Theo nghiên cứu mới được công bố của chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông di động Toni Sacconaghi thuộc hãng nghiên cứu Bernstein Research, tính đến hết năm 2009, iPhone đã chiếm khoảng 40% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu. Hiện tại, iPhone đang được phân phối thông qua 143 nhà mạng tại 89 quốc gia (chưa tính Việt Nam). Các nhà mạng này đã bán ra khoảng 360 triệu điện thoại di động (64 triệu trong đó là smartphone) kèm theo các gói cước và thời hạn cam kết sử dụng. Riêng trong năm 2009, các nhà mạng này đã tiêu thụ cho Apple khoảng 25 triệu iPhone. Với con số này, giới kinh doanh di động đã tiên đoán Apple đang chuẩn bị bước vào thời kỳ khó khăn về tăng trưởng thị phần.
Nhưng theo Toni Sacconaghi, Apple vẫn còn có thể tăng gấp đôi lượng tiêu thụ iPhone của mình nếu họ tiếp tục mở rộng danh sách những nhà mạng được phép phân phối dòng di động cảm ứng này. Chưa hết, nếu Apple bán iPhone không kèm các hợp đồng và gói cước cam kết sử dụng, sự hiện diện của iPhone trên thế giới còn có thể tăng gấp 3 lần. Tính gộp cả 2 phương án trên, Apple hoàn toàn có thể tiêu thụ được khoảng 557 triệu chiếc iPhone, cao gấp 7 lần so với số iPhone đang hoạt động trên toàn thế giới hiện nay. Một con số đủ khiến các nhà sản xuất di động khác giật mình.
Cũng theo công trình nghiên cứu của Toni Sacconaghi, số lượng khách hàng của các nhà mạng đang phân phối hiện nay mới chỉ chiếm chưa đến 1/2 tổng số thuê bao di động trả sau của thế giới bởi còn những nhà mạng khổng lồ như China Mobile (hãng di động có số thuê bao lớn nhất thế giới), NTT DoCoMo (Nhật Bản) và Verizon Wireless (nhà mạng lớn nhất nước Mỹ) chưa phân phối iPhone. Nếu Apple đưa được toàn bộ 13 mạng di động lớn nhất thế giới vào danh sách những nhà phân phối iPhone, thị phần của sản phẩm này sẽ tăng lên tới 65%. Nhưng trên thực tế, Apple cũng không phải quá “gà mờ” với điều này bởi chỉ trong vòng 4 tháng vừa qua, đã có thêm 15 nhà mạng ký hợp đồng phân phối iPhone.
Với ý tưởng thứ hai, Apple phân phối iPhone không kèm các gói cước cam kết, đã được giới kinh doanh bàn tán từ khá lâu nhưng dường như đó chỉ là những ý tưởng “nói cho vui” vì Apple chưa bao giờ bày tỏ ý định sẽ làm theo hướng đó. “Với mức giá 99 USD của một chiếc iPhone 3G như hiện nay, chúng tôi tin rằng lợi nhuận đủ để Apple và các nhà mạng giảm mức cước cam kết của khách hàng”, Toni Sacconaghi viết trong nghiên cứu của mình. Trên thị trường thế giới, thị trường điện thoại trả sau kèm theo các gói cước cam kết hiện vẫn lớn gấp 4 lần thị trường smartphone (có cam kết) với mức doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU) vào khoảng 40 USD.
Theo tính toán của Sacconaghi, hiện nay lợi nhuận của riêng việc bán iPhone đã mang về cho Apple khoảng 5 USD mỗi chiếc (tính theo thu nhập trên mỗi cổ phiếu EPS) và nếu bán iPhone theo dạng không khóa, Apple còn có thể kiếm thêm được khoảng 4 USD nữa. Nhưng mức lợi nhuận 9 USD không thể khiến Apple lóa mắt bởi ước tính trong năm tài chính 2010, iPhone đã mang về cho họ khoảng 8 USD trên mỗi cổ phiếu. Thêm vào đó, nếu làm theo hướng này chính Apple đang đánh cược với những rủi ro mà thị trường phân phối tự do mang lại.
“Chúng ta thường chỉ nhắm đến mức thị phần mà iPhone có thể đạt được mà quên mất rằng nếu không đạt được mức lợi nhuận đó hay bị các mẫu máy giá rẻ khác cạnh tranh, Apple sẽ tự "đạp đổ" mảng kinh doanh di động của mình”, Steward – một chuyên gia trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ tại California bình luận.
“Cho đến nay, Apple đang làm rất tốt việc mở rộng thị trường cho iPhone, giảm giá dần dần mà không làm mất giá thương hiệu cũng như lợi nhuận hay doanh số. Điều đó cho thấy họ sẽ chẳng việc gì phải vội vàng, phát triển nhanh để rồi nhận trái đắng”, chuyên gia Sacconaghi kết luận.
Theo ICTnews