iPhone giá rẻ hay giá cao?
Sáng 24-3, Vinaphone đã chính thức công bố giá bán máy iPhone 3G và iPhone 3GS. Với mức giá chỉ từ 9.888.000 đồng (chưa có VAT), khách hàng đã có thể sở hữu một “quả táo” ưng ý. Tuy nhiên, điều kiện của mạng đưa ra là khách hàng phải lựa chọn dùng một trong những gói cước của họ. 3 gói thuê bao trả sau có mức thuê bao trọn gói hàng tháng tương ứng là 400.000 đồng, 550.000 đồng và 650.000 đồng. Gói cước trả trước có mức cước khoán trọn gói là 1.400.000 đồng/năm.
Vinaphone cũng đưa ra các chương trình ưu đãi cho khách hàng sử dụng một trong số những gói cước này như: ưu đãi 550 phút gọi trong nước miễn phí hàng tháng, dung lượng truy cập internet 3G không giới hạn. Khách hàng hòa mạng các gói cước iTouch còn được khuyến mại cước lên đến gần 7 triệu đồng trong thời gian cam kết sử dụng là 24 tháng. Đại diện mạng Vinaphone cho biết, sau khi trừ đi các khoản ưu đãi này, chi phí thực tế để sở hữu máy iPhone 3G thấp nhất chỉ còn từ gần 4 triệu đồng và cao nhất là khoảng 10,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo tính toán của 1 khách hàng, giả sử người mua muốn sở hữu iPhone 3GS 16GB theo gói iTouch 1, chi phí thực tế phải bỏ ra lên tới 17,998 triệu đồng. Khi đó, iPhone chính hãng được phân phối đắt hơn nhiều so với iPhone cùng loại ngoài thị trường.
Tương tự, khách hàng không thể dễ dàng mua điện thoại iPhone chính hãng của Viettel với giá từ 0 đồng, bởi họ sẽ chịu sự ràng buộc khác từ nhà mạng, mà với sự ràng buộc này, khách hàng ít có cơ hội sở hữu hàng giá rẻ. Chính vì cách tính giá cước trên mà ngay trong ngày đầu tiên cung cấp điện thoại iPhone ra thị trường, nhiều khách hàng sau bao ngày háo hức chờ mua iPhone giá rẻ đã ra về tay không. Số lượng khách hàng tò mò đến xem hàng nhiều hơn là khách đến mua hàng trong thực tế.
Anh Thành (Thanh Xuân - Hà Nội), một khách hàng đến điểm bán hàng của Vinaphone ở 384 Xã Đàn cho hay: “Hiểu được cách tính cước của nhà mạng, khách hàng sẽ thấy mình bị mua hàng quá đắt. Với những người đã có tiền cước điện thoại lên đến tiền triệu mỗi tháng, họ không cần mua iPhone giá rẻ. Còn đối với những người có thu nhập thấp hơn, chi phí cước điện thoại như cam kết lại quá cao”. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cho rằng, iPhone không phải là sản phẩm quá mới mẻ ở Việt Nam. Nhiều người đã sử dụng iPhone từ 2-3 năm trước.
Mất phí để được bảo vệ
Ngày 22-3, mạng di động Vinaphone công bố triển khai cung cấp dịch vụ Quản lý cuộc gọi (Call Management - CM) cho các thuê bao trả trước và trả sau của mạng với cước phí thuê bao 10.000 đồng/tháng/thuê bao. Theo đó, khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ CM sẽ được chặn cuộc gọi đến, chuyển cuộc gọi đến và nhận cuộc gọi đến. Với dịch vụ chặn cuộc gọi đến, khách hàng sẽ không lo bị làm phiền bởi các cuộc gọi quấy rối từ các số điện thoại không mong muốn. Các thuê bao nằm trong “danh sách đen” sẽ không thể thực hiện cuộc gọi đến máy di động của khách hàng (hệ thống báo thuê bao đang ở chế độ bận - number busy).
Một khách hàng sử dụng di động phàn nàn: “10.000 đồng/tháng để được bảo vệ khỏi bị quấy nhiễu không phải là số tiền lớn. Nhưng trách nhiệm bảo vệ khách hàng khỏi sự quấy nhiễu của thuê bao khác nhà mạng phải làm. Khách hàng có thể hiểu ngược lại, nếu họ không đăng ký dịch vụ này, nhà mạng sẽ mặc kệ họ khi bị quấy nhiễu mà không can thiệp gì”? Tuy nhiên, Vinaphone không phải mạng điện thoại duy nhất cung cấp dịch vụ vô lý này. Trước đó, một số mạng khác đã triển khai dịch vụ có chức năng tương ứng.
Đối với dịch vụ nhận cuộc gọi và từ chối cuộc gọi, thuận tiện khi đi công tác nước ngoài, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động biết được số máy cần nghe hoặc không, mà không cần dùng đến dịch vụ của nhà mạng.
Thực tế cho thấy, các mạng di động đang cố gắng cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích cho người sử dụng. Tuy nhiên, khách hàng mong muốn những dịch vụ thực sự hữu dụng và hợp lý.
Theo Hà Linh (ANTĐ)