CEO Nokia - Stephen Elop đặt nhiều hy vọng vào nền tảng Windows Phone của Microsoft.
Trong khi toàn cảnh thị trường di động đang thay đổi rất nhiều với sự xuất hiện của phân khúc smartphone. Phân khúc này đang dần trở nên đông đúc và khó “nhằn” đối với nhiều nhà sản xuất. Về phần cứng, tuy Nokia đã bắt kịp các thông số kỹ thuật của các thiết bị Android hiện nay nhưng chắc chắn cuộc chiến giữa Nokia và Android sẽ rất khó chịu.
Kết quả không khả quan
Tháng 2/2011, Nokia và Microsoft đã ký thỏa thuận hợp tác sử dụng nền tảng Windows Phone trên các smartphone Nokia bán ra thị trường. Năm 2012 không phải là năm tốt đẹp đối với công ty Phần Lan. Ước tính họ mất khoảng 3 tỷ USD trong khoảng thời gian này nhưng vẫn có một chút hy vọng vào lợi nhuận nhỏ của quý 4/2012.
Nokia thông báo lợi nhuận quý 4/2012 đạt 585 triệu USD (trong tổng doanh thu 10,73 tỷ USD). Nokia đã bán được 4,4 triệu smartphone Lumia nhưng chỉ có 700 nghìn chiếc được tiêu thụ ở Bắc Mỹ và đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Nokia đã cung cấp kết quả kinh doanh quý 1 trong tháng trước với tín hiệu tốt về dòng smartphone Lumia. Họ bán được 400 nghìn chiếc Lumia ở Bắc Mỹ trong tổng doanh số trên toàn cầu là 5,6 triệu chiếc, nhiều hơn hẳn so với các quý trước. Tuy số lượng smartphone bán ra tăng lên nhưng tổng số điện thoại Nokia bán được là 55,8 triệu chiếc, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo cũng cho rằng, dự đoán kết quả kinh doanh quý 2 lại tồi tệ hơn, giảm 2%.
Nokia đã hứa hẹn mọi thứ sẽ thay đổi trong hai năm qua nhưng mọi thứ đến giờ vẫn không như dự định ban đầu.
Cổ đông không hài lòng
Kết quả tổng thể và những lời hứa hẹn sẽ khôi phục thời hoàng kim, trở thành đối thủ cạnh tranh với Apple và Samsung đã không làm cho các cổ đông hài lòng. Các cổ đông đã thể hiện sự bất mãn trong đại hội cổ đông thường niên của Nokia diễn ra tại Helsinki.
Một cổ đông nói với CEO Nokia - Stephen Elop: “Bạn là một người đàn ông tốt… và đội ngũ lãnh đạo đã làm tốt nhất có thể nhưng rõ ràng, điều đó là không đủ. Kết quả là điều quan trọng? Con đường đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt. Hãy tìm một con đường mới”.
Trong khi đó Elop khẳng định lại cam kết của mình với Windows Phone rằng, WP sẽ giúp công ty cạnh tranh với Samsung và Apple. Nhưng nhiều cổ đông cho rằng nên tìm “con đường mới” và câu hỏi cũ của hai năm qua lại được khơi lại – là liệu Nokia có nên chuyển sang Android và đến giờ có quá muộn để làm được điều đó?
Nokia có nên chuyển sang Android?
Rất dễ để trả lời là “rất nên” chuyển sang Android. Sau tất cả, Nokia đã chứng tỏ về khả năng xây dựng phần cứng và việc hỗ trợ nền tảng Android trên đó sẽ mang tới cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời.
Mọi thứ sẽ khác rất nhiều nếu Nokia chuyển sang Andoid vào đầu năm 2011 khi hợp đồng Windows Phone đã được thực hiện. Đó là trước khi Samsung bắt đầu nổi lên dẫn đầu nền tảng Android. Samsung đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong cuộc đua Android kể từ cuối năm 2011, còn các đối thủ HTC, LG, Motorola, Sony và các công ty khác đang phải vật lộn để tìm ra siêu phẩm mới. Vì vậy, nếu Nokia quyết định chuyển sang Android bây giờ hoặc trong tương lai gần thì có thể sẽ là quá muộn.
Thật khó để bỏ qua thực tế rằng, cạnh tranh trong thế giới Android hiện giờ cực kỳ khốc liệt và sẽ chỉ tồi tệ hơn. Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể phá hỏng một thiết bị.
Nokia vẫn thống trị điện thoại tính năng và thị trường smartphone giá rẻ, đặc biệt là các thị trường đang nổi như Ấn Độ và gòng smartphone Nokia Asha thực sự vẫn được nhiều người dùng ưa chuộng. Hơn nữa, Nokia nổi tiếng với công nghệ chụp ảnh tuyệt vời của smartphone và nếu biết tận dụng lợi thế đó, họ có thể thu hút được người tiêu dùng. Nokia sẽ phải nâng cấp thiết bị để bắt kịp các siêu phẩm của các nhà sản xuất Android khác.
Do đó, rất khó để có thể dự đoán được sự thành công của Nokia nếu chuyển sang sản xuất smartphone Android.
Hiện Nokia chắc chắn đặt cược vận mệnh của mình vào Windows Phone. Trong báo cáo tài chính thường niên của Nokia được đệ trình cách đây một vài tháng, công ty tiết lộ rằng, họ sẽ phải trả phí giấy phép sử dụng Windows Phone là 650 triệu USD cho Microsoft trong giai đoạn hợp tác. Hiện giờ, phí hỗ trợ nền tảng Microsoft trả cho Nokia khoảng 250 triệu USD/1 quý, nhiều hơn so với Nokia trả ngược trở lại cho Microsoft. Tuy nhiên điều đó sẽ sớm bị đảo ngược trở lại, Nokia sẽ phải tiếp tục trả phí sử dụng giấy phép cho đến khi hợp đồng hết hạn.
Bởi vì đáng nhẽ công ty trả phí giấy phép cho nền tảng họ sử dụng trên mỗi điện thoại bán ra nhưng ở đây, Nokia phải trả cho Microsoft một khoản phí tổng thể. Do đó, nếu Nokia bán được nhiều điện thoại Lumia thì phí trả cho Microsoft trên mỗi smartphone bán ra sẽ rất nhỏ còn không sẽ rất lớn. Do đó, việc hợp tác với Microsoft có thể sẽ gây khó khăn lớn đối với Nokia nếu như họ không bán được Lumia. Thực sự, Nokia đang bị “sa lầy” với Windows Phone và vẫn chưa tìm được lối thoát để vươn lên trở lại.
(Theo VnMedia)