Các nhà nghiên cứu cho biết lỗ hổng được tìm thấy trong phần thiết kế và phần mềm của camera, cho phép tội phạm mạng có thể:
- Theo dõi nhà bạn thông qua camera
- Lắng nghe mọi người trong nhà nói chuyện (nếu camera có micro)
- Đánh cắp dữ liệu hoặc thay đổi mật khẩu
- Tìm vị trí chính xác nhà bạn
- Tấn công sang các thiết bị khác trong nhà
- Đưa camera vào một mạng botnet trực tuyến...
Theo trang công nghệ Tom's Guide, có ít nhất 47 thương hiệu camera bị ảnh hưởng, hầu hết tất cả đều được bán trên Amazon, eBay...
Nhiều mẫu camera quan sát bị ảnh hưởng được bán trên Amazon, eBay... Ảnh: TIỂU MINH
Đa số các mẫu camera bị ảnh hưởng đều nằm ở châu Á. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 700.000 thiết bị đang được sử dụng ở châu Âu và 100.000 ở Anh.
Chuyên gia bảo mật Mỹ Paul Marrapese đã thử kiểm tra lỗ hổng trên các dòng camera được sản xuất bởi Accfly, Elite Security, Genbolt, egGeek và SV3C. Kết quả cho thấy những mẫu camera này dễ dàng bị hack từ xa.
Một số thương hiệu bị ảnh hưởng gồm Alptop, Besderec, COOAU, CPVAN, Ctronics, Dericam, Jennov, LEFTEK, Luowice, QZT và Tenvis.
Trên trang web của mình, Marrapese đã liệt kê 100 UID (tên định danh thiết bị) dễ bị tấn công, bạn đọc quan tâm có thể tham khảo thông tin tại địa chỉ https://hacked.camera/.
UID và tên người dùng, mật khẩu thường được in trên camera. Ảnh: Marrapese
Biên tập viên máy tính Kate Bevan khuyến cáo những ai đang sử dụng các thương hiệu camera này nên tắt thiết bị ngay lập tức. Những sản phẩm giá rẻ không phải lúc nào cũng an toàn, đặc biệt là khi chúng đến từ các thương hiệu ít tên tuổi.
Bevan cũng kêu gọi các nhà lập pháp hành động: “Chính phủ phải thúc đẩy các kế hoạch lập pháp, yêu cầu các dòng camera phải đáp ứng được những tiêu chuẩn bảo mật nhất định”.
Nếu đang sử dụng một trong các dòng camera kể trên, tốt nhất bạn hãy mua một thiết bị mới từ một nhà cung cấp uy tín. Nghiên cứu cho thấy việc các nhà sản xuất tung ra bản sửa lỗi dường như là điều không thể, do đó, việc sử dụng sản phẩm sẽ khiến người dùng gặp nhiều rủi ro.