Chủ nhân của KickAssTorrents (KAT), dịch vụ chia sẻ dữ liệu lớn nhất thế giới, đã bị cảnh sát Ba Lan bắt giữ ngày 21-7-2016. Đó quả là một tin chấn động đối với những người bao năm nay chuyên tải các phần mềm, phim ảnh, sách,… thuộc dạng xâm phạm bản quyền trí tuệ trên toàn thế giới. Thế nhưng KAT vẫn chỉ là một trong những sự vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ trong cộng đồng mạng.
Lưu trữ dữ liệu công khai
Vào tháng 3-2005, Công ty online Megaupload được đăng ký thành lập tại Hong Kong với quy mô hoạt động toàn thế giới trong ngành hosting. Chủ nhân của nó là Kim Dotcom (tên thật là Kim Schmitz, sinh năm 1974). Dotcom sinh ở miền Tây nước Đức, mang hai quốc tịch Đức và Phần Lan nhưng định cư ở New Zealand. Megaupload trở nên khét tiếng trong giới công nghệ khi trở thành nơi cho mọi người chia sẻ miễn phí các nội dung số (phần mềm, sách báo, phim ảnh,…) mà họ có được. Website này có tới hơn 150 triệu người dùng đăng ký, trong đó có 82,5 triệu khách ruột, bình quân mỗi ngày có khoảng 50 triệu khách truy cập.
Megaupload hoạt động theo phương thức truyền thống là nơi cho mọi người tải các nội dung số lên lưu trữ và phát tán cho bất cứ ai cần. Do trực tiếp lưu trữ các tài sản xâm phạm bản quyền này, Megaupload đã sụp đổ hoàn toàn sau khi các máy chủ bị nhà chức trách tịch thu. Dotcom đã bị Mỹ cáo buộc gây thiệt hại cho ngành giải trí 500 triệu USD thông qua việc cung cấp lậu các tác phẩm trên website Megaupload.
Tuy nhiên, tháng 1-2013, tức chỉ ít tháng sau khi bị tóm cổ với website Megaupload, Dotcom đã lập một dịch vụ lưu trữ đám mây khác với tên Mega. Lần này Mega dùng công nghệ mã hóa để ngăn chặn nhà chức trách hay bên thứ ba nào “trinh sát” sự riêng tư của người dùng.
Sách báo hay phim ảnh đang bị các hệ thống chia sẻ trên mạng xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. Ảnh: INTERNET
Cho đến môi giới lậu
Quay trở lại với KickAssTorrents, với 28 phiên bản ngôn ngữ, hơn 50 triệu người dùng thật sự mỗi tháng, tức bình quân mỗi ngày có gần hai triệu người truy cập, giá trị ròng ước tính lên tới 54 triệu USD. KAT do Artem Vaulin, một người Ukraine năm nay 30 tuổi, thành lập năm 2008.
Vaulin mở dịch vụ KAT để kiếm tiền trên các công sức sáng tạo của người khác. Tất nhiên anh ta không mua bán các món xâm phạm bản quyền tác giả mà chỉ khai thác chúng để kiếm tiền từ quảng cáo dựa trên số người truy cập khổng lồ vào KAT. Theo hồ sơ dày 50 trang được lập bởi Jared Der-Yeghiayan, một đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ (HIS), vào năm 2016, doanh thu từ quảng cáo của KAT ước chừng 12,5-22,3 triệu USD/năm.
Điều khác biệt là KAT không lưu giữ các file xâm phạm bản quyền như ở website Megaupload. Nó chỉ cung cấp các link định dạng .torrent và .magnet để người dùng có thể tải các file nội dung từ vô số người dùng BitTorrent đang chia sẻ trên Internet. Vì thế, nhà chức trách chỉ có thể thu hồi các tên miền của KAT mà không thể đụng chạm gì tới nội dung mà nó chia sẻ.
Cuộc chiến không hồi kết
Tuy nhiên, KAT và Megaupload hay các dịch vụ tương tự đều như đầu “Phạm Nhan”, chặt cái này nó sẽ mọc ra cái khác. Đó là một nhu cầu thực tế của cộng đồng công nghệ. Không ai tán dương chuyện xâm phạm bản quyền trí tuệ nhưng người ta vẫn phải chấp nhận nó giữa một thế giới quá đa dạng và phức tạp, với đủ loại mức sống và nhận thức khác biệt nhau, thậm chí như nước với lửa.
Riêng về KAT, dịch vụ này dùng những server và domain khác nhau rải ra trên khắp thế giới với vô số bản clone. Nhà chức trách hầu như vô phương triệt hết toàn bộ bản “nhân bản vô tính” này. Mà chỉ cần một bản clone tồn tại là lập tức có thêm những bản clone y chang ở đâu đó. Một số chuyên gia gọi đây là một cuộc chiến không có hồi kết (endless war) hay một cuộc chiến thất bại (lost war).
Giải pháp nào cho vấn nạn xâm phạm bản quyền trí tuệ? Người ta chỉ có thể làm giảm nhẹ hoạt động của nó khi có một liệu pháp kết hợp. Pháp luật nghiêm khắc, rõ ràng, dứt khoát vừa tạo hành lang pháp lý, vừa xây dựng nền tảng xã hội không cho phép hành vi này tồn tại.
Một người bạn mở dịch vụ gia công vẽ phim hoạt hình cho Pháp cho biết đối tác bên Pháp yêu cầu bên gia công phải cung cấp bản quyền tất cả phần mềm máy tính được sử dụng để vẽ tranh. Một ông bố người Việt ở Mỹ bị mấy đứa con lớn lên ở Mỹ phản ứng khi anh xài những phần mềm lậu mua về từ Việt Nam. Bọn trẻ nói mình được nhà trường dạy từ nhỏ rằng đó là hành động vừa phạm pháp vừa không có đạo đức. Hai ví dụ nhỏ nhưng gợi nhiều suy nghĩ.
Khó xử lý triệt để Thực tế các nhà chức trách gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý triệt để các trang web vi phạm. Sau vụ triệt phá KAT, kẻ xấu chỉ việc ngồi chờ có ai đó reset lại DNS để cho server chứa bản clone KAT nào đó hoạt động lại, thế là hệ thống có thể hồi phục. Còn với Megaupload, hãng tin Anh BBC (11-7-2016) cho biết ông chủ của trang web trên đã có kế hoạch hồi sinh hệ thống lưu trữ dữ liệu Megaupload vào tháng 1-2017, lần này hứa hẹn hoành tráng hơn. |