Vì sao hàng giả, hàng nhái tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh chung và niềm tin của người tiêu dùng.

Với sự phát triển của Internet, xu hướng bán hàng online, livestream trên các sàn TMĐT, mạng xã hội… đang mang lại hiệu quả cho rất nhiều ngành nghề tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Reputa, với tổng số hơn 90 triệu lượt tương tác thu về từ nền tảng Facebook, Shopee tiếp tục là sàn TMĐT dẫn đầu trên mạng xã hội trong quý I năm 2023. Các vị trí tiếp theo thuộc về Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo.

Top 5 sàn TMĐT phổ biến trên mạng xã hội. Ảnh: Reputa

Top 5 sàn TMĐT phổ biến trên mạng xã hội. Ảnh: Reputa

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20%, TMĐT được kỳ vọng sẽ là một trong những lĩnh vực tiên phong và trụ cột của nền kinh tế số.

Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong việc xây dựng thị trường lành mạnh. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… diễn ra công khai trên các sàn TMĐT và mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp uy tín và niềm tin của người tiêu dùng.

Cách đây không lâu, lực lượng quản lý thị trường và cơ quan chức năng đã phá thành công vụ kinh doanh hàng lậu, hàng giả bằng hình thức livestream trên mạng xã hội tại Lào Cai. Tổng số hàng hóa bị tạm giữ là 158.014 sản phẩm, đây được xem là vụ kinh doanh hàng giả lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện và xử lý.

Về cơ bản, việc mua sắm trực tuyến sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, dễ dàng so sánh giá cả ở nhiều nơi… Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi người dùng sẽ không thể nhìn hoặc cầm trực tiếp sản phẩm để đánh giá hình dáng, màu sắc và chất lượng. Do đó, rủi ro đầu tiên chính là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.

Hàng giả được bán công khai trên Shopee. Ảnh: TIỂU MINH

Hàng giả được bán công khai trên Shopee. Ảnh: TIỂU MINH

iPhone 13 Pro Max giá chỉ 1,5 triệu đồng

Theo ghi nhận của PLO, hàng giả, hàng nhái… đặc biệt là các thiết bị điện tử được bán tràn lan trên sàn TMĐT Shopee. Ví dụ khi tìm kiếm từ khóa OPPO Find N2 Flip, người dùng sẽ thấy xuất hiện hàng loạt gian hàng bán sản phẩm với mức giá dao động chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, trong khi giá thực tế của sản phẩm này khoảng 19 triệu đồng.

Khi hàng giả (khoanh đỏ) áp đảo hàng thật. Ảnh: TIỂU MINH

Khi hàng giả (khoanh đỏ) áp đảo hàng thật. Ảnh: TIỂU MINH

Tương tự, các mẫu điện thoại Samsung, iPhone nhái cũng được bán tràn lan với mức giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu là người am hiểu thị trường công nghệ và thường xuyên mua sắm, bạn có thể dễ dàng nhận ra đây chỉ là các sản phẩm nhái, giả… thông qua mức giá thấp đáng ngờ.

iPhone, Samsung giả tràn ngập trên Shopee. Ảnh: TIỂU MINH

iPhone, Samsung giả tràn ngập trên Shopee. Ảnh: TIỂU MINH

Hàng giả sẽ cho trải nghiệm tệ, lỗi vặt và gây ức chế trong quá trình sử dụng. Chưa kể đến việc khi mua nhầm hàng giả, người dùng sẽ có cái nhìn không tốt về thương hiệu đó, ảnh hưởng đến nhà sản xuất và những cửa hàng làm ăn chân chính.

Trao đổi với PLO, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết: “Để an toàn khi mua sắm trực tuyến, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động và có thông tin rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều khoản liên quan đến bảo hành, trả hàng, hoàn tiền và giao nhận”.

Hệ lụy từ hàng nhái, hàng giả là bản thân các hãng sản xuất sẽ bị mất uy tín, niềm tin của người dùng vào thương mại điện tử sẽ bị sụt giảm (vốn đã rất thấp).

Shopee nói gì về việc hàng giả, hàng nhái tràn ngập?

Trao đổi với PLO, đại diện truyền thông của Shopee cho biết công ty nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật và có chính sách kiểm soát chặt chẽ.

“Chúng tôi thường xuyên tiến hành các biện pháp sàng lọc chủ động khác nhau để xác định và xử lý các sản phẩm/nhà bán hàng vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm, tùy vào từng mức độ, chúng tôi sẽ tiến hành gỡ bỏ sản phẩm, xử lý từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn đối với người bán”, nội dung trong email phản hồi.

Người dùng có thể khiếu nại, gửi báo cáo để yêu cầu gỡ bỏ các sản phẩm giả mạo. Theo đó, khi phát hiện các trường hợp vi phạm, bạn có thể liên hệ với Shopee thông qua hệ thống Tố cáo sản phẩm hoặc Tố cáo người dùng trong phần Menu.

Thực tế cho thấy đa số các sàn TMĐT đều có chính sách bảo vệ người bán lẫn người mua, tuy nhiên, việc thực thi đôi khi chưa hiệu quả.

Một số chuyên gia nhận định với tốc độ tăng trưởng hai con số như hiện nay, đến năm 2025 quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt mốc 49-57 tỷ USD.

Đọc thêm