Đây là sự kiện thứ hai trong chuỗi sự kiện công nghệ - Vietnam Mobile Day 2018, đồng thời chính thức tạm khép lại hành trình tám năm thực hiện sứ mệnh hội tụ-kết nối và lan tỏa những tri thức công nghệ đến cộng đồng yêu công nghệ nói chung và đặc biệt là trong lĩnh vực mobile nói riêng.
Mobile Marketing chuyển mình thông minh là phát triển dựa vào công nghệ số
Phát biểu tại sự kiện, ông Dương Thành Trung, Giám đốc dịch vụ khách hàng từ Nielsen Việt Nam, cho biết Việt Nam đang có khoảng 49,5 triệu thiết bị smartphone, ước tính đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 58,4 triệu thiết bị.
Hơn thế nữa, Việt Nam hiện nay đang nằm trong tốp những nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, tính đến năm 2020 sẽ có hơn 55% người dùng Việt kết nối Internet.
Bên cạnh những xu hướng đã được nhắc đến trong những năm trước: Mobile App, Mobile Video, SMS Marketing, Mobile Remarketing… trong năm nay (và thời gian tới) xu hướng Messaging App là một “điểm sáng” mà các Marketer cần lưu ý.
VUI (Voice User Interface) - giao diện giọng nói người dùng không phải là khái niệm quá mới. VUI xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1979 nhưng cho đến thời gian gần đây, khi mà các “ông lớn” công nghệ như Apple với Siri, Google ra mắt Google Now, Amazon “trình làng” Alexa và Microsoft nhập cuộc với Cortana… hay IBM và Facebook cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chơi này khiến VUI bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn.
Chatbot cuộc chơi không chỉ dành cho người mạnh nhất
“Messaging apps hiện nay đang phát triển vượt bậc, thậm chí đã vượt mạng xã hội để trở thành nền tảng tương tác chính” - theo chia sẻ của chị My Nguyễn, Product Marketing Lead tại Zalo Business.
Điều này dẫn đến nhu cầu phát triển các ứng dụng chat tự động (chatbot) cho doanh nghiệp. Tại VMD18, nhiều chuyên gia cũng đánh giá sự tăng trưởng của chatbot trong thời gian này đã tạo nên nhiều tác động tích cực tới doanh nghiệp. Không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân sự, chi phí vận hành, chăm sóc khách hàng mọi lúc 24/7 mà còn cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Cùng với sự phát triển của mã nguồn mở, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ Microsoft, Google hay Facebook… trong việc cung cấp các nền tảng cho những nhà phát triển khác sử dụng để tạo nên chatbot của riêng họ, như nền tảng API.AI của Google, Microsoft Bot Framework và IBM Watson. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà lập trình, phát triển và startup công nghệ nào cũng có thể tiếp cận được và tạo nên sản phẩm của riêng mình.