Theo báo cáo vào năm 2017 của AnTuTu, trên thị trường smartphone dỏm có đến 36% thiết bị mang thương hiệu Samsung, tăng đáng kể so với 7,7% của iPhone và 3,4% của Huawei. Trong đó, cái tên bị làm nhái nhiều nhất là Samsung Galaxy S7 Edge. Báo cáo cũng cho hay 2,64% trong số 17.424.726 thiết bị được xác minh là dỏm, tương đương khoảng 460.000 máy. Trong khi thực tế, có hơn 1 tỉ chiếc smartphone đang được sử dụng trên khắp thế giới nên số lượng máy dỏm có thể lớn hơn nữa.
Giá rẻ đi kèm với chất lượng kém
Cách an toàn nhất là mua một chiếc smartphone mới từ nhà bán lẻ uy tín nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Thị trường điện thoại cũ, tân trang ngày càng phát triển trong khi không ít người dùng luôn có khao khát sở hữu sản phẩm cao cấp với mức giá vừa phải. Đây hoàn toàn là một mong muốn chính đáng. Do đó, khi chọn mua smartphone, người dùng nên cân nhắc những đặc điểm sau để tránh việc “ăn” phải những cú lừa không đáng có.
Theo ghi nhận, giá các dòng điện thoại dỏm thường có giá dao động từ 2-3 triệu đồng, một mức giá khá phải chăng và dễ khiến nhiều người dùng mờ mắt. Đơn cử như Samsung S9 Plus hiện được bán với giá 2,399 triệu, S10+ giá 2,8 triệu, Note 9 giá 2,499 triệu, iPhone X giá 2,6 triệu, iPhone XS Max giá 2,8 triệu,… Không khó để tìm thấy những mẩu tin rao bán điện thoại dỏm giá rẻ như hình bên dưới.
Khi được hỏi về nguồn gốc hàng hóa, người bán cho biết điện thoại xuất xứ từ Đài Loan hoặc Singapore, một cái tên mĩ miều hóa cho các dòng điện thoại dỏm trôi nổi về Việt Nam thông qua các cửa tiểu ngạch từ Trung Quốc. Thực tế đa phần đều là hàng Trung Quốc giả, dạng ăn theo các siêu phẩm.
Anh Long, chủ cửa hàng Tablet Plaza nhận định: “Đa số Note 9, S10+ có giá dưới 6 triệu đồng đều là hàng giả. Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn đăng bán sản phẩm giá rẻ nhưng khi gọi đến đều báo hết hàng, làm loạn giá sản phẩm trên thị trường, tạo ra xu hướng cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng không nhỏ đến các cửa hàng kinh doanh chân chính”.
Làm thế nào để phân biệt smartphone dỏm?
Để phân biệt điện thoại dỏm, cách đơn giản và dễ nhất là dựa vào ngoại hình. Điện thoại dỏm thường có thiết kế tương tự hàng chính hãng, tuy nhiên độ sắc sảo khá kém, màu sắc giao diện nhợt nhạt và thiếu nhiều chức năng. Ngoài ra, người mua cũng nên sử dụng các phần mềm đo hiệu suất như AnTuTu hoặc CPU-Z để kiểm tra cấu hình, nếu thông số RAM, vi xử lý không đúng thì đây chắc chắn là hàng dỏm.
Số IMEI vẫn có thể bị làm giả, tuy nhiên bạn cũng nên kiểm tra thêm số IMEI trên máy và vỏ hộp xem cả hai có trùng nhau không bằng cách mở ứng dụng quay số và bấm *#06#.
Còn với các sản phẩm iPhone cũng không tránh khỏi trường hợp bị làm giả, thậm chí hàng giả còn giống đến 99% so với hàng thật về cả ngoại hình lẫn tính năng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phân biệt dựa vào một số điểm khác biệt sau đây. Đầu tiên là jack cắm tai nghe, hàng thật sẽ có màu trắng trong khi hàng giả là màu xám hoặc hơi tối.
Tiếp theo là cổng sạc, hàng thật sẽ có chân tiếp xúc nằm ở dưới và hàng giả nằm ở phía trên. Ngoài ra còn một số điểm khác nhau như camera trước trên iPhone giả khá nhỏ, đèn flash phía sau kém sắc sảo, được cài sẵn Google Play thay vì App Store và có thêm khe cắm thẻ nhớ. Cách cuối cùng để kiểm tra là cắm iPhone vào máy tính, nếu iTunes không nhận ra thì đây chắc chắn là hàng giả.
Để tránh mua nhầm phải hàng giả, bạn không nên xem và mua sản phẩm của những người bán dạo ngoài đường với chiêu trò kẹt tiền cần bán gấp hoặc nhặt được và muốn bán lại giá rẻ.
Mức giá rẻ khó tin chính là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết đây chỉ là những dòng smartphone dỏm, bởi lẽ giá thực tế của những dòng điện thoại này thường trên 7 triệu đồng. Thêm vào đó, việc sử dụng cụm từ Made in Singapore có thể sẽ làm nhiều người thấy cao cấp, sang trọng hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là mác bên ngoài nên người cần cẩn trọng để tránh tiền mất tật mang.