Theo Forbes Việt Nam, họ đã lựa chọn từ hơn 300 thương hiệu và loại bỏ những thương hiệu nước ngoài dù được sản xuất trong nước để lọc ra được danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất.
Danh sách này thực hiện theo phương pháp đánh giá của Forbes, họ đo lường giá trị của một thương hiệu bằng cách nhìn vào số liệu tài chính. Những thương hiệu này phải đạt mức doanh thu lớn trong những ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Vì vậy, Forbes đòi hỏi phải có các số liệu tài chính minh bạch, nên một số công ty dù có thương hiệu đáng chú ý như Kymdan, EuroWindow, Novaland, Tân Hiệp Phát… lại không có đủ cơ sở để tính toán giá trị.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa, số liệu tài chính không công bố đầy đủ cũng khó có thể xác định, đơn cử như Kinh Đô, Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo…
Trong danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất, VNG được đánh giá là thương hiệu có tốc độ phát triển mạnh với giá trị thương hiệu 35,5 triệu USD. Hầu hết các thương hiệu công ty có giá trị nhất đều được xây dựng trong vòng 20 năm qua, riêng VNG có quá trình phát triển hơn 11 năm (từ tháng 9-2004 đến nay).
Những sản phẩm nổi bật có thể kể đến gồm Zalo, Zing Mp3; Zing news; ZingTV, CSM; 123pay, Laban Key... Trong đó, Zalo có 50 triệu người dùng, giúp nhắn tin và gọi điện miễn phí nhanh chóng, ổn định trên nhiều điều kiện hạ tầng mạng khác nhau.
VNG hiện là công ty Internet hàng đầu tại Việt Nam. Sau hơn 11 năm phát triển, VNG đã chiếm lĩnh thị trường nội địa với việc tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực, sản phẩm của VNG phục vụ hơn 80% người dùng Internet Việt Nam. |