AUDIO BÀI VIẾT
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có hàng tỉ người dùng trên khắp thế giới bị rò rỉ thông tin cá nhân khi sử dụng Facebook, Yahoo! Mail… và bị tin tặc tấn công.
Các vụ tấn công hệ thống thông tin, cài mã độc, rao bán dữ liệu người dùng ngày càng diễn biến phức tạp. Do đó, người dùng cần phải chú trọng đến việc tự bảo vệ thông tin cá nhân khi truy cập Internet, nhằm tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Smartphone gần như đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nhiều người trong thời đại ngày nay. Thiết bị này cho phép mọi người kết nối và thực hiện nhiều hoạt động thiết yếu hằng ngày như nhắn tin, đọc báo, mua sắm, làm việc… Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt, sự phát triển của công nghệ có thể khiến chúng ta dễ bị rò rỉ thông tin hơn bao giờ hết.
Chắc hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã từng gặp trường hợp vừa nhắn tin hoặc nói chuyện với bạn bè về một sản phẩm nào đó, ngay lập tức khi lên Facebook liền thấy xuất hiện các mẩu quảng cáo liên quan.
Bên cạnh đó, khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram hay các ứng dụng đặt xe, người dùng thường phải cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, email… Thống kê cho thấy có tới 80% nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người sử dụng.
Dạo gần đây trên mạng liên tục xuất hiện các trang web rao bán điện thoại với mức giá rẻ không tưởng, để mua được, bạn cần phải nhập đầy đủ các thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, màu sản phẩm…
Không khó để nhận ra đây chỉ là một chiêu trò lừa đảo thông thường nhằm thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Mức giá rẻ khó tin chính là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết đây chỉ là những dòng smartphone dỏm, bởi lẽ giá thực tế của những dòng điện thoại này thường trên 5 triệu đồng.
Một hình thức thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Ảnh: TIỂU MINH
Khi phóng viên PLO liên hệ với các hãng điện thoại có liên quan, họ khẳng định không hề chạy các chương trình khuyến mãi giảm giá sốc 50% như các trang web trên.
Anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết: “Sau khi thu thập thông tin của người tiêu dùng, họ có thể bán lại cho các công ty có nhu cầu với mức giá 2-3 USD/người. Ngoài ra, họ còn sử dụng những tệp dữ liệu này để thực hiện các chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu”.
"Để hạn chế tình trạng bị rò rỉ thông tin, người dùng nên chia sẻ càng ít thông tin càng tốt. Đồng thời tạo thêm một địa chỉ email hoặc số điện thoại phụ, dùng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Trong trường hợp bị tấn công hoặc rò rỉ dữ liệu, bạn cũng không cần phải quá quan tâm vì đó chỉ là email, số điện thoại phụ" - anh Thắng chia sẻ thêm.
Đối với những tài khoản quan trọng như Facebook, gmail… bạn cần phải kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp, đồng thời sử dụng mật khẩu mạnh (bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt), bật VPN (mạng riêng ảo) khi thực hiện các giao dịch ngân hàng…