Dù Apple chưa ra mắt sản phẩm mới, tuy nhiên, iPhone 11 nhái đã nhanh chóng xuất hiện tại Việt Nam với mức giá chưa tới 3 triệu đồng.
Giống như các năm trước, Apple sẽ chính thức ra mắt ba dòng iPhone mới vào mua thu năm nay, trong đó sẽ có hai mẫu cao cấp và một mẫu iPhone với mức giá phải chăng hơn để thay thế iPhone XR.
Theo thông tin từ trang 9to5mac, dự kiến iPhone 11 (XI) sẽ được ra mắt vào ngày 10-9 tới đây và sản phẩm sẽ chính thức đến tay người dùng vào ngày 20-9.
Nhiều tin đồn cho thấy iPhone mới sẽ được trang bị cụm 3 camera ở phía sau, bao gồm một ống kính góc rộng, một ống kính góc siêu rộng và một ống tele 3x. Cả hai phiên bản cao cấp vẫn được trang bị màn hình OLED, tuy nhiên, phiên bản thay thế iPhone XR nhiều khả năng vẫn sử dụng màn hình LCD cùng các tùy chọn màu sắc mới.
Viên pin trên iPhone sẽ được tăng lên 4.000 mAh thay vì chỉ có 3.174 mAh như iPhone XS Max, cùng khả năng hỗ trợ sạc không dây 15 W. Về cổng kết nối, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ Apple sẽ sử dụng cổng USB Type-C thay thế cho cổng Lightning quen thuộc hay không.
Theo một số báo cáo, doanh số iPhone trong quý 1 2019 hiện đang giảm nhẹ, trong khi các hãng sản xuất đến từ Trung Quốc lại bất ngờ tăng trưởng. Do đó, chắc chắn Apple cần phải có nhiều thay đổi để giúp cho các model mới có được doanh số cao hơn.
Mặc dù đến tháng 9-2019 Apple mới trình làng các mẫu iPhone mới, tuy nhiên, iPhone 11 nhái đã nhanh chóng xuất hiện ở các cửa hàng di động nhỏ lẻ tại Việt Nam với mức giá không tưởng, dao động trong khoảng 2-3 triệu đồng.
Trước đây Kỷ Nguyên Số cũng đã từng nhiều lần cảnh báo bạn đọc về các mẫu iPhone, Samsung, Oppo giá rẻ bất ngờ trên thị trường, đa số đều là hàng nhái kiểu dáng, cấu hình thấp và màn hình kém nhạy.
Về cơ bản, đa số những mẫu smartphone nhái đều có thiết kế tương tự như hàng thật, nếu nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó để phân biệt. Thông thường, các mẫu iPhone nhái đều là những thiết bị chạy Android cấu hình thấp, được thiết kế lại giao diện cho trông giống với iOS. Tuy nhiên, khi kiểm tra bằng phần mềm chuyên dụng, thông tin thật về vi xử lý, RAM, bộ nhớ trong trên máy sẽ ngay lập tức lộ nguyên hình.
iPhone 11 nhái được rao bán tràn lan trên mạng. Ảnh: TIỂU MINH
Theo thông tin do người bán cung cấp thì những mẫu iPhone 11 này đều là hàng Đài Loan, một cái tên được mỹ miều hóa cho những dòng điện thoại nhái đến từ Trung Quốc. Không riêng gì iPhone mà nhiều dòng điện thoại khác của Samsung, Oppo cũng bị làm nhái và được bán ra với mức giá chỉ khoảng 2-3 triệu đồng.
Để tránh mua nhầm phải hàng giả, bạn không nên xem và mua sản phẩm của những người bán dạo ngoài đường với chiêu trò kẹt tiền cần bán gấp hoặc nhặt được và muốn bán lại giá rẻ.
Mức giá rẻ khó tin chính là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết đây chỉ là những dòng smartphone dỏm, bởi lẽ giá thực tế của những dòng điện thoại này thường trên 7 triệu đồng. Thêm vào đó, việc sử dụng cụm từ Made in Singapore có thể sẽ làm nhiều người thấy cao cấp, sang trọng hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là mác bên ngoài nên người cần cẩn trọng để tránh tiền mất tật mang.
Trước đó không lâu, phóng viên của trang Motherboard - Sarah Emerson đã mua về một chiếc iPhone X với giá 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) sau chuyến đi công tác tại Trung Quốc, và cô đã không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy những thứ nằm bên trong thiết bị.
Sau một ngày thử nghiệm, trang Motherboard đã mang thiết bị đến Trail of Bits, một công ty nghiên cứu và tư vấn bảo mật tại New York (Mỹ) để kiểm tra tất tần tật mọi thứ về chiếc iPhone X “Trung Quốc”. Vài tuần sau, nhà nghiên cứu Chris Evans của Trail of Bits đã gửi lại một bản báo cáo bảo mật chi tiết về mọi thứ bên trong chiếc iPhone X giá rẻ.
Theo Evans, thiết bị chạy trên nền tảng Android và được chắp vá từ nhiều nguồn khác nhau, ngoài ra, trên máy còn được cài sẵn nhiều phần mềm độc hại và backdoors (một loại phần mềm chuyên mở “cửa hậu” và đánh cắp dữ liệu người dùng). Đa số các ứng dụng này đều đến từ những nguồn không đáng tin cậy, những thiết lập bảo mật, sandbox (giữ lỗ hổng trong một ứng dụng không ảnh hưởng đến các phần khác trên điện thoại) hầu như không tồn tại.
Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng còn yêu cầu quyền hạn không rõ ràng, đơn cử như ứng dụng la bàn, cổ phiếu, đồng hồ yêu cầu quyền đọc tin nhắn văn bản. Đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy nhà sản xuất thiết bị đang cố gắng ăn cắp thông tin người dùng. Evans cũng tìm thấy rất nhiều bằng chứng về một loạt các backdoors, có lẽ được viết bởi nhiều nhà phát triển. Ứng dụng Safari giả sử dụng thư viện tùy chỉnh mở cửa hậu và cho phép tin tặc chạy mã trên điện thoại từ xa. Năm ngoái, Google đã xóa 500 ứng dụng có hơn 100 triệu lượt tải xuống trên Cửa hàng Play vì chúng bao gồm một trong các thư viện đó.
iPhone giả còn được cài sẵn backdoors AdUps, một phần mềm khét tiếng của Trung Quốc từng bị phát hiện trên 43 thương hiệu smartphone trước đó như Lenovo, ZTE, BLU, Archos… Ngoài ra còn có ứng dụng LovelyFont, được cấp gần như mọi quyền hạn và có khả năng thu thập dữ liệu gồm IMEI, MAC, serial của điện thoại và gửi đến máy chủ từ xa.
Về phần cứng, máy sử dụng vi xử lý MediaTek MT6580 thường xuất hiện trên các dòng smartphone Trung Quốc rẻ tiền. Evans cho biết thật khó để tìm ra ai đã là người phát triển chiếc điện thoại, nhưng chắc chắn nó đến từ Trung Quốc.
Sarah Emerson cho biết cô không thấy nhiều thiết bị dạng này ở các thị trường đã đến trước đó. Nếu chỉ xét về thiết kế bên ngoài, chắc hẳn sẽ có không ít người bị nhầm lẫn với iPhone X của Apple trong khi mức giá chỉ bằng 1/10.
Ở Việt Nam, các sản phẩm dạng này tồn tại khá nhiều tại các cửa hàng nhỏ lẻ và thường xuất hiện dưới tên gọi điện thoại Đài Loan, đơn cử như iPhone X Đài Loan, Galaxy S9 Đài Loan… Tuy nhiên, thực chất đây đều là hàng nhái đến từ Trung Quốc và được cài sẵn nhiều phần mềm độc hại nhằm mục đích đánh cắp thông tin quan trọng như hình ảnh, tin nhắn, đồng thời âm thầm trừ tiền trên điện thoại…