít) để duy trì. Do vậy, E Ink tiêu thụ ít năng lượng, tỷ lệ refresh (tải lại hình ảnh) không cao, đỡ hại mắt so với những công nghệ màn hình khác và hỗ trợ xem nội dung dễ dàng khi ở ngoài trời.
Tuy nhiên, tỷ lệ refresh thấp cũng khiến E Ink khó hiển thị video, hình ảnh có màu sắc. Công ty Notion Ink đã giới thiệu máy tính bảng Notion Ink Adam được trang bị công nghệ Pixel Qi có khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa chế độ màn hình màu LCD thông thường (khi dùng trong nhà và xem hình ảnh) hoặc chế độ mực điện tử E Ink (để đọc tài liệu ngoài trời).
Những sản phẩm tiềm năng của E Ink:
Điện thoại siêu mỏng: Các nhà khoa học tại Đại học Queen (Canada) sử dụng công nghệ mực điện tử (E Ink), màn hình uốn dẻo 3,7 inch để tạo ra điện thoại PaperPhone có thể gập theo ý thích của người dùng.
Bảng vẽ E Ink: Trong tương lai, E Ink Tablet có thể sẽ là công cụ chủ đạo để cho các họa sĩ sáng tác.
Sách ghi chú: Công nghệ mực điện tử được khai thác tối đa trên sản phẩm NoteSlate. Nó cung cấp khả năng ghi chú như nhiều thiết bị khác (trong đó có Apple iPad), nhưng tạo cảm giác như người ta đang viết trên giấy thực. Sản phẩm đã được cho đặt hàng nhưng chưa ấn định ngày ra mắt.
Thẻ tín dụng: Công ty Emue Technologies tạo thẻ tín dụng điện tử sử dụng công nghệ E Ink, bàn phím số và tích hợp vi xử lý để cung cấp mã xác thực ngay trên thẻ (vị trí số 12345678) mỗi khi người dùng cần giao dịch. Thẻ có thời lượng pin lên tới 3 năm.
Hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt: Nhờ khả năng đặc biệt của E Ink, tấm ván trượt tuyết này được trang bị màn hình E Ink Segmented Surf có thể hiển thị la bàn, đồng hồ, tình hình thời tiết, thông báo tin nhắn mới trên điện thoại của người dùng...
Theo Châu An (VNE)