Hình thức lừa đảo bán điện thoại giá rẻ
Cụ thể, khi nhấp vào bài viết quảng cáo (được tài trợ) trên Facebook, người dùng sẽ được chuyển hướng đến một trang web bán điện thoại có giao diện khá sơ sài, sử dụng giao thức HTTP không bảo mật. Tại đây, họ sẽ yêu cầu bạn điền thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ và chọn màu sản phẩm.
Nếu bạn làm theo các bước hướng dẫn, vài tiếng sau sẽ có một người gọi điện lại tự xưng là nhân viên của Xiaomi để xác nhận đơn hàng. Tuy nhiên, khi được yêu cầu kiểm tra điện thoại lúc nhận hàng, phía người bán không đồng ý và nhanh chóng cúp máy.
Một trang web lừa bán điện thoại giá rẻ để chiếm đoạt tiền. Ảnh: TIỂU MINH
Về cơ bản, kiểu lừa đảo này vốn chẳng phải là mới và nó thường xuyên xuất hiện trên Facebook, Zalo… dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước đó, kẻ gian cũng tạo các trang web đơn giản để rao bán điện thoại Samsung, Oppo, Poco với giá 2 triệu đồng hoặc tặng máy đọc sách Kindle miễn phí.
Thông thường, kẻ gian sẽ đóng hộp sản phẩm rất kĩ và không cho phép kiểm hàng, điều này chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của bạn. Khi lừa được vài người, họ sẽ ngay lập tức sẽ xóa trang web và lặn mất tăm.
Không được kiểm hàng khiến người dùng rất dễ bị lừa. Ảnh: TIỂU MINH
Các sản phẩm bên trong hộp thường là những vật dụng không có giá trị hoặc các dòng điện thoại dỏm, không đúng như mẫu điện thoại bạn đặt mua. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại dỏm còn khiến bạn dễ bị mất dữ liệu cá nhân.
Trước đó không lâu, phóng viên của trang Motherboard, Sarah Emerson đã mua về một chiếc iPhone X với giá 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) sau chuyến đi công tác tại Trung Quốc, và cô đã không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy những thứ nằm bên trong thiết bị.
Sau một ngày thử nghiệm, trang Motherboard đã mang thiết bị đến Trail of Bits, một công ty nghiên cứu và tư vấn bảo mật tại New York (Mỹ) để kiểm tra tất tần tật mọi thứ về chiếc iPhone X “Trung Quốc”. Vài tuần sau, nhà nghiên cứu Chris Evans của Trail of Bits đã gửi lại một bản báo cáo bảo mật chi tiết về mọi thứ bên trong chiếc iPhone X giá rẻ.
Theo Evans, thiết bị chạy trên nền tảng Android và được chắp vá từ nhiều nguồn khác nhau, ngoài ra, trên máy còn được cài sẵn nhiều phần mềm độc hại và backdoor (một loại phần mềm chuyên mở “cửa hậu” và đánh cắp dữ liệu người dùng).
Làm thế nào để không mua nhầm điện thoại dỏm?
Thị trường điện thoại cũ, tân trang ngày càng phát triển trong khi không ít người dùng luôn có khao khát sở hữu sản phẩm cao cấp với mức giá vừa phải. Đây hoàn toàn là một mong muốn chính đáng. Do đó, khi chọn mua điện thoại, người dùng nên cân nhắc những đặc điểm sau để tránh việc “ăn” phải những cú lừa không đáng có.
Theo ghi nhận, giá các dòng điện thoại dỏm thường có giá dao động từ 2-3 triệu đồng, một mức giá khá phải chăng và dễ khiến nhiều người dùng mờ mắt.
Đơn cử như Samsung S10 Plus giá 2,8 triệu, Note 9 giá 2,499 triệu, iPhone X giá 2,6 triệu, iPhone XS Max giá 2,8 triệu, Poco F2 Pro giá 4,49 triệu đồng…
Đại diện một nhãn hàng công nghệ quốc tế lớn tại Việt Nam cũng khuyến cáo người dùng khi mua điện thoại nên truy cập vào những trang web bán lẻ có tên tuổi như: Thế Giới Di Động, FPT Shop, Cellphones, Tiki… để tránh mua nhầm phải điện thoại dỏm