Những chiếc xe không người lái giờ đây không còn là chuyện chỉ có trong phim khoa học giả tưởng của Hollywood mà đang dần thành hiện thực. Bên cạnh hàng loạt dự án thử nghiệm nghiên cứu, nóng nhất lúc này là chuyện xứ Singapore hồi hạ tuần tháng 8-2016 đã đưa vào thử nghiệm trong cuộc sống những chiếc taxi đầu tiên tự động chạy.
Chạy đua với công nghệ xe tự lái
Dự án xe tự lái (self-driving car) hay nôm na mà thực tế là “xe không tài xế” (driverless car) chính là một dạng xe tự động (autonomous car). Một trong những doanh nghiệp đi đầu có lẽ là Google với dự án Google X, hãng này đã đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian cho dự án phát triển xe tự lái. Vào năm 2012, nhóm thử nghiệm đã có được sáu chiếc và tới tháng 5-2015, đội xe tự lái của Google đã có 23 chiếc. Có tin nói rằng mỗi chiếc xe tự lái của Google được trang bị các thiết bị trị giá khoảng 150.000 USD. Tính tới tháng 6-2016, đội xe tự lái của Google đã chạy thử nghiệm trong chế độ tự động được tổng cộng hơn 2,7 triệu km đường dài.
Hồi tháng 8-2016, dịch vụ taxi Uber nổi tiếng thế giới cũng đã loan báo sẽ thử nghiệm các xe tự lái của mình tại Pittsburgh (bang Pennsylvania, Mỹ). Những chiếc xe tự lái này bao gồm Volvo XC90 và Ford Focus. Hãng Volvo cho biết sẽ cùng với Uber đầu tư khoản tiền 300 triệu USD cho việc phát triển những mẫu SUV tự lái hoàn toàn.
Nhưng chấn động nhất là sự kiện đảo quốc sư tử biển Singapore đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa xe tự lái vào thử nghiệm thương mại hóa. Ngày 26-8-2016, công ty phát triển phần mềm nuTonomy có trụ sở tại Singapore đã tiến hành thử nghiệm trong công chúng lần đầu tiên dịch vụ taxi tự động (robo-taxi services). Dịch vụ này chỉ hoạt động trong phạm vi rộng 2,5 dặm vuông của khu phố kinh doanh One-North, nơi nuTonomy đã thử nghiệm loại xe tự động (AV) từ tháng 4-2016. Thông qua một ứng dụng di động, người ta có thể đăng ký để được chọn làm hành khách cho một chuyến đi thử miễn phí trên loại xe tự động này.
Taxi tự động tại Singapore. Ảnh: INTERNET
Lợi miễn bàn, còn hại thì vẫn cần cân nhắc
Với dự án xe tự lái, Google giải thích rằng mình thực hiện dự án xe tự lái nhằm đem lại nhiều tiện ích và tăng thêm mức độ an toàn cho con người. Chẳng hạn, người lái xe có nguy cơ gây tai nạn cao hơn tỉ lệ thuận với tuổi tác của mình. Mắt ngày càng kém, thao tác ngày càng chậm chạp và thiếu chính xác. Có tới 94% số tai nạn giao thông ở Mỹ do lỗi của con người. Theo Google, nếu có được một giải pháp lái xe an toàn, số người chết vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới hiện ở mức hơn 1,2 triệu nạn nhân mỗi năm có thể giảm đáng kể.
Dù vậy, khi đưa ra dự thảo quy định về xe tự lái hồi cuối năm 2015, Sở DMV (tạm gọi là Sở Quản lý cơ giới) ở bang California nói rằng: “Vì những mối nguy hiểm tiềm ẩn có liên quan tới việc triển khai một công nghệ mới như thế này, chúng tôi cho rằng các nhà sản xuất cần phải có thêm trải nghiệm hơn nữa trong quá trình thử nghiệm các xe không người lái trên các công lộ trước khi đưa công nghệ này rộng rãi ra cho công chúng”.
Dĩ nhiên xe tự lái do hệ thống máy tính điều khiển và có thể được kết nối để điều khiển qua mạng. Xe hoạt động chủ yếu dựa trên một lô lốc các cảm biến, camera, radar để quan sát xung quanh xe, cung cấp dữ liệu cho phần mềm điều khiển xe lưu thông. Mà xưa nay phần cứng điện tử và đặc biệt là phần mềm cũng có thể bị chập cheng. Do có tính năng kết nối qua mạng, xe tự lái cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ bị kẻ xấu tấn công bằng mã độc, chiếm quyền điều khiển,… Tất nhiên đó không phải là những rào cản công nghệ không thể giải quyết được.
Nói chung là trong thời điểm này còn quá nhiều chuyện để phải bàn tới tính lui về loại hình ô tô tự lái. Và nói cách nào đó, xe tự lái cũng giống như một người máy vận chuyển hành khách. Trước mắt, đây là một loại phương tiên vận chuyển thích hợp và thú vị cho các khu vực khép kín như các khu dân cư, khuôn viên trường học, resort,…. Cũng đã có những kịch bản dành làn đường riêng cho xe tự lái khi tham gia lưu thông trên công lộ.
Vẫn tốt hơn xe có người lái Trong một báo cáo về xe tự động, hãng tư vấn McKinsey ước tính vào năm 2025 trên toàn cầu sẽ có 30.000 tới 150.000 người được cứu sống mỗi năm khỏi các tai nạn giao thông nếu như công nghệ xe tự động được các nước ứng dụng vào cuộc sống. Đồng thời, lượng khí thải carbon gây độc hại môi trường cũng có thể giảm tới 300 triệu tấn mỗi năm nhờ các loại xe tự động tiết kiệm được 15%-20% lượng nhiên liệu tiêu thụ do hành trình được hợp lý hóa chính xác hơn. |