Xét theo những tiêu chuẩn ngày nay, điện thoại Nokia khoảng chục năm trước thô kệch và thiếu nhiều tính năng. Chúng có thể gọi điện, nhắn tin và chơi game Snake. Hãy quên đi màn hình Retina, Full HD sắc nét, chúng chỉ có màn hình đen trắng với đèn nhấp nháy màu xanh. Phụ kiện "sành điệu" đi kèm là bao da có thể đính ở thắt lưng.
Những ngày đó đã qua. Từ 25/4, cựu vương của làng di động chính thức bán phần quan trọng nhất của họ là bộ phận thiết bị và dịch vụ cho Microsoft. Công ty Nokia vẫn tồn tại, nhưng những chiếc điện thoại Nokia giờ sẽ do tập đoàn phần mềm Mỹ sản xuất.
"Hôm nay (25/4) là một ngày tuyệt vời khi chúng ta gia nhập gia đình Microsoft và thực hiện bước đi đầu tiên nhưng quan trọng trong hành trình dài", Stephen Elop, cựu CEO của Nokia viết trên blog.
Con số 7,2 tỷ USD mà Microsoft bỏ ra để mua Nokia, chưa bằng một nửa giá trị của Whatsapp khi về Facebook, là bằng chứng rõ ràng và bi đát nhất cho thấy ngay cả những công ty mạnh nhất cũng có ngày sụp đổ.
Ngoài Motorola, hãng phát minh ra điện thoại cầm tay, từng không có một tên tuổi nào lớn hơn Nokia trong làng di dộng. Samsung - hiện là hãng điện thoại lớn nhất thế giới - cũng chưa thể đạt được thị phần lên tới 41% như Nokia vào năm 2007.
"Khó có thể tưởng tượng một công ty nào chiếm tới 41% thị phần trong thế giới di động ngày nay", chuyên gia phân tích Ken Hyers của Strategy Analytics nhận định trên CNet.
Đến cuối năm 2013, thị phần của Nokia còn lại 15% nhờ vào dòng điện thoại giá rẻ. Khi Nokia còn trên đỉnh cao, dường như không ai có thể chạm tới bởi khoảng cách của họ với những công ty khác quá xa vời. Chính vì vậy, công ty tưởng chừng như không thể đánh bại ấy dường như đã quá ngạo mạn và không chịu thay đổi, thấy không cần thiết phải thay đổi hoặc không dám thay đổi trước sự xuất hiện của các yếu tố mới mẻ. Ban đầu là Motorola Razr và tiếp đến là Apple iPhone.
Khi hầu như cả thế giới sử dụng những chiếc điện thoại dạng thanh của Nokia thì người tiêu dùng Mỹ bắt đầu bị chinh phục bởi dòng điện thoại gập tinh tế, đáng yêu. Motorola dẫn đầu xu hướng này với điện thoại siêu mỏng Razr năm 2004 và đây vẫn là một trong những thiết bị thành công nhất trong lịch sử khi trở thành điện thoại bán chạy nhất thế giới trong gần 3 năm.
Nokia quá kiêu hãnh để chấp nhận thực tế đó và họ từ chối sản xuất điện thoại gập một cách nghiêm túc và cho rằng thiết kế gập khiến người sử dụng khó mở bằng một tay. Có nghĩa, Nokia sẵn sàng bỏ rơi thị trường quan trọng là Mỹ và nhường sân cho Samsung và LG nhanh chân tiếp quản.
Dù vậy, quyết định đó không làm ảnh hưởng nhiều đến Nokia. Phải tới khi Apple bước chân vào thị trường di động, bi kịch mới xảy ra. Apple không phát minh ra smartphone hay màn hình cảm ứng, nhưng iPhone mang đến khái niệm hoàn toàn mới mẻ về điện thoại thông minh và làm nên cuộc cách mạng về cách con người tương tác với thiết bị di động thông qua hệ điều hành iOS và kho ứng dụng App Store. Trong khi đó, nền tảng Symbian của Nokia già nua, lạc hậu trước sự mượt mà, tiến bộ của iOS và sau này là Android.
Thế nhưng, Nokia vẫn tiếp tục cho thấy họ không thể tiếp nhận cái mới. Một năm sau khi iPhone ra đời, hãng này mới trình làng chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng đa điểm đầu tiên là Nokia 5800, nhưng tạo cảm giác đây là thiết bị hỗ trợ nghe nhạc hơn là smartphone.
Những gì tiếp theo đã rõ. Sáu năm qua, Apple và Samsung lớn mạnh bao nhiêu thì hãng Phần Lan trượt sâu bấy nhiêu. Họ níu kéo hào quang cũ bằng việc mời Stephen Elop, "người cũ" của Microsoft về làm CEO từ năm 2010 và từ bỏ nền tảng Symbian để chuyển sang Windows Phone. Sau 3 năm hợp tác, Nokia chính thức "bán mình" cho Microsoft - kết cục mà không ít nhà phân tích nhìn thấy từ lâu và từng xuất hiện những bài viết đưa ra giả định rằng Elop là "con ngựa thành Troy" đến Nokia với sứ mệnh làm hãng này suy yếu để Microsoft có thể thâu tóm với giá rẻ.
Microsoft và Microsoft Mobile (tên mới của Nokia Devices and Services) vẫn tiếp tục sản xuất các dòng thiết bị Lumia, Asha. Có thể trong vài năm nữa, Windows Phone sẽ vượt iOS và Android để đứng số một thế giới như kỳ vọng của giới phân tích. Nhưng nếu điều đó xảy thì đấy cũng là chiến công của Microsoft và từ 25/4, thế giới sẽ chỉ nhớ đến Nokia như một tượng đài đã sụp đổ.
Theo Châu An (VNE)